Sửa lỗi quản lý Nhà nước trong hoạt động đăng kiểm

Đề án 'Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm' được kỳ vọng sẽ giải quyết căn cơ các bất cập trong công tác quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Hoạt động kiểm định xe cơ giới tại một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội.

Hoạt động kiểm định xe cơ giới tại một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội.

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho bộ này được tiến hành xây dựng Đề án “Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm”.

Đề án có định hướng nội dung là phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng kiểm với chức năng tổ chức cung ứng dịch vụ đăng kiểm (dịch vụ công); xác định rõ những nội dung quản lý nhà nước do Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT thực hiện; tiếp tục phân cấp về công tác đăng kiểm giữa Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam với chính quyền địa phương.

Đề án còn làm rõ định hướng, lộ trình đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó giải quyết triệt để cơ chế tài chính của Cục cho đúng quy định (tách bạch khối tham mưu giúp việc Cục trưởng và khối thực thi nhiệm vụ đăng kiểm); biên chế hành chính và số lượng người làm việc của Cục.

Bộ GTVT dự kiến trình Đề án trong vòng 45 ngày kể từ khi chủ trương này được Thủ tướng chấp thuận.

Cục Đăng kiểm Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông và phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container, nồi hơi và bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức hiện tại của Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm: 12 phòng, 01 văn phòng tham mưu và 20 Chi cục đăng kiểm. Ngoài ra Cục có 24 đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy, 20 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.

Thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức thực hiện công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công trong đăng kiểm phương tiện GTVT, đảm bảo chất lượng lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm tai nạn giao thông do lỗi kỹ thuật của phương tiện gây ra.

Tuy nhiên, gần đây, tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xảy ra một số vụ việc vi phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam còn chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm ẩn tiêu cực, trong đó việc Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa trực tiếp tổ chức thực hiện công tác kiểm định kỹ thuật; mô hình tổ chức, biên chế; cơ chế tài chính chưa tương đồng với mô hình cục quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Hạn chế lớn đầu tiên là việc Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa tham mưu Bộ trưởng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công tác đăng kiểm, nhưng đồng thời Cục đang trực tiếp thực hiện công tác cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật, chứng nhận chất lượng an toàn và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao. Điều này dẫn đến chưa tách bạch nhiệm vụ tham mưu với công tác tổ chức thực thi pháp luật chuyên ngành.

Thực tế cho thấy, các tổ chức trực thuộc Cục (phòng tham mưu giúp việc Cục trưởng) vừa tham mưu cơ chế, chính sách, vừa là chủ thể trực tiếp thực thi nhiệm vụ đăng kiểm viên.

Như vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn đang thực hiện cả hai chức năng vừa quản lý nhà nước vừa trực tiếp tổ chức thực hiện công tác kiểm định kỹ thuật; trong khi đó, vai trò quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm của Cục đối với địa phương lại rất mờ nhạt.

Do đó, cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công mà Cục đang thực hiện như hiện nay theo hướng Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước; việc tổ chức thực thi công tác đăng kiểm để chủ thể khác độc lập và các cơ quan, đơn vị của địa phương thực hiện.

Hạn chế lớn thứ hai, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay cả nước có 323 đơn vị đăng kiểm, trong đó có 42 đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (24 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và 18 đơn vị thuộc các Sở GTVT) và 281 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 69 đơn vị thuộc các Sở GTVT và 192 đơn vị thuộc doanh nghiệp tư nhân); số lượng các đơn vị đăng kiểm ngày càng gia tăng do xã hội hóa, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm ngày càng khó khăn, phức tạp, cần phải phân cấp, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Với mô hình tổ chức như hiện nay, công tác quản lý hoạt động đăng kiểm trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn do số lượng các đơn vị đăng kiểm ngày càng nhiều, Cục Đăng kiểm Việt Nam không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cũng không có tổ chức thanh tra chuyên ngành nên không thể chủ động thực hiện công tác này đối với các địa phương.

Trong thời gian qua, thanh tra của Bộ GTVT đang trực tiếp thực hiện công tác thanh tra thuộc phạm vi, thẩm quyền của Bộ đối với công tác đăng kiểm trên cả nước. Tuy nhiên, với lực lượng thanh tra mỏng, địa bàn và số lượng đơn vị đăng kiểm rộng khắp trên cả nước nên phần nào đã ảnh hưởng đến công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này.

Hạn chế lớn thứ ba, chưa đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác đăng kiểm Bộ GTVT xác định việc phân cấp hợp lý, rõ ràng nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam và địa phương trong công tác đăng kiểm sẽ bảo đảm mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ cụ thể, tránh lẫn lộn, chồng chéo là vấn đề hết sức cần thiết.

Từ đó, Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ có nhiều thời gian tập trung giải quyết các công việc mang tính chiến lược trong hoạt động quản lý vĩ mô đối với sự phát triển của Ngành, tập trung nhiều hơn vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời, Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tránh được các công việc chỉ đạo mang tính chất sự vụ.

Hơn nữa việc phân cấp hợp lý sẽ tạo điều kiện để chính quyền địa phương phát huy tính năng động, sáng tạo, sử dụng hợp lý các nguồn lực và lợi thế của địa phương; có thêm các khoản ngân quỹ bằng cách thu phí, lệ phí đối với những dịch vụ mà địa phương cung cấp.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sua-loi-quan-ly-nha-nuoc-trong-hoat-dong-dang-kiem-d190749.html