Sửa Luật ATTP: Đề xuất phạt đến 400 triệu đồng hành vi vi phạm có đủ răn đe?
Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, hậu quả của một hành vi vi phạm an toàn thực phẩm không chỉ dừng lại ở con số thiệt hại kinh tế. Do đó, không thể có chỗ cho sự nhân nhượng với hành vi trục lợi trên nỗi đau và sức khỏe của cộng đồng.
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân nhằm kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập và vướng mắc sau hơn 15 năm thi hành Luật hiện hành. Theo dự thảo, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi gồm 11 Chương, 51 Điều.
Việc sửa đổi luật lần này không chỉ là để khắc phục những bất cập trong thực tiễn, mà còn là bước đi quan trọng thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân trong việc đảm bảo quyền được ăn sạch, sống khỏe – một trong những quyền cơ bản và thiết yếu nhất của con người.
Yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật
Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đại biểu đoàn Tp.Hà Nội cho rằng, an toàn thực phẩm không còn là câu chuyện chỉ của riêng ngành y tế, mà đã trở thành mối quan tâm sâu sắc của toàn xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, khi người dân ngày càng đề cao chất lượng sống, thì từng bữa ăn, từng nguồn gốc thực phẩm đều gắn liền với sức khỏe, niềm tin và cả sự an tâm trong cuộc sống thường nhật.
"Do đó, tôi đánh giá rất cao việc Bộ Y tế chủ động xây dựng dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) – đây là hành động thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe và đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân", đại biểu Sơn nhấn mạnh.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn.
Cũng theo đại biểu, sau hơn 15 năm thực thi Luật hiện hành, đời sống kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng và đặc biệt là hình thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều thay đổi.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mô hình bán hàng qua mạng, cùng với những thách thức mới như thực phẩm "bẩn", phụ gia không rõ nguồn gốc, và cả những lỗ hổng trong quản lý liên ngành… đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi luật một cách toàn diện và sâu sắc.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ mức tiền phạt tối đa đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm lên đến 400 triệu đồng.
ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) đưa ra mức xử phạt hành chính lên tới 400 triệu đồng đối với tổ chức và 200 triệu đồng đối với cá nhân là một động thái rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bởi lẽ, theo ông nếu không có chế tài đủ mạnh, thì sự coi thường sức khỏe cộng đồng sẽ còn tiếp diễn và những vụ việc liên quan đến thực phẩm không an toàn sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với hàng triệu gia đình Việt.
"Cần nhìn nhận rằng, hậu quả của một hành vi vi phạm an toàn thực phẩm không chỉ dừng lại ở con số thiệt hại kinh tế, mà có thể là những bi kịch cả đời với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em và người già. Có những gia đình đã phải trả giá bằng cả mạng sống chỉ vì một bữa ăn nhiễm độc...", ông Sơn nói.

Đề xuất phạt đến 400 triệu đồng hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Do đó, vị đại biểu cho rằng mức phạt như đề xuất là hợp lý, thậm chí nên được thực thi thật nghiêm minh và kiên quyết, kết hợp với các biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
"Không thể có chỗ cho sự nhân nhượng hay dung túng khi đối diện với những hành vi trục lợi trên nỗi đau và sức khỏe của cộng đồng", ông nhấn mạnh và nói mức xử phạt cần được gắn với hiệu quả thực thi.
Nhiều người trở thành nạn nhân của các chiêu trò quảng cáo
Dự thảo Luật cũng bổ sung hành vi bị nghiêm cấm khi quảng cáo, kinh doanh trên mạng bao gồm: Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng; sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, ý kiến của người bệnh, lời nói, bài viết của nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Theo đại biểu, việc bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong quảng cáo, kinh doanh thực phẩm trên mạng như dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) đã nêu là hoàn toàn đúng đắn, cấp thiết và thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ người tiêu dùng trước một môi trường truyền thông ngày càng phức tạp, dễ bị thao túng bởi những thông tin giả và chiêu trò tiếp thị lừa dối.

Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm khi quảng cáo, kinh doanh trên mạng.
Trong nhiều năm qua, không ít người dân, đặc biệt là người già, người có bệnh nền, phụ nữ nội trợ đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng như "thuốc thần".
Họ không ngần ngại khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, dựng lên những "bác sĩ ảo", trưng ra những "bệnh nhân giả" với lời chứng sai sự thật để gán cho một sản phẩm chức năng những công dụng kỳ diệu không hề tồn tại.
Những clip ấy lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, tạo ra ảo tưởng và niềm tin mù quáng cho người tiêu dùng.
Theo đại biểu, việc dự thảo luật nghiêm cấm quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn, sử dụng danh nghĩa cơ sở y tế, bác sĩ, nhân viên y tế hoặc ý kiến người bệnh để quảng cáo thực phẩm là động thái mạnh mẽ nhằm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm.
Đặc biệt là bảo vệ những người dễ tổn thương nhất trong xã hội, những người thường thiếu thông tin, thiếu kỹ năng phản biện trước những lời lẽ "có cánh".
Đại biểu tin rằng khi những điều khoản này được đưa vào luật và được thực thi nghiêm túc, sẽ góp phần xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng văn minh, lành mạnh, nơi người dân không còn phải hoang mang trước hàng loạt thông tin nhiễu loạn, và doanh nghiệp không thể "lên đời" bằng những mánh khóe rẻ tiền.
Dự kiến, dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), ĐBQH Bùi Hoài Sơn cũng bày tỏ sự kỳ vọng nhiều vào dự thảo luật.
Theo ông, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà niềm tin của người dân vào chất lượng thực phẩm, vào sự minh bạch của thị trường tiêu dùng đang bị thách thức nghiêm trọng. Một chiếc bánh trung thu có thể chứa chất cấm.
Một bữa cơm học đường có thể gây ngộ độc. Một chai nước giải khát, một gói snack, hay thậm chí là một viên vitamin cũng có thể trở thành tác nhân đe dọa sức khỏe nếu bị sản xuất gian dối, quảng cáo sai lệch hay lưu thông không kiểm soát.
Những gì đang diễn ra không còn là cảnh báo, mà là lời kêu gọi khẩn thiết phải hành động bằng pháp luật, bằng cơ chế thực thi hiệu quả và bằng sự đồng lòng giữa các cấp, các ngành, giữa Nhà nước và nhân dân.
"Dự thảo Luật lần này, theo tôi, đã thể hiện được phần nào tinh thần đó. Việc bổ sung các chế tài xử phạt mạnh hơn, quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, siết chặt quảng cáo thực phẩm, quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng… là những bước tiến tích cực cần được hoàn thiện và thông qua sớm nhất có thể", đại biểu cho hay.
Đại biểu cũng kỳ vọng sau khi luật được ban hành, cần có nghị định hướng dẫn cụ thể, cơ chế thực thi rõ ràng, đội ngũ thanh tra đủ mạnh và trách nhiệm liên ngành thật sự rõ ràng. Có như vậy, luật mới không rơi vào tình trạng "treo trên giấy", mà thực sự đi vào cuộc sống, bảo vệ người dân từ những điều nhỏ nhất một bữa ăn, một lon nước, một sản phẩm trên kệ hàng.
"Tôi cũng kỳ vọng, luật lần này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cả cộng đồng từ người sản xuất đến người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội, về đạo đức kinh doanh, và về quyền được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh. Đó chính là nền tảng cho một xã hội phát triển bền vững, nhân văn và đầy tự trọng", đại biểu nhấn mạnh.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để giải quyết tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là vấn nạn thực phẩm bẩn, trong cuộc chia sẻ gần đây với Người Đưa Tin, Giám đốc Sở ATTP Tp.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng đây là cuộc chiến của cả xã hội chứ không phải của riêng ai. Trách nhiệm phải được chia đều cho cả ba bên. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định về thanh tra, kiểm tra để trao đủ thực quyền cho lực lượng chức năng. Phải tăng cường thanh tra đột xuất, dựa trên phân tích nguy cơ và thông tin từ người dân, báo chí.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận không thể đặt trên sức khỏe và tính mạng người dân. Cái gốc của vấn đề là nền sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, dù lớn hay nhỏ, ý thức và đạo đức kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu.
Những doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng đang rất khốn khổ vì không cạnh tranh lại với hàng giả, hàng bẩn giá rẻ.
Chính những người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm. "Miệng thì muốn có thực phẩm sạch nhưng tay thì lại hay chọn hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc. Khi đi mua hàng, hãy ưu tiên sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", bà Lan nhấn mạnh.