Sửa luật, 'chìa khóa' là hệ thống thông tin công khai
Luật Đất đai 2013 đã có quy định công khai thông tin về việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất hay đấu giá đất, song nhiều địa phương vẫn không thực hiện tốt. Điều này dẫn đến khoảng trống lớn, là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng khi người dân không được biết, không giám sát được, một số doanh nghiệp có thể đi 'sân sau' thâu tóm đất đai.
Thông tin đất đai còn nhiều “khoảng mờ”
Quy định đã có…
Theo Hiến pháp 1980 (Điều 19, Điều 20), toàn bộ đất đai ở Việt Nam được chính thức xác lập thuộc chế độ sở hữu toàn dân kể từ ngày 18/12/1980, tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp 1992 (Điều 17, Điều 18) và hiện nay là Hiến pháp 2013 (Điều 53), đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, Nhà nước trao quyền sử dụng đất, thực hiện thu hồi đất đang sử dụng và Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định. Đối với người sử dụng đất, Nhà nước trao quyền sử dụng đất (giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất) theo quy định của Luật Đất đai. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định.
Điều 199 - Luật Đất đai năm 2013 quy định, công dân Việt Nam có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai về: (i) quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (ii) việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (iii) việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; (iv) việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận; (v) việc thu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế liên quan đến đất đai, định giá đất…
Luật Đất đai năm 2013 giao cho Chính phủ quy định chi tiết về việc xây dựng, vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai. Đến Nghị định 43/2014/NĐ-CP chỉ có các điều từ Điều 92 đến Điều 95 có các quy định về chức năng và việc vận hành quy định hệ thống theo dõi, đánh giá là thành phần của hệ thống thông tin đất đai, được thiết lập thống nhất từ Trung ương tới địa phương và được công khai trên mạng thông tin quốc gia theo quy định của pháp luật. Hệ thống này là căn cứ phản ánh mức độ minh bạch và sự tham gia của nhân dân vào quá trình quản lý, sử dụng đất đai thông qua các chỉ số định lượng và định tính.
Sau đó, đến Thông tư 34/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai. Đáng chú ý là khi xem xét Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, tại Khoản 4, Điều 6 quy định, cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương được xây dựng từ: Kết quả đo đạc, lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất và bản đồ giá đất; điều tra cơ bản về đất đai; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
Như vậy, so với quy định của Luật Đất đai năm 2013, có thể thấy, hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai được quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP còn quá ít. Trong khi đó, Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định có sự khác khau, không đưa đủ các yêu cầu về công khai thông tin, chẳng hạn: Thiếu thông tin việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Điều 199 Luật Đất đai năm 2013.
… nhưng chưa cụ thể
Trên thực tế, tại nhiều địa phương có công khai các quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất được đăng trên trang tin thông tin điện tử Công báo, mặc dù vậy, thông tin công bố không đầy đủ và thường xuyên. Thậm chí, tại không ít địa phương, các quyết định này còn không được đăng tải công khai. Ngoài ra, các địa phương còn đang triển khai nhiều cơ sở dữ liệu như định vị từng thửa đất…, nhưng chưa thành hệ thống mang tính tập trung như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, lĩnh vực quản lý đất đai là một trong những vấn đề hết sức quan trọng của Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và vấn đề hoạch định chính sách pháp triển kinh tế của đất nước. Lĩnh vực đất đai cũng được đánh giá xảy ra nhiều vụ việc làm trái quy định của pháp luật, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Trong thời gian qua, đã phát hiện những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực đất đai mang tính hệ thống và có hậu quả rất nghiêm trọng, chẳng hạn như vụ việc tại Khu đô thị Thủ Thiêm, các sự vụ thất thoát đất công do các doanh nghiệp nhà nước quản lý…
Trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, tới đây sẽ xây dựng một luật mới để thay Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, để quản lý tốt lĩnh vực đất đai thì cần có sự giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của công dân trên cơ sở những thông tin công khai của hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai.
Công khai quyết định giao đất, cho thuê đất tại trang Công báo tỉnh Khánh Hòa
Để xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai sát hơn, Luật Đất đai mới cần quy định chi tiết, cụ thể hơn nội dung và việc xây dựng, vận hành hệ thống để đảm bảo các nghị định, thông tư hướng dẫn được ban hành sẽ phải quy định theo hướng đầy đủ (chẳng hạn, phải công khai quyết định giao đất, cho thuê đất...), tránh tình trạng quy định dữ liệu công khai bị thu hẹp, dẫn đến người dân không thể tiếp cận, tìm hiểu và phát hiện những tiêu cực, sai phạm của một số cán bộ cố ý thực hiện sai quy định pháp luật như giao đất và cho thuê đất không thông qua đấu giá, thu hồi đất của người dân nhưng không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, khiến cho người dân không được chủ đầu tư đưa ra mức hỗ trợ thêm...
Ngược lại, nếu hệ thống tin này vẫn chỉ giới hạn những thông tin về quy hoạch chung của vùng, kế hoạch sử dụng đất chung của cấp tỉnh, huyện, xã thì ít được người dân quan tâm, vì đây là các thông tin tổng hợp, không gắn liền và nêu đến việc cụ thể như giao đất cho ai, căn cứ giao đất theo chỉ định hay qua đấu giá… Như vậy, người dân cũng không thể giám sát, phản ánh vì không thể phát hiện những sai phạm, tiêu cực bằng các thông tin tổng hợp đó.
Kinh nghiệm tại nhiều nước cho thấy, với việc thông tin xây dựng công khai từng thửa đất, được truy cập công khai kèm người sử dụng đất với các thông tin về việc quyền sở hữu đất, nên việc quản lý của Nhà nước và giao dịch trong lĩnh vực bất động sản minh bạch, công khai và tránh được những bất ổn, tranh chấp về đất đai. Khi việc sử dụng đất đai trở nên ổn định và công khai sẽ tạo sự ổn định xã hội, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, đồng thời khiến việc sử dụng đất đai trở nên hiệu quả hơn.