Sửa luật để bảo vệ tốt hơn 'tế bào' xã hội

Danh sách những vụ xung đột dẫn đến án mạng giữa những người thân trong gia đình vẫn tiếp tục được nối dài, cho thấy nền tảng cơ bản nhất của xã hội đang đứng trước những nguy cơ nghiêm trọng. Có thể nói tình trạng bạo lực gia đình đang diễn biến nhức nhối hơn bao giờ hết.

Gia đình khi không còn là tổ ấm, thì sẽ thành nơi giam cầm những thân phận yếu thế. Tình trạng bạo lực là tác nhân chính đe dọa tính bền vững của gia đình Việt, xói mòn đi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, làm suy yếu động lực phát triển.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Tang thương dưới những mái nhà

Ngày 26-4, TAND TP. Hồ Chí Minh xử phạt Nguyễn Ngọc Đức (40 tuổi, trú tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) 8 năm tù giam về tội “Giết người”. Đức và chị Nguyễn Thị Thu Vân kết hôn từ năm 2006 và có 2 con chung. Quá trình chung sống, do Đức ham mê cờ bạc, vay mượn tiền của nhiều người, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình nên chị Vân đệ đơn xin ly hôn. Ngày 9-4-2021, TAND huyện Hóc Môn đã chấp nhận yêu cầu của chị Vân được ly hôn với Đức.

Trong quá trình giải quyết ly hôn, thấy chị Vân không đồng ý chia số tiền 2,6 tỷ đồng mà chị vừa bán căn nhà được cha mẹ cho, nên Đức nhiều lần đe dọa sẽ dùng xăng đốt chị Vân và cả gia đình anh trai vợ. Ngay trong buổi hòa giải, Đức rút dép đánh vào mặt vợ. Sau đó, Đức còn tìm tới tận cơ quan chị Vân đòi chia tiền. Ngày 25-1-2021, Đức chuẩn bị xăng và một con dao nhọn đón đường tấn công chị Vân khi chị đang chở con đi học về.

Phát hiện thấy vợ con đi trên đường Lê Thị Hồng Gấm, huyện Hóc Môn, Đức lập tức ép xe chị Vân vào lề đường. Thấy vậy, chị Vân hốt hoảng vứt xe bỏ chạy thì bị Đức đuổi theo, nắm cổ áo rồi đổ xăng lên đầu và người chị Vân. Rất may, hành vi tội ác của Đức được người dân ngăn chặn kịp thời. Gã bị khống chế giải đến cơ quan chức năng.

Bạo lực gia đình khiến phụ nữ, trẻ em bị tổn thương cả tinh thần và thể chất

Bạo lực gia đình khiến phụ nữ, trẻ em bị tổn thương cả tinh thần và thể chất

Mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khám phá thành công vụ án chồng giết vợ mang xác đi phi tang, xảy ra tại TP Đà Lạt. Thủ phạm gây án là Đoàn Thanh Trí (30 tuổi, trú tại thôn Trường Xuân 2, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt). Do nghi ngờ vợ “có người khác”, Trí đã nổi máu ghen tuông. Đêm 11-12-2021, hai vợ chồng xảy ra cãi vã, Trí đã dùng dao đâm vào cổ vợ khiến chị T. tử vong tại chỗ.

Sau đó, Trí đã cõng thi thể vợ đến vườn cà phê trước miếu Thổ thần để chôn xác phi tang, rồi đánh lạc hướng gia đình bằng việc sử dụng điện thoại của vợ gửi đi nhiều tin nhắn cho người thân thông báo đã đi làm ăn xa, không thể về thăm nhà. Trí còn sử dụng trang facebook cá nhân của vợ để đăng tải một số hình ảnh, cập nhật các thông tin để đánh lạc hướng mọi người, rằng nạn nhân vẫn đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Gần đây nhất, dư luận liên tục rúng động trước thông tin bé gái Đ.N.A. (3 tuổi, trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) bị người tình của mẹ hành hạ bằng các thủ đoạn như cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt đinh ốc vít, đánh gãy tay, đóng 10 cái đinh vào đầu dẫn đến tử vong. Khi nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì lại xảy ra những vụ bố, mẹ đẻ ném con xuống sông…

Cần sửa luật cho phù hợp thực tế xã hội

Theo thống kê thì tại Việt Nam, 100 hộ thì có 30 hộ cho biết trong gia đình họ có xảy ra bạo lực, trung bình mỗi năm xảy ra 36.534 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Từ những vụ án đau thương đó, đặt ra một vấn đề xã hội hệ trọng là phải làm sao để khôi phục truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, đó là xây dựng gia phong, gia đạo, nề nếp, ông bà cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận. Vì vậy, việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực – tác nhân chủ yếu dẫn đến sự đổ vỡ trong hôn nhân và là nguồn cơn dẫn đến tội ác.

TS. Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, sau 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Luật hiện hành, ông thấy nổi lên một số hạn chế, bất cập như: chưa giải thích hoặc giải thích còn chung chung về hành vi bạo lực gia đình; chưa quy định rõ về nguyên tắc, nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền để phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin hiện nay; chưa làm rõ được tính đặc thù của công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, việc hòa giải còn mang nặng thủ tục hành chính; các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo; biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chưa tạo cơ hội bảo vệ nạn nhân và tăng hình thức răn đe với người gây bạo lực.

Bên cạnh đó, Luật chưa quy định rõ về các chính sách xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể là chưa quy định rõ những hoạt động được hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ nên xã hội hóa đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn yếu. Đồng thời chưa có quy định cụ thể về chế độ khen thưởng, đền bù thiệt hại cho những người tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, khiến công tác phòng, chống bạo lực gia đình nên khó huy động sự tham gia của toàn xã hội…

Đánh giá về Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), luật sư Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc sửa đổi luật nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Theo bà Phương, tính ưu việt của Dự thảo ở chỗ đã quy định rất rõ những nội dung quan trọng như báo tin, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và cả với người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; quy định các biện pháp phòng ngừa, tăng cường hỗ trợ bảo vệ nạn nhân, tăng cường tính răn đe và trách nhiệm ngăn chặn bạo lực gia đình; xác định rõ các cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác này. Dự thảo Luật cũng đưa ra nhiều quy định khá cụ thể, chi tiết về các quyền của người bị bạo lực gia đình, các loại hình hòa giải; biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình...

Các điều khoản này mang tính nhân văn cao nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, các quyền, lợi ích của nạn nhân; đồng thời huy động các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và Công an tham gia vào những hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, Dự thảo đã quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác này, nhất là trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã. Quy định này sẽ giúp người đứng đầu chính quyền địa phương buộc phải quan tâm, có trách nhiệm và trực tiếp đứng ra chỉ đạo giải quyết các tình huống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đã quy định cụ thể nhiệm vụ giám sát người có hành vi bạo lực gia đình thuộc về trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; thành viên ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố; chi hội trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; Công an cấp xã; cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người chứng kiến được sử dụng điện thoại, camera an ninh và các phương tiện hỗ trợ khác để ghi âm, ghi hình làm chứng cứ. Các quy định về cai nghiện rượu bắt buộc; biện pháp hòa giải trước, trong và sau khi hòa giải; xét xử công khai; xử lý người dung túng, bao che... cũng là những điểm mới của Dự thảo luật.

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra Dự án luật, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ sự tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Bà Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo trong quá trình sửa đổi Luật, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình, tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình và quan tâm các vấn đề về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng cũng như đặc thù vùng miền, dân tộc. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở của Công an cấp xã....

Đào Trung Hiếu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/sua-luat-de-bao-ve-tot-hon-te-bao-xa-hoi-i657748/