Sửa luật để doanh nghiệp phát triển

Ngày 15/11, ngay sau khi nghe Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận tại tổ về hai dự luật này. Nhiều ĐBQH cho rằng, sửa luật phải tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển chứ không đơn thuần chỉ thuận lợi cho quản lý.

ĐBQH Mai Hồng Hải (Hải Phòng) phát biểu tại tổ, ngày 15/11.

ĐBQH Mai Hồng Hải (Hải Phòng) phát biểu tại tổ, ngày 15/11.

Không nên khó là cấm

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là việc Chính phủ đề xuất đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, không nên cấm mà thay vào đó cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thời gian qua có chuyện một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến hoạt động trật tự an toàn xã hội. Cụ thể như biến tướng của tín dụng đen, gây mất an ninh trật tự. Việc này rõ ràng phải nghiêm trị. Nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường. Do đó luật phải quy định cụ thể ai được làm? Và làm thì cần tuân thủ cái gì? Vi phạm thì xử lý chứ cấm là không hợp lý.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với việc không nên cấm. Bởi theo ông Hòa, trong quản lý nhà nước, việc nào thấy khó không quản lý được thì cấm là không nên. Dịch vụ đòi nợ là loại hình không thể loại bỏ vì đây là yêu cầu của khách quan thực tiễn. “Ví dụ doanh nghiệp, ngân hàng không có thời gian hay đội ngũ chuyên môn về đi thu hồi nợ rất cần đến dịch vụ đòi nợ. Thời gian qua dịch vụ đòi nợ bị biến tướng theo kiểu “xã hội đen” là do quản lý chưa chặt chẽ. Nợ phải trả là điều tất nhiên do đó không nên loại bỏ mô hình dịch vụ này, cái chính là quy định chặt chẽ để quản lý cho tốt. Đòi nợ theo kiểu xã hội đen đã có quy định về pháp luật hình sự điều chỉnh”-ông Hòa phân tích.

Cần xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh

Liên quan đến Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhiều ĐB bày tỏ quan điểm không đồng tình về việc đưa hộ kinh doanh vào trong Luật. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, việc đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động là các hộ kinh doanh. Do đó cần cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Theo ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), quy mô hộ kinh doanh thường nhỏ, từ trước tới giờ không đưa vào Luật, hộ kinh doanh vẫn hoạt động bình thường. Vấn đề cần quan tâm là hộ kinh doanh nộp vào ngân sách nhà nước bao nhiêu tiền? Bà Thơ đưa ra phân tích: Nếu đưa hộ kinh doanh chuyển đổi doanh nghiệp thì sẽ trở thành doanh nghiệp “siêu siêu nhỏ”. Hiện nay doanh nghiệp siêu nhỏ đã không thỏa mãn tiêu chí của doanh nghiệp, bây giờ đưa hộ kinh doanh thành doanh nghiệp thì lại trở thành doanh nghiệp “siêu siêu nhỏ”. Vì vậy cần cân nhắc vấn đề trên.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng cho rằng, khó có thể đưa hộ kinh doanh vào trong Luật vì hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong khi Dự thảo luật chỉ có cơ chế quản lý chứ chưa có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển. Như vừa qua chúng ta ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiêp nhỏ và vừa nhưng thực tế doanh nghiệp không tiếp cận được với chính sách, nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật ban hành rất chậm. Do đó nên nghiên cứu xây dựng một nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Trong khi đó, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, theo số liệu thống kê hiện hộ kinh doanh đang có từ 5-6 triệu hộ, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tuy nhiên đưa vào luật sẽ khó khăn. Trên thế giới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có hộ kinh doanh. Nhưng do tính đặc thù cần luật riêng về hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chứ không nên quy định trong Luật Doanh nghiệp. Trước mắt cần ban hành nghị định để định hướng phát triển cho hộ kinh doanh.

Theo ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng), sửa luật quan trọng là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Về doanh nghiệp có Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã có Luật Hợp tác xã nhưng riêng hộ kinh doanh chưa có luật để điều chỉnh. Vì vậy cần đánh giá tác động trước khi đưa vào luật, trong khi Dự thảo luật chỉ có quản lý chứ chưa tạo môi trường cho hộ kinh doanh phát triển. Nên chăng cần ban hành nghị định riêng về hộ kinh doanh trước khi luật hóa hộ kinh doanh thành luật riêng.

Doanh nghiệp nhà nước như sống trong ngôi nhà “ngũ đại đồng đường”

ĐB Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn giống như doanh nghiệp nhà nước nhưng ngược lại nhiều doanh nghiệp nhà nước lại muốn giống như doanh nghiệp tư nhân. Vì thủ tục phức tạp nên doanh nghiệp nhà nước như đang sống trong ngôi nhà “ngũ đại đồng đường”, dù thế hệ thứ 5, tức là đã lớn rồi nhưng làm gì, động đến gì cũng phải xin ý kiến “cụ cố”, chứ không phải xin ý kiến bố mình nữa, cho nên doanh nghiệp nhà nước mong trở thành doanh nghiệp tư nhân. Còn doanh nghiệp tư nhân muốn giống doanh nghiệp nhà nước vì được tiếp cận với vốn, đất đai nhanh hơn và chi phí tiếp cận ít hơn. Do vậy nên dành thời gian để các bộ, ngành đối chiếu song song giữa luật cũ và luật mới để xem quy định nào nổi bật hơn, đạt mong muốn, mới đưa ra xem xét, tránh xung đột pháp luật.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/sua-luat-de-doanh-nghiep-phat-trien-tintuc452518