Sửa luật để tạo điều kiện cho công dân trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, bảo đảm ANTT

Tham dự phiên họp có Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí thành viên UBQPAN, đại diện bộ, ngành Trung ương và địa phương, một số cơ quan của Quốc hội...

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới nêu rõ, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 UBQPAN được tổ chức để thẩm tra 4 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước.

"Diễn ra trong vòng hai ngày 8 và 9/5, UBQPAN mong muốn nhận được những ý kiến sâu sắc, trí tuệ, cởi mở, với tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, cùng đồng hành với Ủy ban và Ban soạn thảo để xây dựng các dự án luật đạt chất lượng tốt nhất" - Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng

Đại diện Cơ quan soạn thảo trình bày tóm tắt Tờ trình số 161 ngày 28/4/2023 của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số".

Thứ trưởng Lương Tam Quang trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ trưởng Lương Tam Quang trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần phải nghiên cứu, sửa đổi để kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách này.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 76 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý bổ sung "Nơi sinh" vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi khoản 3, Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ủy viên Thường trực UBQPAN Vũ Huy Khánh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp.

Ủy viên Thường trực UBQPAN Vũ Huy Khánh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp.

"Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội", Thứ trưởng Lương Tam Quang lý giải.

Dự thảo luật gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực UBQPAN khẳng định, UBQPAN cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời đánh giá hồ sơ, tài liệu được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị đầy đủ, công phu, chi tiết, có chất lượng, đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

"Dự thảo luật cơ bản bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu cấp bách của thực tiễn", Đại tá Vũ Huy Khánh đánh giá, đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để rà soát, chỉnh lý dự thảo luật cho phù hợp.

Nâng thời hạn thị thực điện tử cho người nước ngoài lên không quá 3 tháng

Thảo luận tại phiên họp, ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sơn La nhất trí rất cao với việc sửa đổi luật như tờ trình, đặc biệt là việc sửa đổi khoản 1, khoản 3, Điều 6 về giấy tờ xuất nhập cảnh và sửa đổi, bổ sung khoản 2, bổ sung khoản 9, Điều 15 về cấp hộ chiếu phổ thông trong nước, vì việc yêu cầu công dân phải nộp xin các giấy tờ đến giờ này là không cần thiết, Bộ Công an đã có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và có thể khai thác các thông tin liên quan ở đây. "Chúng tôi đã cùng UBQPAN đến thăm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Bộ Công an, rất hiện đại, chi tiết, được cập nhật hằng ngày từ Công an xã trở lên", ông dẫn chứng.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông thảo luận tại phiên họp.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông thảo luận tại phiên họp.

Liên quan việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 7 và một số khoản của Điều 9 về việc nâng thời hạn thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông bày tỏ quan điểm đồng tình cao, bởi 30 ngày rất nhanh, 3 tháng - 90 ngày sẽ giúp người nước ngoài vào Việt Nam có hoạt động dài hơi hơn, từ đó thu hút khách du lịch, nhà đầu tư vào Việt Nam nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư hơn.

Cũng ủng hộ điều này, ông Quảng Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, nên mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam; góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ thảo luận tại phiên họp.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ thảo luận tại phiên họp.

Khẳng định Bộ Ngoại giao thống nhất chủ trương cấp thị thực điện tử mở rộng từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng để tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam, tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị nên loại trừ đối tượng mang hộ chiếu ngoại giao công vụ nước ngoài để phù hợp nguyên tắc đối đẳng.

"Bộ Ngoại giao cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng luật này, ủng hộ các quy định nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người Việt Nam được cấp phát các giấy tờ xuất, nhập cảnh, cũng như người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; đánh giá cao Ban soạn thảo trong thời gian rất ngắn đã xây dựng hồ sơ rất hoàn chỉnh, đầy đủ, có nhiều sáng kiến cải tiến hơn nữa trong cấp phát giấy tờ, thủ tục xuất nhập cảnh...", ông Vũ chia sẻ thêm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu thảo luận tại phiên họp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu thảo luận tại phiên họp.

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Căn cước mà UBQPAN sẽ cho ý kiến trong phiên họp dự định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định Quốc tịch, do đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nên chăng cũng cân nhắc đưa nội dung này vào cho phù hợp.

Liên quan việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 27 và khoản 2 Điều 28 về các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng tình với quy định hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn nhận hộ chiếu mà không đến nhận hộ chiếu để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Song ông đề nghị dự thảo luật nên cân nhắc bổ sung quy trình hủy, công bố trên trang thông tin điện tử, và sau thời hạn công dân không đến nhận thì có cơ sở để hủy...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/sua-luat-de-tao-dieu-kien-cho-cong-dan-trong-linh-vuc-xuat-nhap-canh-bao-dam-antt-i692711/