Sửa luật để trị 'cát tặc'
Trong những nỗ lực phòng chống khai thác cát trái phép, UBND TP HCM vừa giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự theo hướng giảm định lượng để xác định yếu tố cấu thành tội phạm đối với hành vi khai thác tài nguyên trái phép.
Đây không phải là lần đầu TP HCM quyết liệt với "cát tặc". Giữa năm 2019, UBND TP HCM từng phê duyệt đề án "Phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP HCM với các tỉnh", với việc chi hơn 164 tỉ đồng để trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cũng như chi phí cho công tác tuần tra, kiểm soát.
Đề án nêu trên còn đề cập việc xây dựng 2 chốt biên phòng trên vùng biển Cần Giờ và 2 chốt trên sông Đồng Nai, đồng thời đưa ra một số giải pháp như: Rà soát để bổ sung, thay thế quy định chưa phù hợp thực tiễn; nghiên cứu các thiết bị công nghệ cho công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát trái phép... Nhờ vậy, việc đấu tranh chống "cát tặc" đã có những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép ở TP HCM vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi. Biện pháp đơn giản nhất là tịch thu tang vật khai thác cát trái phép thì quy định hiện hành chỉ áp dụng được với trường hợp số lượng cát phải từ 50 m3 trở lên. Vì thế, khi bị phát hiện, các đối tượng chỉ cần xả cát xuống biển để tẩu tán là xong. Đó là chưa kể các đối tượng "lách luật" bằng cách sử dụng ghe nhỏ, khai thác chỉ trên dưới 10 m3 cát nên xử lý càng khó.
Muốn xử lý nghiêm hơn, cụ thể là xử lý hình sự, lại càng khó. Bởi lẽ, theo pháp luật hiện hành, chỉ xử lý hình sự được đối với người có hành vi khai thác trái phép trên 500 m3 cát hoặc thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng. Định lượng để xác định tội như vậy là quá lớn, không phù hợp thực tiễn.
Ngay thời điểm UBND TP HCM có động thái trên thì ở tỉnh Gia Lai, UBND huyện Chư Prông cũng đang phải xử lý bãi cát trái phép tại khu vực suối Tài, xã Ia Mơr. Bãi cát này cách trụ sở UBND xã Ia Mơr không xa, khai thác bằng máy móc và đã tập kết được cả trăm mét khối để chờ tiêu thụ. Tại An Giang, liên tục trong những ngày 11, 12 và 13-3, lực lượng công an tỉnh cũng bắt giữ nhiều phương tiện khai thác cát trái phép trên sông...
Kể ra như vậy để thấy nạn "cát tặc" không phải chỉ riêng ở TP HCM mới có, mà là xảy ra ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Có thể nói ở đâu có sông thì hầu như ở đó có "cát tặc".
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "cát tặc" lộng hành, trong đó có cả sự bất cập trong quy định của pháp luật, cụ thể ở đây là việc định lượng. Không lý do gì mà kẻ trộm cắp tài sản thông thường chỉ giá trị trên 2 triệu đồng đã bị xử lý hình sự, song trộm cát - tài nguyên quốc gia - thì cứ phải thu lợi đến trăm triệu đồng mới bị xử lý?
Quy định của pháp luật mà chưa phù hợp thực tiễn thì cần phải chỉnh sửa. Song, như đã nói, vướng mắc này không phải là chuyện riêng của TP HCM. Nếu các địa phương khác cũng gặp phải vướng mắc này thì nhân đây cần lên tiếng, để cùng TP HCM chung tay chống "cát tặc".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/sua-luat-de-tri-cat-tac-20210321223434794.htm