Sửa Luật Điện lực: Cần chấm dứt việc bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng
Góp ý vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, không thể để khách hàng này thu giá cao, để bù cho nhóm khác thu thấp hơn. Như vậy sẽ không khuyến khích sử dụng tiết kiệm, thiếu công bằng.
Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Luật Điện lực sửa đổi, nhiều vấn đề của ngành điện đã được bóc tách, bàn thảo, trong đó có việc bù chéo giá điện, hình thức thí điểm cho giá điện 2 thành phần. Bên cạnh đó, quan điểm khởi động lại điện hạt nhân và ứng xử với điện tái tạo ra sao khi chính sách giá đang có nhiều tồn tại, cần sửa đổi.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐQBH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị làm rõ và bổ sung quy định cụ thể về đảm bảo cơ cấu giá điện hai thành phần và có lộ trình rõ ràng về xóa bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, việc xóa bù chéo và thực hiện giá điện 2 thành phần nhằm đảm bảo bình đẳng, giá điện theo thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện cho sản xuất. Đại biểu đồng tình với việc thực hiện giá điện hai thành phần (giá điện năng và công suất) để rõ ràng, minh bạch và chấm dứt bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
“Không thể để khách hàng này thu giá cao, để bù cho nhóm khác thu thấp hơn. Như vậy sẽ không khuyến khích sử dụng tiết kiệm, thiếu công bằng”, ông Hòa bày tỏ quan điểm.
Theo ông Phạm Văn Hòa, giá điện theo thị trường sẽ tránh việc ngành điện báo lỗ hằng nằm, do phải bù chênh lệch giá. “Mua cao thì phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp”.
Về việc sửa đổi nhiều chính sách của Luật Điện lực, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, năm 2023, Quốc hội đã có một chuyên đề giám sát thực thi chính sách pháp luật về năng lượng giai đoạn 2016-2020.
“Điện là hàng hóa đặc biệt, không phải cứ dư cho vào bao cất vào kho, nên phải đảm ứng nhu cầu của nền kinh tế, nếu GDP tăng 1 thì điện phải tăng 1,5 lần. Do vậy điện là vấn đề cấp bách cần phải sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện. Tôi đồng ý sửa đổi một cách toàn diện”, ông Tạ Văn Hạ bày tỏ.
Theo đại biểu Hạ, các chính sách của Luật Điện lực hiện nay như khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu. Đại biểu đề xuất, nhà nước độc quyền về hệ thống điều độ, vận hành, còn theo quy định thị trường, doanh nghiệp sản xuất rồi thuê đường truyền tải. Tại Điều 33 quy định tổ chức cá nhân tự đầu tư điện mái nhà, xây dựng quy mô đến 100kW thì không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu nhà máy sản xuất lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà toàn bộ hệ thống nhà xưởng thì sản lượng chắc chắn trên 100kW nếu thế họ phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất của toàn nhà máy? “Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung này”, đại biểu nói.
Ngoài ra, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện qui định về thị trường điện cạnh tranh.
Đề xuất cơ chế tính giá định linh hoạt
Góp ý tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực.
“Do đó, tôi đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng”, ông Bình nói.
Theo đại biểu, điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện.
Ngoài ra, các điều chỉnh giá điện nên được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
Về giải pháp triển thị kinh nghiệm cạnh tranh, đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, dự thảo luật cần có lộ trình rõ ràng cho việc chuyển đổi từ cơ chế đặc quyền sang thị trường điện cạnh tranh. Bổ sung quy định cụ thể về các bước thực hiện mở cửa thị trường điện, bao gồm thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý công việc giám sát và điều phối thị trường điện, nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch. Cùng với đó là đưa ra các quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện, nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà đầu tư.
Theo dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ phát triển thị trường điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.
Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường.
Đối với nhóm khách hàng sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện.