Sửa Luật Doanh nghiệp: Cần xây dựng nguyên tắc cốt lõi, ổn định thời gian dài

Để đảm bảo tính ổn định của Luật Doanh nghiệp thì Luật cần phải xây dựng một số các nguyên tắc cốt lõi, ổn định trong một thời gian dài.

Sáng ngày 18/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo 20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách. Sự kiện nhằm tổng kết 20 năm thi hành Luật Doanh nghiệp nhằm hoàn thiện nội dung và nâng cao hiệu lực thực thi.

Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 nhằm bảo vệ quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp; đảm bảo an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi pháp luật.

Hội thảo đã đem đến cho đại biểu bức tranh toàn cảnh về những tác động của Luật Doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, hành lang luật pháp, chính sách đối với doanh nghiệp cũng như cán bộ của cơ quan quản lý tại địa phương trong suốt 20 năm qua.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong 20 năm qua, Luật Doanh nghiệp đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh, giảm rủi ro và tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sự thay đổi đáng kể nhất là chất lượng dịch vụ công thể hiện ở thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh và thái độ, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức thực thi công vụ…

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá: Luật Doanh nghiệp sau nhiều lần sửa đổi đã có những cải cách theo hướng tốt hơn như: Quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện; bỏ ghi ngành nghề kinh doanh; bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu...

Ngoài ra, TS. Trần Đình Cung cũng đặc biệt nhấn mạnh đến hai thành tựu về chi phí tuân thủ đã giảm đáng kể và tăng an toàn, giảm rủi ro trong kinh doanh. Luật Doanh nghiệp sau nhiều lần sửa đổi đã có những cải cách theo hướng tốt hơn như: quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện; bỏ ghi ngành nghề kinh doanh; bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu...

Đồng thời, Luật Doanh nghiệp 1999, 2004 và 2014 thực sự là một đột phá về thủ tục hành chính cấp phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp và mô hình hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang nhận định, trước năm 2000 (năm có hiệu lực Luật doanh nghiệp 1999), việc thành lập 1 công ty hay 1 doanh nghiệp tư nhân phải kéo dài trung bình từ 3-6 tháng, thậm chí đến gần 1 năm với số lượng các giấy tờ chuẩn bị khá nhiều. Có những giấy tờ rất khó khăn khi thực hiện đối với các quy định pháp luật giai đoạn đó: như bản giải trình về biện pháp bảo vệ môi trường, giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch, xác nhận của ngân hàng về vốn điều lệ…

Nhưng sau khi Luật chính thức có hiệu lực, các thủ tục hành chính đã liên tục được được cắt giảm để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc gia nhập thị trường, áp dụng thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh trên môi trường điện tử sớm so với các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, việc thi hành Luật Doanh nghiệp vào trong thực tế còn tồn tại không ít khó khăn và cản trở.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung quá trình công ty hóa doanh nghiệp nhà nước là hình thức làm “lỏng” quản lý và kiểm soát đối với doanh nghiệp nhà nước. Quản trị công ty trên thực tế nhìn chung chỉ mới tuân thủ hình thức hơn là thực chất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị công ty.

Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho rằng, nếu so sánh thực trạng quản lý doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dù đã làm, đã nỗ lực nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn.

Có thể kể đến như, mục tiêu sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, nhất quán; thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước chưa tách bạch với chức năng quản lý nhà nước, kể cả đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; doanh nghiệp nhà nước chưa hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường; vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực; chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan (nước, điện...); thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu…

Bên cạnh đó, sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về doanh nghiệp cũng được nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm.

Để gỡ khó cho tình trạng này, Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng: “Để đảm bảo tính ổn định của Luật Doanh nghiệp thì Luật cần phải xây dựng một số các nguyên tắc cốt lõi. Nếu những nguyên tắc này được xây dựng tốt, ổn định trong một thời gian dài sẽ giúp cho các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp dễ dàng có thể thống nhất, phù hợp với nhau, như Luật chứng khoán, Luật đầu tư…”.

Ngày 15/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật này.

Võ Hương Giang

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/sua-luat-doanh-nghiep-can-xay-dung-nguyen-tac-cot-loi-on-dinh-thoi-gian-dai-94858.html