Sửa Luật Nghĩa vụ quân sự: Cần quy định chi tiết nhiều vấn đề
Hiện nay, nhiều quy định liên quan đến hoãn nghĩa vụ quân sự chưa được quy định chi tiết dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất.
Bộ Quốc phòng đã kiến nghị Chính phủ giao bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Có kẽ hở để trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Theo tổng hợp của Bộ Tư pháp, hơn sáu năm đi vào cuộc sống, luật này đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập về các vấn đề như: Quy định về việc đăng ký NVQS; quy định về các trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ và bất cập về số lần gọi nhập ngũ trong năm…
Cần thống nhất độ tuổi
gọi nhập ngũ từ 18 đến 25
Điều 30 Luật NVQS hiện hành quy định độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Theo tôi, độ tuổi thực hiện NVQS chỉ nên từ 18 đến 25 tuổi. Việc kéo dài độ tuổi đến 27 là không cần thiết bởi hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học, kể cả sinh viên y khoa với khóa học sáu năm khi ra trường vẫn chưa tới 25 tuổi - độ tuổi này vào quân ngũ phục vụ là tốt nhất và khi quay lại môi trường xã hội vẫn còn cơ hội để phát triển nhiều hơn.
Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG,
Đoàn Luật sư TP.HCM
Theo đó, hiện nay còn tình trạng công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS không đăng ký di chuyển NVQS từ địa phương nơi đăng ký NVQS lần đầu đến nơi làm việc mới.
Hoặc việc thực hiện đăng ký di chuyển NVQS khi nhập học và đăng ký di chuyển sau khi tốt nghiệp về địa phương, đến nơi làm việc hoặc thôi học chưa chặt chẽ. Công tác đăng ký, quản lý NVQS tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học chưa thành nề nếp.
Về các trường hợp hoãn NVQS, luật quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với trường hợp là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động. Tuy nhiên, lại thiếu hướng dẫn chi tiết về quy định “người không còn khả năng lao động” dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện xét duyệt đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Còn đối với các công dân đang được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo. Tuy nhiên, những trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp... lại chưa được quy định cụ thể.
Cần sửa theo hướng chi tiết hơn để đảm bảo công bằng
Góp ý kiến về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của Luật NVQS, luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết câu chuyện về tạm hoãn NVQS hoặc trốn tránh NVQS vẫn luôn là vấn đề được quan tâm qua các kỳ tuyển quân.
Thực tế, nhiều trường hợp công dân lợi dụng các hình xăm để trốn tránh NVQS hoặc lợi dụng việc chưa tốt nghiệp đại học, cao đẳng để kéo dài thời gian tạm hoãn NVQS.
Do vậy, để đảm bảo trong thời gian tới việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện công bằng và áp dụng thống nhất thì luật sửa đổi, bổ sung cần quy định chi tiết hơn về các trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ. Cụ thể, cần quy định rõ thời hạn cho một khóa đào tạo trình độ đại học, cao đẳng có bao gồm cả thời gian gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, chưa tốt nghiệp ra trường hay không.
Hoặc khi công dân thực hiện các thủ tục tạm hoãn tại cơ quan đăng ký NVQS tại địa phương (nộp giấy báo nhập học, giấy xác nhận đang học tại trường đại học, cao đẳng) thì trong các giấy xác nhận này cũng cần ghi rõ thời gian đào tạo là bao lâu, để từ đó hội đồng NVQS tại mỗi địa phương căn cứ vào thời gian đó xác định thời điểm hết lý do tạm hoãn.
Mặt khác, cũng cần nghiên cứu những chính sách đặc biệt đối với công dân nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học. Bởi những công dân này sau khi ra quân sẽ lập nghiệp chậm hơn so với những người đồng trang lứa. Chưa kể đến chuyện trong hai năm này, cơ hội có được những công việc tốt sau khi ra trường của họ bị bỏ lỡ.
Về vấn đề một số trường hợp xăm hình để trốn tránh NVQS, nếu những trường hợp này đảm bảo sức khỏe theo quy định thì cơ quan tuyển quân hoàn toàn có thể yêu cầu công dân đi xóa, tẩy hình xăm để nhập ngũ một cách bình thường.
Kiểm tra dữ liệu cư trú, không lọt người đến tuổi nhập ngũ
Về việc đăng ký NVQS, theo quy định thì đây là việc làm bắt buộc mà mỗi nam công dân đều phải làm khi đủ 17 tuổi. Do đó, để tránh bỏ lọt, bỏ sót công dân đăng ký thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là vấn đề quản lý cư trú, quản lý nhân khẩu của cơ quan công an.
Theo đó, khi đến thời gian đăng ký NVQS, chính quyền địa phương phải lên danh sách các công dân đang trong độ tuổi phải đăng ký dựa trên dữ liệu cư trú của địa phương mình. Luật quy định đủ 17 tuổi phải đăng ký thì trong độ tuổi này đa số công dân vẫn còn ở địa phương nên không khó để thực hiện lệnh gọi đăng ký.
Hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú đã đi vào vận hành thì việc tra cứu thông tin cư trú của công dân sẽ được xác định một cách dễ dàng. Do đó, đối với những công dân đã thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc nhưng chưa đăng ký NVQS thì cơ quan quân sự tại địa phương thực hiện kiểm tra dữ liệu cư trú trên hệ thống để yêu cầu công dân đăng ký trên địa bàn quản lý của mình. Trường hợp công dân không thực hiện đăng ký thì xử lý theo quy định hiện hành (xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự).
Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM