Sửa luật Phòng chống bạo lực gia đình: Tách bạch rõ ràng 'bằng mặt không bằng lòng' và 'nắm đấm'
Trong một gia đình, 'con đường' dẫn từ mâu thuẫn, tranh chấp (thể hiện qua việc các thành viên trong gia đình không hài lòng về nhau, giận nhau, 'bằng mặt không bằng lòng') đến bạo lực (hành hung, gây thương tích, bạo hành tình dục, bao vây kinh tế) ngắn - dài tùy trường hợp.
Và thực tế cho thấy, tại địa phương một bộ phận người dân và chính quyền chưa phân biệt được trường hợp nào là bạo lực gia đình (BLGĐ), trường hợp nào là mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Điều này dẫn tới có những vụ BLGĐ gây hậu quả rất nặng nề nhưng vẫn chỉ thực hiện hòa giải mà không có biện pháp răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực, dẫn đến tình trạng BLGĐ kéo dài.
Nội dung trên được các nhà làm luật, đại diện các sở ban ngành liên quan rất quan tâm trong khuôn khổ hội thảo lấy ý kiến xây dựng hồ sơ dề nghị xây dựng Luật Phòng chống BLGĐ do Bộ VH-TT&DL tổ chức ngày 8/10/2020. Theo đó, thực tiễn cho thấy, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa các hành vi BLGĐ. Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác hòa giải trong PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập.
Một trong những nguyên nhân là hiện nay một bộ phận người dân và cán bộ chính quyền chưa phân biệt được trường hợp nào là BLGĐ, trường hợp nào là mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Vì vậy, dù đã xảy ra BLGĐ nhưng không ít vụ việc vẫn chỉ thực hiện hòa giải mà không thực hiện biện pháp xử lý để răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực. Việc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với một số vụ BLGĐ dẫn đến tình trạng BLGĐ kéo dài và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên nhân tiếp theo là theo quy định Luật PCBLGĐ hiện hành, hòa giải không được thực hiện với vụ việc BLGĐ đã xử lý hành chính hoặc hình sự. Điều này dẫn đến, các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình hình thành từ hành vi BLGĐ trước đó vẫn tiếp tục diễn biến âm ỉ mà không được giải quyết triệt để. Không ít trường hợp, người có hành vi bạo lực sau khi bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự vẫn tiếp tục có hành vi BLGĐ.
Lý giải về các bất cập này, theo Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL là do Luật PCBLGĐ hiện hành chưa quy định rõ những trường hợp thế nào thì được gọi là mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, những trường hợp nào được coi là hành vi BLGĐ.
Khái niệm “bạo lực gia đình” và “mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình” có nội hàm khác nhau nhưng luật hiện hành chưa giải thích rõ ràng sự khác biệt này. Từ đó dẫn đến chưa thống nhất khi xác định vụ việc BLGĐ với vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Khoản 7 Điều 12 quy định không hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp khi “Vụ việc thuộc tội phạm hình sự, trừ trường hợp người bị hại yêu cầu không xử lý theo quy định của pháp luật hình sự; Vụ việc thuộc hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính”.
Song gia đình là đối tượng đặc thù nên cần thực hiện hòa giải cả những vụ việc sau khi đã xử lý hành chính hoặc hình sự nhằm hạn chế tối đa những mẫu thuẫn giữa các thành viên gia đình để ngăn ngừa hành vi BLGĐ tái diễn hoặc giữa những thành viên khác với nhau.
Do đó, trong nội dung đề cương Luật Phòng chống BLGĐ sửa đổi, bổ sung, mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình đã được đưa vào giải thích từ khâu khái niệm đến quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, thay vì quy định 4 dạng hành vi BLGĐ như luật hiện hành (bạo lực thế xác, tinh thần, kinh tế, tình dục), dự thảo luật đã đưa ra khái niệm các dạng bạo lực khác để giải quyết thực tiễn đặt ra là các hành vi BLGĐ quy định trong luật chưa phản ánh được đầy đủ những hành vi BLGĐ đã và đang diễn ra trong thực tế các gia đình.
Tình hình bạo lực gia đình có xu hướng giảm
Theo dự thảo Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật Phòng chống BLGĐ, thì tình hình BLGĐ đang có xu hương giảm dần. Trong giai đoạn 2009-2019, tổng số vụ BLGĐ các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 297.498 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 20.108 vụ trong năm 2015 và chỉ còn 8.176 vụ trong năm 2019.
Số vụ việc BLGĐ được can thiệp, xử lý cũng tăng về về số lượng. Giai đoạn 2009-2019, đã có 33.275 vụ BLGĐ mà người gây bạo lực được xử lý, trong đó biện pháp góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng chủ yếu (24.523 vụ, chiếm khoảng 73,6%); áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là 977 vụ, các biện pháp giáo dục là 5.532 vụ; tạm giữ xử phạt hành chính là 1.893 vụ và xử lý hình sự 350 vụ. Trong giai đoạn này, có 17.415 người gây bạo lực và 17.841 nạn nhân BLGĐ được tư vấn về các kiến thức, kỹ năng, hành vi PCBLGĐ.