Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, hướng đến một mức thuế suất thống nhất
Tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã chuyển một số hàng hóa, dịch vụ từ thuế suất 5% sang nhóm 10%, thu hẹp dần thuế suất 5%, hướng đến một thuế suất thống nhất.
Đảm bảo tính liên hoàn của việc khấu trừ, nộp thuế
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Việc sửa đổi Luật Thuế GTGT được thực hiện trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện Luật trong những năm qua.
Dự thảo Luật đã xử lý các vướng mắc trong thực tiễn
Dự thảo Luật sửa đổi đã rà soát, thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực thi. Tuy vẫn còn 26 nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế, nhưng đã chuyển nhiều hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong các nhóm không chịu thuế sang nhóm chịu thuế GTGT. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế
Theo đó, cơ quan soạn thảo đã đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm hạn chế, giảm thiểu bất cập hiện hành; phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế số theo hướng nâng cao tính tuân thủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của người nộp thuế trong việc xác định và thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT. Đồng thời ngăn chặn, nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế GTGT, gồm kê khai thuế, khấu trừ thuế GTGT đầu vào, tiền thuế được hoàn, số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật một cách rõ ràng, minh bạch nhất có thể.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, tại Dự thảo Luật lần này, bà hoàn toàn thống nhất về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, bố cục của Luật. Về nội dung, cơ bản thống nhất với các nội dung của Dự thảo Luật được tập trung vào các vấn đề trọng tâm lớn, như: người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế GTGT; giá tính thuế GTGT; thuế suất thuế GTGT; khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hoàn thuế GTGT, bao gồm cả bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT.
Trong đó, dự Luật đã rà soát, thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, nhằm đảm bảo tính liên hoàn của việc khấu trừ, nộp thuế GTGT; xử lý những vướng mắc trong quá trình thực thi. Tuy vẫn còn 26 nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế, nhưng đã chuyển nhiều hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong các nhóm không chịu thuế sang nhóm chịu thuế GTGT.
Cụ thể bao gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng.
Cần lộ trình áp dụng mức thuế suất thống nhất
Về quy định thuế suất thuế GTGT, cơ bản Dự thảo Luật vẫn giữ 3 mức thuế suất thuế GTGT như hiện nay, gồm: 0%, 5% và 10%.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, bà nhất trí cao với cơ quan soạn thảo đã chuyển một số hàng hóa dịch vụ từ thuế suất 5% sang nhóm 10%, thu hẹp dần thuế suất 5%, hướng đến một thuế suất thống nhất. Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu chuyển thêm một số sản phẩm đang áp dụng thuế suất 5% sang 10%, mà các sản phẩm này không phải là các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục khuyến khích, ưu đãi hoặc khó xác định thuế suất, hoặc không tương ứng về thuế suất với các sản phẩm khác trong thực thi để tăng cường tính công bằng, minh bạch, thống nhất.
Trong một bài viết nghiên cứu về vấn đề này, TS. Nguyễn Thùy Trang - Học viện Tài chính cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, nhu cầu đầu tư cho các lĩnh vực như giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng ngày càng tăng. Việc tăng thuế suất thuế GTGT sẽ giúp tăng nguồn thu cho NSNN, đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Thuế GTGT có tác dụng điều tiết giá cả hàng hóa, dịch vụ. Việc tăng thuế suất thuế GTGT sẽ giúp bình ổn thị trường, hạn chế tình trạng lạm phát.
Như vậy, để đảm bảo nguồn thu cho NSNN, đồng thời điều tiết thu nhập, bình ổn thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thuế suất thuế GTGT phổ thông phải được tăng. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất thuế GTGT phải được thực hiện một cách thận trọng, theo một lộ trình cụ thể và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Tăng thuế GTGT phải được xem xét kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, thuế suất thuế GTGT phổ thông có thể tăng từ 1% - 2%. Thay vì áp dụng thống nhất một mức thuế suất GTGT 10% ngay lập tức, Việt Nam nên cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn thời điểm thích hợp hơn để áp dụng chính sách này. Trong thời gian tới, cần tập trung vào hoàn thiện hệ thống thuế hiện hành, đẩy mạnh công tác quản lý thuế và hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ở nhiều nước, mức thuế giá trị gia tăng áp dụng từ 5% - 27%
Thuế GTGT là loại thuế đánh vào việc tiêu dùng hầu hết hàng hóa, dịch vụ và đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách của các nước trên thế giới. Nhiều nước phát triển gần đây đã đưa ra các biện pháp nhằm tăng tỷ trọng đóng góp của nguồn thu thuế GTGT vào tổng thu ngân sách của Chính phủ. Các nước phát triển như Trung Quốc đã dần dần hạ thấp thuế suất thuế GTGT. Kinh nghiệm xây dựng chính sách thuế GTGT ở các nước cho thấy, Việt Nam có thể áp dụng quy định một mức thuế GTGT phổ thông, đồng thời có một số ưu đãi về thuế GTGT để hỗ trợ các mục tiêu chính sách của Chính phủ.
Ngày nay, thuế GTGT đã trở thành một sắc thuế quan trọng và phổ biến trên toàn cầu. Nếu thuế GTGT là thuế tiêu dùng hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thì số quốc gia áp dụng thuế GTGT ngày càng tăng. Theo đó, từ khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2004 đã lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2022, trong đó có 174 quốc gia áp dụng thuế GTGT.
Xu hướng điều chỉnh thuế suất thuế GTGT trên thế giới, thuế GTGT chiếm khoảng 4% GDP của các nước đang phát triển thu nhập thấp và khoảng 7% GDP của các nước đang phát triển, tính theo GDP. Do thuế GTGT là nguồn thu chính, các chính sách đổi mới liên quan đến thuế GTGT đã được nghiên cứu và tranh luận về tính hợp lý và công bằng của các cải cách này. Trên toàn cầu hiện nay, xu hướng chung là tỷ trọng thuế GTGT trong tổng thu ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi chính phủ tăng thuế GTGT thêm 1% trên toàn cầu, thu NSNN trung bình sẽ tăng khoảng 0,4% GDP.
Theo số liệu thống kê của OECD, trong 174 quốc gia có áp dụng thuế GTGT, mức thuế GTGT thông thường dao động từ 5% - 27%. Trong đó: 41 quốc gia có mức thuế suất trên 20%; 78 quốc gia có mức thuế suất từ 15% - dưới 20%; 37 quốc gia có mức thuế suất từ 10% đến dưới 15%; và 19 quốc gia có mức thuế suất dưới 10%. Ở khu vực châu Á, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất 13%; Philippines có mức thuế suất 12%, Indonesia có mức thuế suất 11%.
Xu thế tăng thuế suất GTGT phổ biến do sự gia tăng số lượng quốc gia sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng và thu ngân sách. Từ năm 2009 đến 2020, phần lớn các quốc gia đều tăng thuế suất phổ thông. Thuế suất trung bình của các quốc gia EU từ năm 2000 là 19% đã tăng lên trên 21% vào năm 2020.
Các quốc gia thành viên của OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT lên khoảng 19,3% vào năm 2020, tăng từ mức trung bình 18% vào năm 2000. Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT, như Ấn Độ, Nhật Bản…