Sửa luật về xuất nhập cảnh để góp phần phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch

Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án luật, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để yêu cầu các cơ quan Nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số".

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình tại phiên họp.

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình tại phiên họp.

Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 76 ngày 15/11/2022 về Kỳ họp thứ 4 ,Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; so với thời điểm năm 2019 (trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19), năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 32,6%. Tuy nhiên, qua rà soát, các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chưa đáp ứng được các yêu cầu chính trị, pháp lý và thực tiễn.

"Do đó, việc xây dựng dự án luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng, thời hạn tạm trú của người nước ngoài lên 45 ngày

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xây dựng luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.

Dự thảo luật có 3 điều, trong đó, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 2 nhóm nội dung: Nhóm nội dung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử và nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong đó, bổ sung quy định người giữ các chức vụ từ Phó Tùy viên Quốc phòng trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, phái đoàn thường trực Việt Nam tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thuộc trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao. Bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả; quy định về thời hạn sử dụng còn lại của hộ chiếu từ đủ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh theo hướng hộ chiếu còn thời hạn sử dụng là đủ điều kiện xuất cảnh...

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung: Nhóm nội dung sửa đổi các quy định của luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam. Theo đó, nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của luật.

Nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Theo đó, bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú; bổ sung nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định...

Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, thu hút người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

Qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ, kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội (KTXH) sau đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

"Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật, theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu có trong hồ sơ cơ bản đầy đủ, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội" - Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới nêu rõ.

Tại phiên thảo luận, UBTVQH đánh giá cao Cơ quan soạn thảo trong thời gian ngắn đã hoàn thiện dự án luật, UBQPAN đã thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật, bày tỏ nhất trí sự cần thiết với việc xây dựng dự án luật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, hồ sơ dự án luật được chuẩn bị đúng quy định, công phu, chi tiết, có chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định, thảo luận và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

"Qua nghiên cứu nội dung, có 4 chính sách đều phù hợp Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo tương thích với những điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, cũng như không làm cản trở các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tinh thần chung là chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Sau đại dịch các nước đều cố gắng tạo điều kiện thuận lợi tối đa để phục hồi phát triển KTXH, tạo điều kiện cho công dân của mình và người nước ngoài trong vấn đề cấp visa, thủ tục xuất, nhập cảnh...", Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Về vấn đề hủy hộ chiếu khi công dân không đến nhận, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, có thể mở thêm phương án, trong trường hợp công dân vì lý do bất khả kháng, không thể đến nhận được nhưng có thể xác nhận họ có lý do chính đáng và vẫn mong muốn lấy hộ chiếu thì có thể áp dụng như đối với CCCD là có quy định chuyển hộ chiếu đến công dân theo hình thức gửi bảo đảm hay không? "Đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp, có báo cáo toàn diện, đầy đủ, thuyết phục để Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua trong 1 kỳ họp, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi, phát triển KTXH, trong đó có du lịch", Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho biết, qua làm việc với các nước, kiều bào ta ở nước ngoài đều rất phấn khởi, đồng tình, ủng hộ quy định này.

Phát biểu thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn UBTVQH đã đóng góp ý kiến, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa bày tỏ đồng thuận cao, vừa động viên lực lượng CAND làm công tác này. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, báo cáo với Chính phủ, hoàn chỉnh dự án luật trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/sua-luat-ve-xuat-nhap-canh-de-gop-phan-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-sau-dai-dich-i693280/