Sửa một ly sẽ 'lệch đi' một dặm
Trước thực trạng một số đảng viên đi làm ăn xa xin ra khỏi Đảng vì không thể tham gia sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, có ý kiến cho rằng, Đảng ta cần sửa đổi quy định về điều kiện kết nạp đảng viên và nhiệm vụ đảng viên trong Điều lệ Đảng. Thoạt nghe, những ý kiến đó có vẻ hợp lý nhưng nếu làm vậy, sẽ làm sai lệch bản chất của Đảng, thậm chí phá hủy hệ thống tổ chức của Đảng...
Cụ thể: Ông Đinh La Thăng, khi chưa bị kỷ luật, còn đương chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã từng đề nghị Đảng ta cho phép sinh hoạt chi bộ qua internet. Một số chi bộ đã từng chấp nhận cho đảng viên đi làm ăn xa sinh hoạt chi bộ qua mạng xã hội. Một số chi bộ thì có “sáng kiến” sinh hoạt chi bộ lồng ghép trong giao ban hành chính hoặc “đổi mới” kết hợp sinh hoạt chi bộ trong những đợt đi dã ngoại, picnic... Thực tiễn đợt sàng lọc đảng viên theo Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 21-1-2019 cho thấy, không ít đảng viên đã bị khai trừ, xóa tên khỏi danh sách đảng viên do “bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng”. Vì vậy, trong dịp đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng Đảng ta cần xem xét sửa đổi Điều lệ Đảng theo hướng “thông thoáng, hiện đại”, bỏ quy định đảng viên phải sinh hoạt đảng, đóng đảng phí hằng tháng và chịu sự quản lý trực tiếp của một chi bộ cụ thể.
Lịch sử hơn 90 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến điều kiện kết nạp Đảng cũng như công tác quản lý đảng viên. Ngay trong Điều lệ vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được hội nghị thành lập Đảng thông qua, mục “Lệ vào Đảng” đã quy định: “Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng thời được vào Đảng”. Từ đó đến nay, nội dung này luôn được giữ vững, củng cố, hoàn chỉnh và ghi trang trọng ngay ở phần đầu trong tất cả các lần Đảng ta sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng. Điều 1, Khoản 2, Điều lệ Đảng hiện hành (thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI) xác định: “Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét kết nạp vào Đảng".
Đảng viên tham gia sinh hoạt trong một chi bộ cụ thể là vấn đề nguyên tắc cốt tủy, liên quan đến bản chất của Đảng. Trong tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” viết năm 1904, Lênin đã kể lại cuộc đấu tranh giữa những đảng viên trung kiên do chính Lênin lãnh đạo chống lại bộ phận cơ hội chủ nghĩa do Máctốp đứng đầu tại Đại hội lần thứ II của Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Nga năm 1903. Điều kiện kết nạp Đảng mà Lênin đưa ra: Một là, thừa nhận cương lĩnh, điều lệ của Đảng. Hai là, đóng góp vật chất cho Đảng. Ba là, tự mình tham gia vào một trong những tổ chức của Đảng. Trong khi đó, Máctốp, với bản chất cơ hội của mình, cho rằng điều kiện của Lênin quá khắt khe sẽ khiến đảng không thể lớn mạnh, đã sửa điều kiện thứ ba thành “tự mình giúp đỡ đảng một cách đều đặn, dưới sự chỉ đạo của một trong các tổ chức của đảng thì đều được coi là đảng viên của Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Nga”.
Máctốp cho rằng, với việc bỏ quy định người vào đảng phải “tự mình tham gia vào một trong những tổ chức của đảng” thì đảng sẽ kết nạp được đông đảo thành phần trí thức, học sinh... vào đảng, qua đó sẽ làm cho đảng lớn mạnh. Lênin đã chỉ rõ tính chất cơ hội của luận điểm này, khẳng định điều đó sẽ xóa nhòa ranh giới giữa đảng viên-những chiến sĩ ưu tú, trung kiên, tiên phong của giai cấp với quần chúng ngoài đảng. Ông vạch rõ, không thể nào chỉ đạo được đảng viên nếu đảng viên không khép mình vào khuôn khổ một tổ chức cụ thể của đảng. Sự dễ dãi trong điều kiện kết nạp đảng sẽ biến đảng của giai cấp công nhân thành một câu lạc bộ, một tổ chức vô tổ chức; mà như vậy thì đảng của giai cấp công nhân không thể nào hoàn thành được sứ mệnh của chính đảng cách mạng, lãnh đạo quần chúng tiến hành đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Cuộc đấu tranh của những đảng viên kiên trung do Lênin lãnh đạo không hề đơn giản nhưng cuối cùng đã giành được thắng lợi. Từ đó đến nay, tất cả các chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân trên toàn thế giới đều quy định chặt chẽ điều kiện kết nạp đảng cũng như bắt buộc đảng viên phải tham gia sinh hoạt và chịu sự quản lý trực tiếp của một chi bộ cụ thể. Chỉ có như vậy, đảng mới được xây dựng thành một tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, thống nhất và có kỷ luật; cấp ủy cấp trên có thể chỉ định thành lập, tiến hành lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng cấp dưới; khẳng định quyền lực của cơ quan trung ương đối với tất cả các tổ chức đảng cấp dưới, khắc phục tình trạng phân tán, ly khai, vô tổ chức mà nhiều đảng công nhân trước đó từng mắc phải.
Như vậy, những quy định tại Điều 1, Điều lệ Đảng hiện hành, như người vào Đảng phải “hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng” và đảng viên phải “phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”, “sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định” là những chi tiết nhỏ nhưng lại giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn nguyên tắc tập trung dân chủ-nguyên tắc quyết định đến bản chất giai cấp của Đảng trong tổ chức và sinh hoạt. Tất cả những ý kiến đề nghị Đảng phải “vận dụng linh hoạt” hay “sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới”, đều không làm cho Đảng mạnh lên. Ngay cả những nỗ lực “hóa thân” sinh hoạt chi bộ vào những buổi giao ban hành chính hay “đổi mới” bằng việc kết hợp đi dã ngoại, picnic của chi bộ cơ quan, doanh nghiệp đều là những biểu hiện dễ dãi, làm suy yếu tổ chức đảng. Những “cải tiến”, “đổi mới” kiểu như vậy sẽ khiến tổ chức đảng không khác gì tổ chức quần chúng-con đường ngắn, thậm chí rất ngắn để phá hoại tổ chức và kỷ luật của Đảng.
Trước hiện tượng một số người kiến nghị Đảng nên sửa Điều lệ, cho phép “một số đảng viên không nhất thiết phải sinh hoạt trong một chi bộ cụ thể” và tổ chức đảng ở một số đơn vị, doanh nghiệp cần được “cởi trói” theo kiểu có thể sinh hoạt trực tuyến trên mạng xã hội, PGS, TS Ngô Huy Tiếp (Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã phê phán: “Hiện tượng này cần sớm được nghiên cứu, đấu tranh, khắc phục. Phải khẳng định rằng, nếu chỉ thay đổi một trong số các điều kiện để một quần chúng ưu tú có thể được kết nạp vào Đảng, đặc biệt là điều kiện bắt buộc đảng viên phải sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của Đảng, thì toàn bộ công tác xây dựng Đảng sẽ thay đổi căn bản và phá hoại toàn bộ hệ thống tổ chức của Đảng. Khi ấy, tất cả các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng không có ý nghĩa gì nữa”.
Sửa một ly sẽ “lệch đi” một dặm. Đó là điều chắc chắn. Cuộc đấu tranh kiên cường để bảo vệ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ta suốt hơn 90 năm qua; thực tiễn phong phú của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong gần 35 năm đổi mới cho phép chúng ta tin tưởng, kiên định những chỉ dẫn của Lênin, Hồ Chí Minh về điều kiện kết nạp Đảng và trách nhiệm quản lý đảng viên của chi bộ. Đây là điểm “dĩ bất biến” trên hành trình “ứng vạn biến” của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng Đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.