Sửa một quyết định quá muộn, nhưng chưa đủ…

Theo Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường học, có một điểm mới, đó là các trường được xây dựng các khối nhà lớp học cao nhất 5 tầng, so với quyết định cũ chỉ 3 tầng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quy định trường học từ tiểu học đến phổ thông chỉ được 3 tầng ra đời từ rất lâu, lâu đến mức những người làm quản lý đã về hưu, những người chuyên thiết kế trường học cũng không nhớ nổi, có lẽ nó ra đời vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Có thể vào thời gian đó, ở nước ta chưa có thang máy, vật liệu xây dựng còn thô sơ, kỹ thuật xây dựng còn đơn giản, ngành giáo dục còn nghèo nên chỉ cho xây cao 3 tầng, như thế đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhưng gần 40 năm rồi, một quyết định lạc hậu như thế còn giữ trong một thời gian dài quả là điều khó hiểu và lạ lùng.

Là người có hơn 25 năm, tham gia vào Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP mới thấy hậu quả của điều vô lý này. Rất nhiều trường học ở các quận trung tâm TPHCM muốn bỏ để xây mới cao tầng, tăng lượng học sinh gia tăng hàng năm, nhưng vấp phải quy định khắc nghiệt này nên đành chịu.

Chính vì quyết định này đưa đến hậu quả nhu cầu nhập học cao mà khả năng thu nhận thấp. Cứ đến tháng 6, 7 đầu năm học mới, cuộc chạy đua vào các trường công lập, các trường gần nhà ở Hà Nội, TPHCM nóng lên đến mức phi lý, năm nào cũng có ít nhất 10-15% học sinh không có chỗ học, phải di chuyển ra xa hơn, gây khó khăn cho các phụ huynh và công tác quản lý hành chính địa bàn, và tạo ra những kẽ hở cho tiêu cực.

Ở Việt Nam, thực ra không chỉ có Bộ GD-ĐT, mà nhiều bộ khác khi xây dựng công trình cùng một lúc phải chấp hành 2 bộ quy chuẩn, một là của Bộ Xây dựng và một của bộ chuyên ngành, như xây dựng bệnh viện, công trình quốc phòng, an ninh, các công trình đặc biệt như sân bay, bến cảng…

Có ý kiến cho rằng, các trường công muốn xây mới phải được phân bổ từ ngân sách nhà nước, mà ngân sách nhà nước eo hẹp, với các trường có tuổi đời cao hàng năm chỉ có kinh phí nâng cấp, sửa chữa lên 3 tầng là đủ. Nhưng điều trớ trêu là nhiều trường tư khá giả ở nội thành TPHCM, như ở quận 5, 6, 10, 11 muốn bỏ các công trình cũ để xây mới, hoặc xây mới toanh ở các khu đô thị mới cũng chỉ đụng nóc 3 tầng.

Theo quy định của Bộ Xây dựng và của TPHCM, các công trình không ảnh hưởng đến phễu bay (giới hạn an toàn cho máy bay lên xuống), không ảnh hưởng đến các công trình an ninh, quốc phòng, các công trình điểm nhấn và di tích thì có thể xây cao.

Vì thế TPHCM ủng hộ việc xây các trường học hiện đại, đồng bộ. Hiện nay ở khu vực 14 quận nội thành cũ của TPHCM có hàng ngàn trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, trong đó có nhiều trường xây dựng sau 1975 nay đã xuống cấp trầm trọng, rất nhiều trường có diện tích rất nhỏ bé, thậm chí chưa đến 500m2 như trường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5, trường tiểu học Lý Thái Tổ, quận 8, trường tiểu học Vạn Tường, Phú Nhuận, trường tiểu học Trần Quang Khải, quận 1 chỉ có vỏn vẹn 400m2.

Với những trường như thế nếu đập đi xây mới, nâng cao lên 5-7 tầng, thậm chí 10-12 tầng có thể tiếp nhận hết số học sinh, không chỉ có cha mẹ cư trú trong diện thường trú trong địa bàn phường, mà còn có thể tiếp nhận thêm học sinh ở các diện khác nữa. Hơn thế nữa, khi nâng cao tầng, gia tăng diện tích sử dụng các trường xóa bỏ được tình trạng 4 không: “không sân trường, không thư viện, không nhà ăn và không sân thể thao”.

Thực tế rất nhiều trường học sinh học chen chúc trong các lớp theo kiểu xếp cá mòi, ra chơi đứng ở hành lang nhìn nhau. Một khi các trường được phát triển kiến trúc nén, theo chiều thẳng đứng thì việc có thêm diện tích bố trí các phòng chức năng như phòng máy tính, thư viện, phòng tư vấn học đường, phòng chơi thể thao là hoàn toàn có thể.

Thật ra các trường học ở Hồng Kông, Singapore, Macao đều theo mô hình này hết. Ở TPHCM có một số trường hơn 100 năm tuổi, một số công trình lớp học, hiệu bộ được xây từ thời Pháp, có giá trị lịch sử có thể giữ lại, chẳng hạn như trường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Marie Curie…

Còn các trường khác hoàn toàn có thể xây mới theo kiểu hiện đại, thậm chí ngay ở các trường Lê Hồng Phong, Lê Quý Đôn cũng chỉ nên giữ lại các công trình thời Pháp, những phần còn lại có thể đập đi xây mới đảm bảo hài hòa giữa cũ và mới.

Một trong số các mối lo thường trực của lãnh đạo TPHCM là cơ sở giáo dục. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết TP còn thiếu 8.000 phòng học, con số này sẽ tiếp tục gia tăng vì phải xây thay thế số phòng học cũ không còn sử dụng được, và xây mới đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số theo từng năm.

Nếu các trường học được xây mới, nâng tầng cao, áp lực này được giải tỏa, còn nếu cứ như hiện nay số học sinh phải di chuyển ra bên ngoài học là điều không tránh khỏi, như thế không chỉ gia tăng phí tổn, thời gian của cha mẹ, mà còn gia tăng chuyện kẹt xe, ô nhiễm, tai nạn...

Cần nói thêm là ở rất nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản có xu hướng tập trung các trường học về một địa điểm tạo ra các đô thị giáo dục. Đó là nơi có sức chứa hàng ngàn học sinh với đầy đủ các khu chức năng, đảm bảo cho thầy và trò học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí.

Khi đó phụ huynh không phải đưa đón con em, mà có xe chuyên đưa đón học sinh theo điểm, cha mẹ yên tâm là các con được phát triển toàn diện văn-thể-mỹ, được sống trong môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, văn minh. Những tổ hợp giáo dục hiện đại, đồng bộ như thế hoàn toàn có thể xuất hiện ở Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức, Nhà Bè.

Muốn được như thế, Bộ GD-ĐT cần thay đổi quan điểm và có các quy định không phải là mới hơn từ 3 lên 5 tầng, mà là hợp thời đại hơn. Tốt nhất là giao hết việc này cho Bộ Xây dựng, hàng năm Bộ Xây dựng ban hành bộ quy chuẩn cho toàn quốc.

Có thể các Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có những quy định riêng cho công trình chuyên ngành, còn các công trình dân dụng, phổ thông không nên tham gia sâu, mà để cho các Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc các tỉnh thành quyết. Việc tham gia quá sâu, đôi khi cản trở sự phát triển, như quy định trường học không cao quá 3 tầng tồn tại lâu này là một thí dụ điển hình.

Tổng Bí thư Tô Lâm rất nóng ruột cho tham vọng đưa Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình dân tộc, và kiên quyết phá bỏ các điểm nghẽn. Thông tư 23 của Bộ GD-ĐT được coi là nhận thức bước đầu, chứ chưa phải là kiên quyết đổi mới và hành động quyết liệt.

TS. NGUYỄN MINH HÒA

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/sua-mot-quyet-dinh-qua-muon-nhung-chua-du-post119391.html