Sửa nội quy kỳ họp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Sáng 08/09, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đa số ý kiến đều khẳng định, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội là cần thiết.
Nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể, khoa học, hợp lý những quy trình, thủ tục tại kỳ họp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị quyết trên cơ sở kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; nội quy hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội. Dự thảo quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 01 điều quy định dẫn chiếu các luật, nghị quyết đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung tại kỳ họp Quốc hội, bao gồm: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.
Đóng góp vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Dương Văn Phước nhấn mạnh, việc gửi tài liệu đúng thời hạn tới đại biểu Quốc hội là điều hết sức quan trọng, tuy nhiên, tại các kỳ họp vừa qua, việc này thường bị chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu và chất lượng, nội dung tham gia góp ý của đại biểu Quốc hội.
Ông DƯƠNG VĂN PHƯỚC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: "Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trực tiếp vào Điều 7 các chế tài chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn theo hướng nếu trình Quốc hội xem xét đối với dự thảo, dự án không đảm bảo thời hạn gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Tổ chức Quốc hội và đề nghị bổ sung quy định xem xét trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chậm trễ nợ đọng dự thảo, dự án luật. Có như vậy, mới tránh được tình trạng nợ chậm dự án luật và mới đảm bảo thực thi nghiêm quy trình xây dựng pháp luật."
Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: "Tại Điều 7 dự thảo nội quy kỳ họp sửa đổi quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, nhất trí với hình thức chế tài nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan trọng gửi tài liệu theo hướng công khai danh sách và lý do gửi chậm tài liệu. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn thời hạn gửi tài liệu chính thức của kỳ họp đến đại biểu Quốc hội."
Về trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị đại biểu Quốc hội không được vắng mặt quá 30% thời gian kỳ họp. Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo có biện pháp để đảm bảo đại biểu Quốc hội được thực thi nhiệm vụ, hoàn thành trách nhiệm đại biểu Quốc hội, trong đó đặc biệt là quyền được thể hiện chính kiến của mình.
Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Phát biểu của đại biểu có ý kiến chín, có ý kiến chưa chín, thậm chí là trái chiều, thậm chí là khác biệt, phải thấy đó là dân chủ, đó là cần thiết, quyết định vẫn là bấm nút cuối cùng, đừng vì những ý kiến chưa chin, chưa hay mà phản đối, phê phán bới móc. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cần có biện pháp để bảo vệ cho đại biểu Quốc hội."
Ông NGUYỄN TẠO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: "Cần có quy định cụ thể về quy trình xin nghỉ họp do điều kiện bất khả kháng, để nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tham gia đầy đủ các phiên họp."
Các ý kiến cũng bày tỏ tán thành việc quy định riêng chương về xem xét, quy định các nội dung tại Kỳ họp, mỗi nội dung dành một điều riêng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung có liên quan tại kỳ họp Quốc hội.