Sửa nội quy với phương châm Quốc hội làm hết việc chứ không hết giờ
Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sáng 17/8, khi cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Tập trung sửa đổi 24 vấn đề
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau gần 07 năm thi hành, Nội quy kỳ họp năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp tập trung vào 24 vấn đề với các nội dung như: Quy định về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể không quá 07 phút (Điều 16); quy định về tranh luận với người bị chất vấn (Điều 17); quy định về cơ quan trình có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trình Quốc hội trong thời gian giữa 02 kỳ họp (Điều 50).
Dự thảo nghị quyết cũng sửa đổi nội dung liên quan đến trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham dự kỳ họp và khi không thể tham dự kỳ họp hoặc phiên họp tại kỳ họp; hình thức phiếu điện tử; trách nhiệm cơ quan chủ trì gửi, thu phiếu xin ý kiến;
Sửa đổi, bổ sung quy định về chất vấn như giảm thời gian ĐBQH nêu câu hỏi tại phiên chất vấn xuống còn không quá 01 phút/lần; đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đại biểu đã hỏi, thời gian tranh luận không quá 02 phút.
Quy định cụ thể hơn nghi thức tuyên thệ theo hướng quy định rõ thủ tục tuyên thệ, vị trí tiến hành tuyên thệ, người chứng kiến lễ tuyên thệ; thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu tại kỳ họp….
Bên cạnh đó, cần làm rõ sự khác nhau giữa khái niệm tranh luận trong hoạt động chất vấn với khái niệm chất vấn lại quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…
Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Pháp luật cho rằng: Tờ trình nêu 24 vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp, trong đó có 05 vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung được sửa đổi, bổ sung.
Về biểu quyết tại phiên họp toàn thể, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định “Khi cần thiết, Quốc hội áp dụng đồng thời hai trong số các hình thức biểu quyết được quy định tại khoản 2 của Điều này theo đề nghị của Chủ tọa.”. Tuy nhiên, việc áp dụng đồng thời hai hình thức biểu quyết chỉ nên thực hiện trong các trường hợp bất khả kháng, không nên quy định là “khi cần thiết” vì không bảo đảm minh bạch, chặt chẽ.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Ban soạn thảo tổng kết thực tiễn điều hành các phiên họp của Quốc hội để nghiên cứu, quy định cụ thể hơn các trường hợp cần thiết, Chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình.
Quốc hội làm hết việc, không hết giờ
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giảm tối đa thời gian kỳ họp nhưng đảm bảo nhưng hiệu quả, nên ngoài việc cải tiến Nội quy kỳ họp cần phải quy định chặt chẽ, khả thi.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bám sát quan điểm lớn là tính đầy đủ trong quy trình thủ tục đầy đủ. Ngắn gọn nhưng vẫn phải đảm bảo nội dung, quy trình thủ tục đầy đủ; Mở rộng dân chủ tăng tính pháp quyền, khoa học và hiệu quả. Vì Quôc hội là cơ quan dân cử nên dân chủ là đặc trưng của Quốc hội, Nội quy cũng vì thế phải đảm bảo tính công khai minh bạch được thực thi khi áp dụng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi trên tinh thần thích ứng với điều kiện thực tế mỗi kỳ họp và đảm bảo tính hợp lý. Phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong kỳ họp; bám sát phương hướng đổi mới, đảm bảo các quyền của ĐBQH theo quy định và nâng cao trách nhiệm của đại biểu tại kỳ họp. Tiếp đến là cải tiến cách thức điều hành, tiếp tục chuyển trọng tâm từ "Quốc hội tham luận" sang thảo luận và cả tranh luận; áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng Quốc hội điện tử.
Về một số nội dung đề nghị bổ sung, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên chăng bổ sung trách nhiệm của Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký trong kỳ họp để xử lý những việc phát sinh đột xuất.
Thời gian 7 phút cho đại biểu phát biểu là phù hợp, không nên rút ngắn thêm. Ngoài ra cũng nên cho phép người điều hành tùy tình huống giảm thời gian xuông trong một số tính huống cụ thể, nhưng cũng không được giảm quá 5 phút.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, sửa Nội quy để thể hiện rõ phương châm Quốc hội làm việc hết việc chứ không hết giờ, có thể những phiên kéo dài/rút ngắn thời gian tùy vào nội dung làm việc. Nên cần có những quy định linh hoạt trong các tình huống như vậy.
Về chất vấn và tranh luận chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là quyền của các đại biểu, nhưng Nội quy cần quy định rõ là không tranh luận giữa các đại biểu với nhau; Các đại biểu không được lạm dụng tranh luận để hỏi vấn đề khác. Thời gian tranh luận không quá 2 phút như dự thảo là phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.