Sửa quy chuẩn đăng kiểm, ngăn can thiệp phần mềm
Bộ Giao thông vận tải đề xuất, mỗi dây chuyền kiểm định xe cơ giới không nhất thiết phải có tất cả các loại trang thiết bị mà có thể dùng chung giữa các dây chuyền trong cùng 1 trung tâm. Dự thảo quy chuẩn mới cũng đưa ra một số tiêu chuẩn nhằm ngăn đăng kiểm viên can thiệp phần mềm, làm sai lệch kết quả kiểm định để trục lợi.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang gửi lấy ý kiến công khai Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (thay Quy chuẩn QCVN103: 2019/BGTVT). Dự thảo quy chuẩn mới theo hướng mở hơn khi chỉ quy định thiết bị tối thiểu tại mỗi dây chuyền kiểm định, các thiết bị được dùng chung giữa các dây chuyền, để nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm áp lực chi phí đầu tư các trung tâm đăng kiểm. Dự thảo quy chuẩn mới cũng bổ sung yêu cầu về bảo mật dữ liệu, ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài vào dữ liệu, kết quả kiểm định xe cơ giới.
Theo đó, phần mềm điều khiển thiết bị tại các trung tâm đăng kiểm phải có khả năng ngăn việc can thiệp trực tiếp bởi người dùng, hoặc ngăn can thiệp qua phần mềm độc hại nhằm làm sai lệch kết quả kiểm tra của thiết bị. Phần mềm phải hiển thị, mã hóa dữ liệu; sau nâng cấp không cho phép tiếp tục cài phần mềm phiên bản cũ hơn và kết nối với dữ liệu tại máy chủ của đơn vị đăng kiểm.
Dự thảo quy chuẩn cũng bổ sung yêu cầu về kỹ thuật để ngăn can thiệp vào kết quả kiểm tra khí thải, phanh, đèn chiếu sáng trước. Về kiểm tra khí xả, bổ sung yêu cầu lắp đặt, trang bị cơ cấu ngăn chặn việc can thiệp vào cảm biến lấy mẫu để thay đổi kết quả kiểm tra. Với phanh, có các chương trình kiểm tra với từng kiểu loại xe dẫn động 2 bánh hoặc 4 bánh. Với đèn trước, thiết bị phải lấy được đúng tâm giao điểm vùng sáng - tối của đèn chiếu gần.
Đặc biệt, dự thảo quy chuẩn thay vì yêu cầu mỗi dây chuyền phải trang bị đầy đủ các loại thiết bị phục vụ kiểm định 1 xe từ đầu tới cuối, đã đổi thành chỉ chỉ quy định tối thiểu về trang bị của đơn vị kiểm định. Theo đó, các dây chuyền kiểm định trong cùng 1 trung tâm có thể dùng chung một số loại thiết bị của nhau, thiết bị phù hợp với loại phương tiện mà đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định (chỉ phục vụ kiểm định xe xăng, chỉ phục vụ xe dầu, hoặc chỉ kiểm định xe điện…).
Mỗi dây chuyền không nhất thiết phải trang bị đủ các thiết bị, như phân tích khí xả, đo độ khói, đo âm lượng, kiểm tra đèn trước, các thiết bị này có thể dùng chung; cân tải trọng chỉ yêu cầu trang bị với dây chuyền kiểm định xe hoán cải, cải tạo; không yêu cầu dây chuyền phải có hầm kiểm tra gầm xe, mà có thể dùng cẩu nâng…
Dự thảo Quy chuẩn cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm, Sở GTVT các địa phương, để phù hợp với một số quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới mới được ban hành.
Trong gần 1 năm trở lại đây, hàng trăm đăng kiểm viên, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm và cả cán bộ Cục Đăng kiểm bị khởi tố do liên quan tới sai phạm, gian lận trong hoạt động kiểm định ô tô. Trong các lỗi nhiều trung tâm đăng kiểm vi phạm là liên quan tới can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu trên phần mềm đăng kiểm, làm sai lệch kết quả kiểm định.
Việc nhiều trung tâm đăng kiểm có nhân sự vi phạm, bị khởi tố đã dẫn tới tình trạng ùn tắc, quá tải hoạt động kiểm định ô tô. Sau đó, hàng loạt quy định mới được ban hành để gỡ vướng, giảm tải đăng kiểm, như miễn đăng kiểm lần đầu với xe mới, gia hạn thời gian đăng kiểm, kéo dài chu kỳ đăng kiểm... nên tình trạng ùn tắc tạm thời không còn.
Dù một số quy định mới đã được ban hành theo hướng mở cửa cho nhiều trung tâm, đơn vị có thể tham gia hoạt động đăng kiểm ô tô, nhưng thực tế vẫn chưa có các trung tâm mới tham gia hoạt động này.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia và các trung tâm đăng kiểm, sau nửa năm “giảm nhiệt” tại các trung tâm đăng kiểm nhờ chính sách gia hạn tự đồng với xe tới kỳ kiểm định trong nửa cuối năm 2023, tình trạng ùn tắc đăng kiểm có thể tái diễn ngay thời điểm đầu năm 2024. Điều này do lượng xe được gia hạn sẽ tới kỳ phải đăng kiểm, cộng với số lượng xe không được gia hạn tới kỳ kiểm định, khiến nhu cầu đăng kiểm tăng gấp đôi.