Sửa quy định giá tính lệ phí trước bạ, chống thất thu ngân sách
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ, trong đó đề xuất sửa quy định giá tính lệ phí trước bạ.
Việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá tính kịp thời, phù hợp với từng loại tài sản sẽ góp phần chống thất thu ngân sách.
Thu từ lệ phí trước bạ tăng đều qua các năm
Thực hiện Luật Phí và lệ phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ (LPTB), có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, qua tổng kết, đánh giá cho thấy chính sách thu LPTB hiện hành đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Đồng thời, chính sách này đã góp phần cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc quản lý thu, nộp thuế. Người nộp thuế có thể khai, nộp LPTB qua mạng, hạn chế các thủ tục hành chính không cần thiết, thực hiện mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ và tăng cường quản lý thuế.
Thu từ ô tô chiếm 73% tổng thu lệ phí trước bạ
Nếu thu lệ phí trước bạ năm 2012 chỉ đạt 11.816 tỷ đồng thì đến năm 2019, số thu lệ phí trước bạ tăng lên đạt 40.194 tỷ đồng, tăng 240% tương đương 28.378 tỷ đồng so với năm 2012. Cơ cấu thu theo nhóm tài sản cũng tăng đều qua các năm, đặc biệt là số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô tăng mạnh, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số thu lệ phí trước bạ với tỷ trọng bình quân (tính cho giai đoạn 2017 - 2020) khoảng 73% tổng số thu lệ phí trước bạ. Thu lệ phí trước bạ từ nhà, đất chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 với mức tăng ổn định, từ 1.454 tỷ đồng năm 2012 tăng lên gấp 4 lần và đạt 5.838 tỷ đồng vào năm 2019.
Kết quả sau hơn 1 năm triển khai thu LPTB điện tử (từ ngày 12/3/2020 đến ngày 28/6/2021), tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số lượng giao dịch nộp LPTB điện tử đối với ô tô, xe máy là 23.124 phương tiện, với số tiền LPTB đã nộp điện tử là gần 623,3 tỷ đồng. Đối với 61 tỉnh, thành phố còn lại, sau gần 11 tháng triển khai (tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 28/6/2021) số lượng giao dịch nộp LPTB điện tử đối với ô tô, xe máy là 248.833 phương tiện, với số tiền hơn 1.651 tỷ đồng.
Việc thực hiện điện tử hóa thủ tục khai, nộp LPTB đối với ô tô, xe máy trên toàn quốc được ước tính giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế là khoảng 1.020 tỷ đồng/năm.
Theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) thì LPTB là khoản thu ngân sách địa phương (NSĐP) hưởng 100%. Do đó, đây là nguồn thu đóng vai trò quan trọng trong tổng thu NSĐP. Số thu LPTB giai đoạn 2012 - 2020 bình quân khoảng 24.740 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 2,1% tổng thu NSNN; 2,9% tổng thu nội địa và 4,8% tổng thu NSĐP. Số thu LPTB cũng tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 16% so năm liền kề.
Sửa đổi bảng giá tính một số tài sản
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Bộ Tài chính, chính sách thu LPTB hiện hành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, do đó, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Về cơ sở dữ liệu xác định giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường của từng loại tài sản, Bộ Tài chính cho rằng, giá tính LPTB đối với các tài sản hiện căn cứ vào giá trên hóa đơn bán hàng hợp pháp, giá theo thông báo của doanh nghiệp sản xuất; hay thông báo của doanh nghiệp nhập khẩu... Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu xác định giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường đối với một số trường hợp cho phù hợp. Chẳng hạn bổ sung “giá thành sản phẩm, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)” làm căn cứ xác định giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường đối với trường hợp tài sản tự sản xuất, chế tạo hoặc tài sản thuê sản xuất, chế tạo mà không có tài sản cùng loại hoặc tương đương trên thị trường.
Ngoài ra, bổ sung cơ sở dữ liệu là “giá trên ứng dụng quản lý trước bạ của cơ quan thuế các các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, tạo thuận lợi cho xác định giá tính LPTB đối với ô tô, xe máy mới phát sinh tại thời điểm kê khai LPTB chưa có trong Bảng giá tính LPTB.
Theo Bộ Tài chính, những quy định nêu trên sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc thực hiện khai, nộp LPTB qua mạng. Đặc biệt, chống thất thu ngân sách nhà nước do việc xác định giá tính LPTB và điều chỉnh, bổ sung Bảng giá tính LPTB một cách kịp thời, nhanh chóng, chính xác, phù hợp với đặc điểm của từng loại tài sản.
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin
Tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất, ô tô điện chạy pin nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi trong vòng 5 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực; nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%). Như vậy, ô tô này sẽ thực hiện mức nộp lệ phí trước bạ là 5% - 7,5%. Ước tính, số thu lệ phí trước bạ (tính theo sản lượng và giá của doanh nghiệp trên thị trường hiện nay), là khoảng hơn 5 nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, về cơ bản số thu ngân sách sẽ giảm do dự báo người dân sẽ mua ô tô điện chạy pin thân thiện môi trường và số thu lệ phí từ các dòng xe khác giảm tương ứng.