Sửa quy định giao phương tiện giao thông vi phạm cho người vi phạm bảo quản

Nghị định số 31/2020/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 14 của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP về việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản như sau:

Nghị định số 31/2020/NĐ-CP

Nghị định số 31/2020/NĐ-CP:

Phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong các điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ, cụ thể:

Lực lượng cảnh sát giao thông quốc lộ 1A lập biên bản tài xế vi phạm.

Lực lượng cảnh sát giao thông quốc lộ 1A lập biên bản tài xế vi phạm.

a. Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.

b. Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Về trình tự giải quyết việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, nghị định quy định:

a. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện; trong đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính, tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện, nơi giữ, bảo quản phương tiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao giữ, bảo quản phương tiện.

Cá nhân vi phạm khi gửi đơn phải gửi kèm theo bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có công chứng, chứng thực sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; đối với tổ chức vi phạm phải có giấy tờ chứng minh về địa chỉ nơi đóng trụ sở hoạt động của tổ chức đó.

Trường hợp sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú được thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân thì cá nhân vi phạm cung cấp số định danh của mình cho cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ khi gửi đơn đề nghị.

b. Trong thời hạn không quá 2 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm, bảo quản. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm thời gian để xác minh thì trong thời hạn không quá 3 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Trường hợp không giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm từ khi ra quyết định tạm giữ cho đến khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

c. Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, người có thẩm quyền tạm giữ phải lập biên bản ghi rõ tên, số lượng, khối lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, nơi giữ, bảo quản, tình trạng của phương tiện (nếu có) và phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm và người có thẩm quyền tạm giữ; thời hạn tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện. Biên bản được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản.

Cùng với việc lập biên bản khi giao phương tiện, người có thẩm quyền tạm giữ phải tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm đã đặt tiền bảo lãnh. Việc tạm giữ giấy chứng nhận phải được lập thành biên bản.

Nghị định cũng quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm thì không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm nêu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.

Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc khi có nguy cơ trực tiếp phát sinh tình huống mà nếu không kịp thời di chuyển, thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện sẽ gây thiệt hại đến phương tiện thì được thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện nhưng ngay sau đó phải thông báo cho người có thẩm quyền tạm giữ biết.

Nghị định có hiệu lực từ 01/5/2020.

N.Q (giới thiệu)

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/ban-doc/sua-quy-dinh-giao-phuong-tien-giao-thong-vi-pham-cho-nguoi-vi-pham-bao-quan-125926.html