Sửa tiêu chuẩn giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu ô tô con

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về giới hạn và phương pháp đánh giá mức tiêu thụ nhiên liệu ô tô con.

Phát thải từ giao thông lên tới 30 triệu tấn CO₂ mỗi năm

Báo cáo về quá trình xây dựng dự thảo tiêu chuẩn mới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trong những năm gần đây, thị trường ô tô con tại Việt Nam liên tục tăng trưởng, kéo theo đó là lượng khí nhà kính phát thải ngày càng lớn - tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Để giảm khí nhà kính, thực hiện cam kết về giải quyết biến đổi khí hậu, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới được cho là giải pháp hiệu quả nhất (ảnh minh họa).

Để giảm khí nhà kính, thực hiện cam kết về giải quyết biến đổi khí hậu, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới được cho là giải pháp hiệu quả nhất (ảnh minh họa).

Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, các hoạt động giao thông vận tải phát thải khoảng 30 triệu tấn CO₂, trong đó vận tải đường bộ chiếm tới 85% tổng lượng phát thải của toàn ngành.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố cam kết Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bản cập nhật đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 của Việt Nam đã đưa ra 10 nhóm giải pháp nhằm giảm phát thải CO₂ trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trong đó, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới được xác định là giải pháp có hiệu quả lớn nhất, đóng góp tới 34,33% tổng lượng phát thải CO₂ giảm được trong ngành GTVT.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện dán nhãn năng lượng và áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 đối với xe ô tô con loại từ 9 chỗ trở xuống, bao gồm xe sản xuất từ linh kiện rời hoặc nhập khẩu hoàn toàn mới.

Chính sách này đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu cho các dòng xe ô tô con trong nước.

Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các quy định hiện hành chưa có quy định cụ thể về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu và mức phát thải CO₂ đối với ô tô con. Điều này khiến hiệu quả thực tế trong việc kiểm soát phát thải khí các-bon của ngành giao thông vận tải chưa cao.

Trong khi đó, TCVN 9854:2013 - Tiêu chuẩn quốc gia về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu và phương pháp xác định cho ô tô con - do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành từ năm 2013, hiện không bắt buộc áp dụng.

Mặc dù vậy, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong giai đoạn 2016-2020, đa số ô tô con dưới 9 chỗ bán ra thị trường đều đã đạt được mức tiêu thụ nhiên liệu tối đa theo tiêu chuẩn này (MEPS). Do đó, nếu tiếp tục áp dụng TCVN 9854:2013, khả năng tạo hiệu quả giảm phát thải CO₂ là không đáng kể.

Trước thực tế đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn mới có tính bắt buộc về giới hạn tiêu thụ nhiên liệu và phát thải CO₂, đồng thời cập nhật theo công nghệ hiện đại và điều kiện sử dụng tại Việt Nam.

Đây là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nâng cao chất lượng xe và hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng đề xuất hai phương pháp xác định mức tiêu thụ nhiên liệu cho xe ô tô con tại dự thảo tiêu chuẩn đang được lấy ý kiến (ảnh minh họa).

Bộ Xây dựng đề xuất hai phương pháp xác định mức tiêu thụ nhiên liệu cho xe ô tô con tại dự thảo tiêu chuẩn đang được lấy ý kiến (ảnh minh họa).

Hai phương pháp xác định mức tiêu thụ nhiên liệu ô tô con

Nhằm cụ thể hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng dự thảo tiêu chuẩn mới về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho ô tô con, với hai phương pháp quản lý linh hoạt: Theo từng kiểu xe (MEPS) và theo trung bình đội xe (CAFE).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ. Đây là một trong những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, thay vì áp dụng giới hạn tiêu thụ nhiên liệu cho từng mẫu xe riêng lẻ, nhiều nước và khu vực hiện đang chuyển sang quản lý theo mức tiêu thụ trung bình toàn đội xe do một nhà sản xuất cung cấp.

Với phương pháp này, những mẫu xe có hiệu suất nhiên liệu cao có thể "bù trừ" cho các mẫu kém hiệu quả hơn trong cùng danh mục của một hãng sản xuất. Cơ quan quản lý vì vậy có thể đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu chung về tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Theo Ban soạn thảo, việc thay thế TCVN 9854:2013 - tiêu chuẩn về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với ô tô con dưới 9 chỗ - là cần thiết. Bởi tiêu chuẩn này đã lạc hậu so với công nghệ xe hiện nay và chưa phản ánh đúng nhu cầu quản lý phát thải trong bối cảnh mới.

Dự thảo TCVN đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến hiện đề xuất hai phương pháp xác định mức tiêu thụ nhiên liệu.

Phương pháp 1: Giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu áp dụng cho từng kiểu loại xe - còn gọi là MEPS (Minimum Energy Performance Standards).

Phương pháp 2: Xác định mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của toàn đội xe theo nhà sản xuất - được gọi là CAFE (Corporate Average Fuel Economy).

Việc đồng thời quy định cả hai phương pháp MEPS và CAFE trong dự thảo được đánh giá là sẽ đáp ứng linh hoạt nhu cầu quản lý, cho phép cơ quan chức năng lựa chọn mô hình phù hợp trong từng giai đoạn và mục tiêu cụ thể.

Đây cũng là tiền đề để xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ, hướng đến quản lý hiệu quả hơn, đồng bộ với cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2050.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/sua-tieu-chuan-gioi-han-muc-tieu-thu-nhien-lieu-o-to-con-192250705105218603.htm