Suất đầu tư cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái: Vì sao thấp?
Theo thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông, tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái có suất vốn đầu tư thấp hơn so với suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố tại từng thời điểm hoàn thành đưa công trình vào khai thác. Đặc biệt, suất vốn đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chỉ bằng khoảng 51,85 - 73,05% so với suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố. Vậy đâu là bí quyết và bản chất của vấn đề?
Cách tính suất vốn đầu tư đường ôtô cao tốc
Chia sẻ với phóng viên về nội dung tính toán trong suất vốn đầu tư đường bộ cao tốc Bộ Xây dựng công bố hàng năm, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng Đàm Đức Biên cho biết: Về phạm vi tính toán, suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng được tính toán và công bố cho bình quân cả nước và áp dụng hệ số điều chỉnh theo vùng (gồm 8 vùng).
Khi áp dụng để tính toán tổng mức đầu tư cho 1 công trình cụ thể sẽ được điều chỉnh theo các yếu tố: Vùng (hệ số điều chỉnh vùng khi áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng công trình); thời điểm tính toán; điều chỉnh các yếu tố chi phí theo từng dự án (bổ sung/giảm trừ) cho phù hợp với quy mô, nội dung đầu tư…
Thực tế cho thấy, khu vực miền Bắc, chi phí đầu tư xây dựng thường thấp so với mặt bằng chung cả nước, do khu vực này có điều kiện xây dựng đường cao tốc thuận lợi nhất, cả về điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn. Nguồn nhân lực, nguồn vật liệu rời sẵn. Cự ly vận chuyển vật liệu xây dựng chủ yếu như đá, cát, đất đắp đến công trình gần, trung bình khoảng 50 -120 km. Vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, khá thuận tiện.
Trong khi đó, khu vực miền Nam, chi phí xây dựng đường cao tốc thường cao so với mặt bằng chung cả nước. Lý do, điều kiện thi công xây dựng rất khó khăn. đi qua nhiều sông ngòi, sình lầy, nền đất yếu, địa hình, địa chất thủy văn phức tạp. Nguồn vật liệu (cát đắp, đất đắp, cấp phối đá dăm, đá dăm sản xuất bê tông nhựa) khan hiếm và không có sẵn gần khu vực xây dựng dự án. Cự ly vận chuyển vật liệu từ các mỏ đến công trình rất dài (khoảng từ 100 - 300 km), kết hợp nhiều hình thức vận chuyển cả đường bộ, đường sông, qua nhiều khâu trung chuyển. Các yếu tố này dẫn đến giá các loại vật liệu chủ yếu cao hơn nhiều so với khu vực miền Bắc và miền Trung.
Cũng theo ông Biên, suất vốn đầu tư được công bố gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, một số khoản mục chi phí khác và thuế giá trị gia tăng cho các chi phí nêu trên.
Nội dung trong suất vốn đầu tư chưa bao gồm chi phí thực hiện một số loại công việc theo yêu cầu riêng của dự án, công trình xây dựng. Cụ thể như chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gồm chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định; Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; chi phí tái định cư; Chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí sử dụng đất, thuê đất trong thời gian xây dựng (nếu có); Chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng (nếu có) và các chi phí có liên quan khác.
Suất vốn đầu tư đồng thời chưa bao gồm lãi vay trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng (đối với các dự án có sử dụng vốn vay); Vốn lưu động ban đầu (đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh); Chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư (dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án).
Ngoài ra còn có một số chi phí có tính chất riêng biệt theo từng dự án như đánh giá tác động môi trường và xử lý các tác động của dự án đến môi trường; đăng kiểm chất lượng quốc tế, quan trắc biến dạng công trình; chi phí kiểm định chất lượng công trình; gia cố đặc biệt về nền móng công trình; chi phí thuê tư vấn nước ngoài; chi phí có tính chất riêng khác.
Yếu tố nào tác động trực tiếp đến suất vốn đầu tư?
Phân tích các nhóm nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến tổng mức đầu tư, suất vốn đầu tư xây dựng đường ôtô cao tốc, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng Đàm Đức Biên cho biết: Thứ nhất, chi phí thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất thường bị chậm trễ, kéo dài so với kế hoạch, dẫn đến tăng chi phí thực hiện.
Thứ hai, số lượng công trình trên tuyến ở dự án là khác nhau. Các công trình trên tuyến thường bao gồm các công trình như đường gom dân sinh (đường nối vào đường cao tốc), đường nối, cầu, hầm, cống chui trên tuyến, nút giao, công trình phụ trợ và phương pháp xử lý nền đất yếu…
Thứ ba, mỗi dự án có đặc điểm riêng; đặc điểm về địa hình, địa chất thủy văn và điều kiện xã hội thuộc khu vực dự án có tác động đáng kể đến nội dung, khối lượng công tác khảo sát, thiết kế, tư vấn đầu tư xây dựng; khối lượng đắp, đào, xử lý nền đất yếu…; Phương án thiết kế cầu trên tuyến (cầu vượt sông dây văng, đúc hẫng, superT,…), nút giao khác mức đối với các điểm ra/vào tuyến; Phương án tổ chức cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng đảm bảo tiến độ cho các dự án đường cao tốc… Đối với dự án có sử dụng vốn vay để đầu tư xây dựng đường cao tốc thì chi phí vay vốn làm tăng đáng kể mức vốn đầu tư thực hiện dự án.
Ông Đàm Đức Biên cho biết: Thống kê suất vốn đầu tư bình quân một số dự án đã thực hiện theo 3 khu vực Bắc, Trung, Nam lần lượt là 125 - 195 tỷ đồng; 150 - 230 tỷ đồng; 200 - 350 tỷ đồng cho 1 km đường cao tốc 4 làn. Suất vốn đầu tư nói trên ở cả 3 miền, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…
Kinh nghiệm của Quảng Ninh
Phân tích vì sao suất vốn đầu tư cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái thấp hơn so với suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố tại từng thời điểm hoàn thành đưa công trình vào khai thác; đặc biệt dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, suất vốn đầu tư chỉ bằng khoảng 51,85 - 73,05% so với suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng: Có nhiều yếu tố.
Thứ nhất là do có sự chỉ đạo quan tâm hỗ trợ của Trung ương trong giải quyết các thủ tục và tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Thứ hai là sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đặc biệt, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng ban điều hành dự án - luôn quyết liệt, chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ từ quy hoạch, lập dự án, công tác GPMB, triển khai thi công.
Thứ ba, các chủ thể tham gia dự án chủ động nghiên cứu, áp dụng các giải pháp về kỹ thuật mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí đầu tư trong quá trình triển khai. Đơn cử như thiết kế công trình có chiều dài tuyến ngắn nhất, thiết kế cân đối đào, đắp trong dự án để giảm cự ly vận chuyển, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Tận dụng tối đa vật liệu địa phương khu vực tuyến đi qua để giảm chi phí xây dựng công trình. Áp dụng công nghệ mới cầu cọc trụ dẻo để giảm số lượng cọc và khối lượng bệ móng; sử dụng các hệ ván khuôn di động tiết kiệm chi phí và khả năng luân chuyển cao.
Thứ tư, dự án được quản lý chặt chẽ về chất lượng, tiến độ và giá thành công trình với sự tham gia vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và các đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Ninh… Nhờ đó, các công trình thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ góp phần giảm chi phí đầu tư xây dựng.
Đây là những lý do chính giúp suất vốn đầu tư của các dự án cao tốc ở Quảng Ninh thấp so với suất vốn do Bộ Xây dựng công bố tại từng thời điểm hoàn thành, đưa công trình vào khai thác.