Sức bật kinh tế số là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng của TPHCM
Sáng 17-5, HĐND TPHCM phối hợp Đài truyền hình TPHCM tổ chức Chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 5, chủ đề “Thúc đẩy kinh tế số – Giải pháp từ TPHCM”.
Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu điều hành chương trình.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu dự chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thách thức thiếu hụt nhân lực số
Tại chương trình, cử tri đặt nhiều câu hỏi liên quan chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số của TPHCM; những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, trung tâm dữ liệu; các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính; kế hoạch kết nối việc thanh toán dịch vụ công với các nền tảng thanh toán trực tuyến…
Trao đổi lại, Phó Giám đốc Sở KH-CN Võ Minh Thành thông tin, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin.
Thành phố đã triển khai trung tâm dữ liệu với hơn 1.248 máy chủ, được giám sát 24/7 bởi các bộ phận chuyên nghiệp; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu liên thông hơn 2.000 đơn vị, kết nối nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Thành phố xác định, việc phát triển dữ liệu số là một trong các nhiệm vụ nền tảng nhằm thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, TPHCM có mục tiêu xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn (data center) đạt chuẩn quốc tế đặt tại TPHCM để lưu trữ, xử lý dữ liệu cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quang cảnh chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, thành phố cũng hướng tới hình thành hạ tầng điện toán đám mây dùng chung cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp dịch vụ đám mây dùng chung, giảm nhu cầu đầu tư ban đầu vào hạ tầng riêng. Việc đầu tư vào trung tâm dữ liệu tiên tiến, trung tâm tính toán hiệu suất cao được xem là một phần của chiến lược phát triển các mô hình kinh tế trên nền tảng số và sáng tạo của thành phố.
Để đạt được điều này, TPHCM định hướng sẽ phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam nhằm xây dựng trung tâm dữ liệu vùng theo các cơ chế chính sách từ Trung ương.
Phó Giám đốc Sở KH-CN khẳng định, TPHCM xác định chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, thành phố đã triển khai hàng loạt giải pháp, các dịch vụ, tiện ích số nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên thông, kết nối hệ thống xác thực định danh công dân VNeID và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, TPHCM miễn phí 98 thủ tục hành chính khi người dân làm trực tuyến đến hết năm 2025. Hiện nay, Cổng dịch vụ công thành phố đã kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến, người dân hoàn toàn có thể thực hiện thanh toán trực tuyến khi làm thủ tục, đồng thời có thể sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cùng đại biểu dự chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong thời gian tới, TPHCM nâng cấp để việc sử dụng thanh toán trực tuyến dễ dàng, thuận tiện hơn, tăng cường kết nối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong tất cả các lĩnh vực.
Với những nỗ lực này, TPHCM đang hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của người dân và doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM nhìn nhận, thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có kỹ năng số. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng phù hợp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn.
Do đó, TPHCM xác định việc phát triển nguồn nhân lực là trọng tâm cho chuyển đổi số và kinh tế tri thức. Để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, thành phố đã và đang triển khai nhiều định hướng và chiến lược nhằm nâng cao kỹ năng số và năng lực công nghệ cho lực lượng lao động nói riêng và toàn dân nói chung.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu điều hành chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thúc đẩy KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Làm rõ thêm các giải pháp của TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy khẳng định, KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số một cách nhanh, bền vững và toàn diện.
Năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh nền tảng để đạt được tăng trưởng này là sức bật từ nền kinh tế số. TPHCM với vị thế đầu tàu ở các lĩnh vực, trong đó, kinh tế số được thành phố quan tâm đầu tư nhiều năm qua.
Tuy nhiên, thành phố vẫn đối diện với những thách thức như tiến độ triển khai cơ chế chính sách còn chậm, thiếu khung khổ pháp lý cho kinh tế chia sẻ, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ cao và còn những vướng mắc về cơ chế tài chính trong khoa học công nghệ.
Do đó, UBND TPHCM sẽ tập trung các nhóm giải pháp tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, thành phố tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách như xây dựng cơ chế đặc thù ưu đãi trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo, phòng thí nghiệm mở.
Đồng thời, phát triển mạnh mẽ hạ tầng số và dữ liệu số bằng cách đầu tư vào công nghệ điện toán đám mây, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở và tăng cường liên thông dữ liệu giữa các cơ quan.
Thành phố đang triển khai các nền tảng số hóa quản lý đất đai, xây dựng, cán bộ công chức để nâng cao hiệu quả quản trị.

Các đại biểu dự chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thành phố ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ chiến lược, thông qua các chính sách đãi ngộ vượt trội và hình thành các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố tiếp tục phát triển chính quyền số, cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ tiên tiến, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế số…
Điều hành chương trình, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu đề nghị, UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa các kiến nghị, đề xuất của cử tri, chuyên gia về các giải pháp phát triển kinh tế số, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.