Sức bật trên quê hương 'huyền thoại - giã gạo nuôi quân'

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nổi tiếng với phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào S'tiêng ở sóc Bom Bo, góp phần giải phóng huyện Bù Đăng ngày 14-12-1974, tạo bước ngoặt quan trọng cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bù Đăng không ngừng đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

Một trong những thành tựu nổi bật của huyện Bù Đăng sau giải phóng là đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) không ngừng phát triển. Toàn huyện có 31 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 40,44% là đồng bào DTTS. 3 dân tộc tại chỗ gồm M’nông, S’tiêng, Châu Mạ. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Bù Đăng đã triển khai nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS đạt kết quả tốt. Đặc biệt, Chương trình 134, 135 của Chính phủ đã giúp hàng ngàn hộ dân được thụ hưởng, qua đó có đất sản xuất, nhà ở ổn định; có phương tiện sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thác Đứng, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh tại xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng - Ảnh: Phú Quý

Ông Điểu Khuê, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đăng cho biết: Từ năm 2019 đến 2024, toàn huyện có 4.700 hộ DTTS được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 110 tỷ đồng. Hàng trăm hộ dân được Nhà nước hỗ trợ công cụ sản xuất, cây, con giống, từ đó đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Chỉ trong 4 năm qua, toàn huyện đã giảm 1.118 hộ nghèo DTTS, góp phần kéo giảm số hộ nghèo DTTS toàn huyện xuống còn 254 hộ. Tại một số xã đã có hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp, sản xuất kinh doanh hạt điều (đặc sản nổi tiếng, mang thương hiệu của tỉnh Bình Phước) do bà con DTTS làm chủ. Điển hình như HTX nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, có 105 thành viên tham gia do chị Thị Khưi, dân tộc M’nông làm giám đốc. HTX đã canh tác 1.000 ha điều theo hướng hữu cơ bền vững. Sản phẩm điều thô của HTX không chỉ đạt chất lượng OCOP mà còn xây dựng được thương hiệu, mã vùng, qua đó đã xuất khẩu ra thị trường châu Âu.

Toàn cảnh Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng. Một điểm du lịch về nguồn đang thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm - Ảnh: Phú Quý

Chị Thị Khưi cho biết: “Mấy năm trở lại đây, tình hình thời tiết bất lợi, điều đạt năng suất không cao. Riêng năm 2024, HTX chỉ đáp ứng được 700 tấn điều thô cho các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Hiện HTX có nhiều doanh nghiệp đến đặt hàng. Để tiếp tục phát huy lợi thế này, HTX chỉ đạo người dân tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, sản xuất để sản phẩm điều thô giữ vững tiêu chuẩn, chất lượng, gia tăng sản lượng, từ đó nâng cao giá trị cạnh tranh. Bên cạnh đó, từ tháng 5-2024, chúng tôi đã tiếp tục phát triển thêm sản phẩm hạt điều rang muối, để tạo việc làm tăng thu nhập cho xã viên, đồng thời qua đó mang sản phẩm hạt điều của HTX tiếp tục vươn xa”.

Tại thôn Bom Bo, xã Bình Minh, căn cứ cách mạng với huyền thoại “giã gạo nuôi quân” của đồng bào S’tiêng năm 1965, được cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác thành ca khúc nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, huyện đã xây dựng một số làng nghề truyền thống như rèn, đan gùi, dệt thổ cẩm, chưng cất rượu cần. Những làng nghề này đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân lúc nông nhàn và là cơ sở để phát triển du lịch trải nghiệm trong tương lai.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thời gian qua đã giúp kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Bù Đăng không ngừng phát triển. Nếu trước đây, việc bán điều non, cầm cố đất rẫy trong vùng DTTS là điểm nóng dẫn đến đói, nghèo thì nay đã được kiềm chế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Những hủ tục lạc hậu trong việc tang, việc cưới được đẩy lùi. Đồng bào ngày càng tin tưởng, bảo vệ Đảng và Nhà nước, không nghe kẻ xấu xúi giục.

Già làng ĐIỂU ĐỐ, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng

Tranh thủ thế mạnh phát triển kinh tế

Huyện Bù Đăng nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Phước, có quốc lộ 14 đi qua, cửa ngõ giao thương của Bình Phước với các tỉnh Tây Nguyên. Huyện còn có tỉnh lộ ĐT755B kết nối các tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Điều kiện thuận lợi về giao thông cũng là cơ hội để Bù Đăng phát triển.

Đường giao thông có vai trò như mạch máu của sự sống. Do vậy, Đảng bộ huyện đã ban hành chương trình đột phá đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Đó là tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh để nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 và các tuyến đường tỉnh trên địa bàn. Huyện đã ưu tiên vốn đầu tư các tuyến đường Đắk Nhau - Thọ Sơn, Đồng Nai - Phú Sơn, Đồng Nai - Phước Sơn, Thống Nhất - Nghĩa Trung, Đức Phong - Minh Hưng và các tuyến mang tính kết nối khác. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 941,21km đường giao thông, trong đó có 360,38km đường nhựa (chiếm 38%), đường bê tông xi măng 379,63km (chiếm 40%).

Quốc lộ 14 qua địa bàn huyện Bù Đăng kết nối Tây Nguyên và Nam Bộ là cơ hội để kinh tế Bù Đăng phát triển - Ảnh: Phú Quý

“Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đi qua địa bàn huyện sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đây là cơ hội để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn. Do vậy, huyện sẽ tích cực tham mưu, phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh thực hiện các phần việc của huyện một cách hiệu quả” - ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết.

Thuận lợi về giao thông, lợi thế là thủ phủ trồng cây điều với 61.000 ha, huyện Bù Đăng đã có nhiều doanh nghiệp lớn trồng, sản xuất, kinh doanh loại cây này. Nổi bật như Công ty TNHH Hoàng Sơn 1, xã Đức Liễu. Được thành lập từ năm 2002, đến nay công ty nằm trong top 3 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu điều lớn nhất Việt Nam. Doanh thu hằng năm đạt 130 triệu USD, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động tại địa phương. Bên cạnh đó còn có hàng chục doanh nghiệp trẻ mạnh dạn khởi nghiệp với sản phẩm hạt điều rang muối, đạt tiêu chuẩn OCOP, 3 sao, 4 sao, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường nước ngoài. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Bù Đăng tiếp tục ban hành chương trình đột phá "Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị kinh tế cao". Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới ít nhất 10 HTX, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có khoảng 6 loại sản phẩm OCOP.

Từ một huyện nghèo, lạc hậu sau chiến tranh, đến nay diện mạo Bù Đăng đã không ngừng phát triển. Trong tổng số 15 xã xây dựng nông thôn mới, hiện có 10 xã đạt tiêu chuẩn, 2 xã đạt nâng cao. 30/65 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Huyện đã có trung tâm thương mại, 11 chợ truyền thống, 9/16 xã, thị trấn có bách hóa xanh, 468 doanh nghiệp và hơn 2.500 hộ kinh doanh đang hoạt động. Kinh tế, xã hội của huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều năm trở lại đây, thu ngân sách của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó tăng thu 3 năm (2020-2022) đạt 18,85%, năm 2023 thu 304 tỷ đồng, đây là mức thu khá với một huyện đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Kết quả này khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân trong huyện.

Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng
VŨ VĂN MƯỜI

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng

Sau 14 năm giải phóng, để đáp ứng nhu cầu phát triển, huyện Bù Đăng được tái lập vào năm 1988. Khi đó, Đảng bộ huyện chỉ có 23 tổ chức cơ sở đảng với 360 đảng viên. Đến nay, toàn huyện có 60 tổ chức cơ sở đảng với hơn 4.200 đảng viên. Xác định công tác cán bộ là “then chốt”, ngay từ Đại hội Đảng bộ huyện khóa I, Bù Đăng đã nêu rõ quan điểm về việc “tiêu chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ. Theo đó, Đảng bộ huyện ban hành một số chương trình đột phá về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, đưa ra tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ từ huyện đến cơ sở. Từ đó xây dựng được bộ máy hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Nhiều năm qua, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm 92,5%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 87%.

Hằng ngày, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo thu hút nhiều du khách tới tham quan trải nghiệm - Ảnh: Quang Minh

Ông Bùi Kim Dung, nguyên Bí thư Huyện ủy Bù Đăng cho biết: “Thành công của Đảng bộ huyện những năm qua là đề ra được định hướng phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, hợp lòng dân. Dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Dân tin cán bộ. Lòng tin của nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh, qua đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đề ra. Hiện nay, từ Trung ương đến địa phương đều đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “truyền lửa”. Huyện Bù Đăng cũng cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc lựa chọn cán bộ trong nhiệm kỳ tới, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, có đủ trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, đủ tâm, đủ tầm để lãnh đạo huyện tiếp tục phát triển”.

Hiện nay, trong quá trình thực hiện công tác xây dựng Đảng, huyện Bù Đăng có nhiều điểm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong trào hỗ trợ nhà “nghĩa tình đảng viên”, các mô hình “đi 1 về 3” (1 hồ sơ cho bé mới sinh đến UBND xã, một cửa trả 3 kết quả gồm: giấy khai sinh, mã định danh, bảo hiểm y tế trẻ em); “3 không, 4 có, 5 rõ” (3 không: không nói “không làm”, không nói “khó làm”, không nói “có mà vẫn chưa làm”. 4 có: có bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức lối sống trong sáng; có trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có uy tín và thật sự gương mẫu. 5 rõ: rõ việc; rõ đối tượng; rõ trách nhiệm; rõ giải pháp; rõ hiệu quả); "mỗi chi bộ gắn với một địa chỉ nhân đạo" có ý nghĩa và tạo sức lan tỏa lớn. Nhiều điển hình tiên tiến đã được các cấp tuyên dương, nhân rộng góp phần tạo chuyển biến tích cực đối với cán bộ, đảng viên về ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.

Nhìn lại chặng đường gần 50 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bù Đăng luôn phấn khởi, tự hào về những kết quả đã đạt được. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, công dân của huyện tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân trong việc đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của địa phương. Tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, kinh tế - xã hội của Bù Đăng sẽ không ngừng vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với sự kỳ vọng và tin tưởng của nhân dân.

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng
VŨ LƯƠNG

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương cho biết: Thế mạnh của Đảng bộ huyện là tinh thần đoàn kết nội bộ cao. Công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình được triển khai thực chất. Tuy nhiên, để làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới, Đảng bộ huyện sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Đây sẽ là việc làm thường xuyên, trong đó việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là then chốt. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm và vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Huyện tiếp tục tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Không ngừng đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đặc biệt tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Phát huy tiềm năng du lịch

Là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh với 1.500km2, Bù Đăng đang sở hữu những lợi thế về tài nguyên du lịch. Huyện có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ, mang nét đặc trưng riêng như: Trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, di tích lịch sử cách mạng chùa Đức Bổn A La Nhã, căn cứ Nửa Lon và Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo… Để phát triển du lịch, UBND huyện Bù Đăng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện Bù Đăng. Huyện đang rà soát, bổ sung quy hoạch các địa danh lịch sử, các di tích, công trình phụ trợ để tạo chuỗi du lịch. Đặc biệt ưu tiên dành quỹ đất, vị trí thuận lợi thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào các dự án lớn, xây dựng các tổ hợp khách sạn, resort, homestay, hình thành các khu, điểm du lịch gắn với tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) để mọi tiềm năng, lợi thế về du lịch của huyện được phát triển.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/161140/suc-bat-tren-que-huong-huyen-thoai-gia-gao-nuoi-quan