Sức bật từ hạ tầng giao thông

PTĐT - Nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển liên kết vùng, thời gian qua tỉnh đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều tuyến đường đối nội, đối ngoại được xây mới, cải tạo, nâng cấp đã tạo ra những 'mạch máu' giao thông quan trọng, góp phần đắc lực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đặc biệt là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo dảm an sinh xã hội...

Nút giao IC11 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa

Nút giao IC11 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa

PTĐT - Nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển liên kết vùng, thời gian qua Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều tuyến đường đối nội, đối ngoại được xây mới, cải tạo, nâng cấp đã tạo ra những "mạch máu" giao thông quan trọng, góp phần đắc lực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đặc biệt là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội...
Những năm gần đây, nhiều khách du lịch khi đến thành phố Việt Trì đã không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống hạ tầng đô thị nơi thành phố ngã ba sông. Cùng với quảng trường Hùng Vương, công viên Văn Lang… được đầu tư đồng bộ, hiện đại; hàng chục tuyến đường nội thị như Hùng Vương, Trần Phú, Nguyễn Tất Thành, Hai Bà Trưng, Vũ Thê Lang, Phù Đổng, Tiên Dung, Châu Phong, Nguyệt Cư, Quang Trung… được xây mới, cải tạo, nâng cấp kết hợp với chỉnh trang đô thị đã tạo nên một diện mạo mới cho thành phố, tô đẹp thêm bức tranh đô thị của thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Các tuyến đường nội thị được đầu tư nâng cấp giúp kết nối giao thông, tạo điểm nhấn cho thành phố Việt Trì.

Các tuyến đường nội thị được đầu tư nâng cấp giúp kết nối giao thông, tạo điểm nhấn cho thành phố Việt Trì.

Không chỉ ở Việt Trì, từ các huyện đồng bằng như Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy…, đến các huyện vùng cao như Tân Sơn, Yên Lập…, các công trình giao thông được hoàn thiện, đi vào sử dụng góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ông Tạ Ngọc Yến - Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Xác định giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, huyện Tân Sơn đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt là hệ thống giao thông theo Đề án 30a trên địa bàn huyện. Đến nay, 100% số xã của huyện đều đã có đường nhựa chạy qua. Các trục lộ chính kết nối huyện Tân Sơn với các địa phương khác được cải tạo, nâng cấp. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 65%, tăng 26% so với thời điểm năm 2015. Đặc biệt, do địa hình có nhiều đồi núi, sông, suối dẫn đến vào mùa mưa một số khu vực bị chia cắt, cô lập. Để khắc phục tình trạng này, huyện tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cầu vượt lũ tại một số “nút thắt” về giao thông, như cầu treo Bến Gạo (xã Văn Luông) đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019, cầu vượt lũ tại các xã Kiệt Sơn, Đồng Sơn, Văn Luông chuẩn bị được đầu tư. Xác định đầu tư kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ then chốt tạo sức bật quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, 5 năm qua, Thanh Thủy đã huy động trên 7.000 tỷ đồng để hoàn thành các công trình hạ tầng và hệ thống giao thông đồng bộ. Trong đó đáng chú ý nhất là dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 70B từ Phú Thọ đi Hòa Bình chạy qua hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; đường giao thông liên huyện Thanh Thủy - Thanh Sơn; đường nối từ cầu Đồng Quang đến Cụm công nghiệp Hoàng Xá… Đến nay, tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa, cứng hóa trên địa bàn huyện đạt 85%, đứng thứ 4/13 huyện, thành, thị của tỉnh. Trên cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư; hình thành vùng sản xuất hàng hóa… đã làm thay đổi diện mạo cho địa phương.Tại Đại hội Đảng bộ Sở Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, một trong những điểm nhấn nổi bật được các đại biểu tập trung thảo luận là lãnh đạo công tác đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Văn Quân - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Trước yêu cầu thu hút đầu tư, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, coi đó là động lực phát triển. Từ nhiều nguồn vốn và làm tốt công tác xã hội hóa, mạng lưới giao thông của tỉnh đã từng bước hoàn hiện, thúc đẩy kết nối kinh tế vùng và liên vùng. Hệ thống cầu, các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị đã được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp theo quy hoạch, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao và hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Trong 5 năm qua, ngành Giao thông - Vận tải tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình giao thông đường bộ trọng điểm, tiêu biểu như: Xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng nút giao IC7, IC9, IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các tuyến đường kết nối với hệ thống quốc lộ, đường địa phương; Hoàn thành 13,1km đường QL.32C tránh thành phố Việt Trì đoạn từ Chợ Nú đến cầu Phong Châu; sửa chữa tăng cường mặt đường trên 220km quốc lộ và đường tỉnh; đang thi công các tuyến đường giao thông trọng điểm như: Đường Nguyễn Tất Thành đoạn ngã tư giao cắt với đường Hùng Vương đến Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, tuyến đường kết nối từ QL.32 kết nối với QL.70 đi Hòa Bình…Bên cạnh việc lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương, đã thực hiện công tác xã hội hóa thông qua vận động sự ủng hộ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện sửa chữa một số tuyến đường tỉnh. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có trên 1.000km quốc lộ, tỉnh lộ và 11 cầu lớn bắc qua sông Lô, sông Thao, sông Đà, đã cơ bản kết nối với các tuyến trục giao thông quốc gia tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận. Đối với hệ thống vận tải đường thủy kết nối giữa tỉnh Phú Thọ và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh thành khác trong khu vực hiện nay có tuyến đường thủy trên sông Lô, sông Hồng, sông Đà, đã đáp ứng được vận tải hàng hóa trên tuyến đường thủy Việt Trì - Hà Nội. Hệ thống vận tải đường sắt có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc.

Thi công đường Nguyễn Tất Thành đoạn ngã tư giao cắt với đường Hùng Vương đến Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng.

Thi công đường Nguyễn Tất Thành đoạn ngã tư giao cắt với đường Hùng Vương đến Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng.

Hệ thống giao thông được đầu tư hoàn thiện đã giúp Phú Thọ trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỉnh đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp có lợi thế gắn với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đầu tư vào lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, khu vực nói chung. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân 16%/năm. Kinh tế ngoài quốc doanh có tỷ lệ đóng góp khoảng 60% vào GRDP, đã thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.Giao thông thuận tiện cũng là cơ sở để Phú Thọ thực hiện mục tiêu xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu du lịch Quốc gia; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy trở thành Khu du lịch địa phương, Khu Di tích đền Mẫu Âu Cơ - Hạ Hòa trở thành Điểm du lịch địa phương và xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam... Giai đoạn 2020 - 2025, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, tỉnh huy động mọi nguồn vốn, nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Cầu Vĩnh Phú; cầu Thạch Đồng; cầu Tình Cương, cầu Vĩnh Lại, cầu Kiệt Sơn…; cải tạo, nâng cấp QL.32 đoạn Cổ Tiết- Thu Cúc; xây dựng mới tuyến cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang... Từ đó từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.Với tầm nhìn dài hạn và sự quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác chỉ đạo đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ giúp mạng lưới giao thông của tỉnh ngày càng hoàn chỉnh và thông suốt, giúp Phú Thọ vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202009/suc-bat-tu-ha-tang-giao-thong-173045