Sức ép để ngành logistics Việt cất cánh
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua đã mở ra nhiều cơ hội, giúp cho ngành logistics Việt Nam có nhiều cơ hội lớn để phát triển. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, với năng lực còn hạn chế như hiện nay, ngành logistics Việt sẽ phải đối diện với không ít khó khăn. Thế nhưng, đây sẽ là sức ép hợp lí để ngành Logistics Việt cải cách, nâng cao năng lực và khai thác hết tiềm năng.
Cơ hội “vàng” cho ngành logistics
Ngày 12/2 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định EVFTA và dự kiến sẽ sớm được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong kỳ họp sắp tới, đánh dấu một mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, mang lại cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành thế mạnh của Việt Nam, khi lộ trình cam kết về giảm thuế hoàn tất trong thời gian khá ngắn (khoảng từ 3 – 7 năm).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả tính toán chỉ ra rằng, EVFTA góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (giai đoạn 2019-2023); từ 4,57%-5,30% (giai đoạn 2024-2028) và 7,07%-7,72% (giai đoạn 2029-2033). Mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng EVFTA cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức đối với nền kinh tế nước ta, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là các doanh nghiệp logistics (dịch vụ vận tải, hỗ trợ vận tải, kho bãi…) khi có nhiều cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn so với Hiệp định thương mại quốc tế (WTO).
Trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam có mức tăng trưởng cao từ 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt. Bởi dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải biển đang là ngành xuất khẩu dịch vụ lớn thứ hai của châu Âu. Nhưng hiện tại không có quốc gia ASEAN nào nằm trong top các nước nhận dịch vụ này của Liên minh châu Âu (EU).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với năng lực cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp EU trong lĩnh vực logistic, khi hiệp định này có hiệu lực sẽ mở cửa cho rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics vào Việt Nam. Với cơ hội này, một phần sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa. Nhưng mặt khác, cũng mang đến một nguồn lớn về vốn, cơ hội hợp tác, công nghệ mới. Đây chính là điều ngành logistic Việt Nam đang cần, là cơ hội cho toàn bộ nền sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có thể tiết kiệm và thu hẹp chi phí logistic trong tổng chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, hiện cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu hoạt động kinh doanh, lưu thông và phân phối các sản phẩm dịch vụ, nhất là trong điều kiện hội nhập và phát triển. Điều này làm ảnh hưởng không những trực tiếp tới phân phối, lưu thông sản phẩm, hiệu quả kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên các thị trường và cả chất lượng tăng trưởng hiện nay, điều này mang lại sức ép lớn cho ngành logistics Việt Nam.
Đề cập đến vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó, EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ EVFTA đưa ra.
Làm sao để ngành logistics hưởng lợi từ EVFTA?
Có thể nhận thấy, với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, hiện EU được đánh giá là một trong những khu vực phát triển mạnh trong lĩnh vực logistics. Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, các nước EU chiếm 4 trong top 5 vị trí đầu bảng (Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ ), chiếm 14 trong top 20 vị trí đầu bảng.
Hiện các doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, dù mức mở cửa của Việt Nam trong logistics theo WTO còn rất hạn chế. Tuy nhiên, sau EVFTA, với các cam kết mở cửa mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp này với doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, cạnh tranh được dự báo sẽ chỉ gia tăng chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ logistics mới mở cửa thêm, còn với các lĩnh vực đã mở theo WTO, cạnh tranh có thể gia tăng, tuy nhiên không đáng kể.
Cùng với những thách thức, về mặt lí thuyết, EU cũng mở cửa thị trường dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế, khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp logistics Việt là không lớn. Điều này không chỉ xuất phát từ việc thị trường EU đã có sẵn các đối thủ rất mạnh, khách hàng EU có đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ. Mà ngay bản thân các nước EU cũng có nhiều ràng buộc pháp lý liên quan đến các điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics…do đó, để doanh nghiệp Việt đáp ứng được các tiêu chuẩn này không thể trong ngày một, ngày hai.
Do đó, để các doanh nghiệp trong ngành logistics Việt có thể hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư công nghệ, nâng cao giá trị…thì việc cần thiết là phải hiểu đúng, hiểu rõ các cam kết trong hiệp định. Có hiểu đúng thì khi EVFTA có hiệu lực, chúng ta mới phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình để cạnh tranh và phát triển.
Đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng: "Các doanh nghiệp cần phải hiểu đúng, hiểu rõ trong các nội dung cam kết của hiệp định, như thế chúng ta mới biết chúng ta bước vào thị trường với những đối thủ cạnh tranh sẽ tiếp cận với thị trường chúng ta ra sao, để hiểu được sân chơi chung như thế nào".
Cùng chung ý kiến của đại diện Bộ Công Thương, theo các chuyên gia, để có thể tận dụng được các cơ hội cũng như hạn chế tối thiểu các thách thức mà hiệp định EVFTA mang lại, doanh nghiệp Việt cần phải cải thiện công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin, đặc biệt với mạng logistics toàn cầu, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bảo đảm năng lực chuyên môn.
Song song với đó, chúng ta cũng cần cải thiện qui mô vốn, năng lực quản lí và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư EU, cũng như tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics khác nhau như hãng tàu, đại lí thương mại, bảo hiểm...có sự chuẩn bị tốt như vậy, chắc chắn sự cạnh tranh sẽ ít đi và áp lực sẽ biến thành động lực để ngành logistics Việt nâng tầm.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/suc-ep-de-nganh-logistics-viet-cat-canh-103674.html