Sức ép đổi mới mô hình tăng trưởng

Việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong hơn 30 năm qua đã đưa Việt Nam từ nước nghèo nàn, lạc hậu thành một quốc gia có thu nhập trung bình, được thế giới nhắc đến như một kỳ tích ở Đông - Nam Á. Nhưng hành trình trở thành quốc gia thịnh vượng như khát vọng của dân tộc chỉ mới bắt đầu. Bởi trong thập niên tới, nếu không thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng (MHTT) mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững, chúng ta sẽ mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình như nhiều nước công nghiệp mới trong khu vực gặp phải.

Vận hành hệ thống rang xay cà-phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP Pleiku, Gia Lai).

Vận hành hệ thống rang xay cà-phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP Pleiku, Gia Lai).

Việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong hơn 30 năm qua đã đưa Việt Nam từ nước nghèo nàn, lạc hậu thành một quốc gia có thu nhập trung bình, được thế giới nhắc đến như một kỳ tích ở Đông - Nam Á. Nhưng hành trình trở thành quốc gia thịnh vượng như khát vọng của dân tộc chỉ mới bắt đầu. Bởi trong thập niên tới, nếu không thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng (MHTT) mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững, chúng ta sẽ mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình như nhiều nước công nghiệp mới trong khu vực gặp phải.

Bài 1: Cải thiện năng suất lao động - yếu tố tiên quyết

Nhìn từ cấu trúc nền kinh tế, đổi mới MHTT có nghĩa là phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tham gia một cách chủ động, hiệu quả vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam đang tập trung chuyển sang MHTT dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, yếu tố trọng tâm, tiên quyết để thành công chính là cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển bền vững.

Năng suất tăng đáng kể

Tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi vào đầu giờ làm việc buổi chiều tại trụ sở, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương trải lòng: Ngành dệt may đang hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) mới đi vào hoạt động phải đối mặt nguy cơ đóng cửa vì không có đơn hàng; DN có nền tảng tích lũy từ trước thì phải chấp nhận giá gia công giảm 30% để duy trì việc làm cho người lao động và trích quỹ phúc lợi, quỹ đầu tư cũ để bù lỗ. Bài toán cải thiện NSLÐ, nâng cao chất lượng sản phẩm trở thành yêu cầu căn bản nhất để DN "sống" được trong thời điểm hiện tại, khi vừa phải cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia có mức thuế thấp, giá nhân công rẻ như Ấn Ðộ, Băng-la-đét, vừa phải chống chịu sự thiếu hụt nguyên liệu và đơn hàng vì tác động của dịch Covid-19. So với mười năm trước, năng suất của DN dệt may đã tăng gấp hai lần, thu nhập người lao động nhóm cao của DN thuộc Hugaco đạt 700 - 800 USD/người/tháng, gấp hai lần so năng suất bình quân chung của cả nước. Nhờ đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN), các lô hàng lớn đều được vận hành bằng dây chuyền tự động được lập trình sẵn các khâu, giúp NSLÐ ngành dệt may được cải thiện đáng kể. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai và áp dụng các công cụ như ISO 9000, SA8000, Lean,… nhiều DN ngành dệt may đã khắc phục được những tồn tại cố hữu lâu nay như năng suất thấp, hàng lỗi hỏng trên công đoạn cao, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả,… Theo tính toán, mức độ tự động hóa của ngành dệt may có thể đến 35% thì các DN hiện đã ở ngưỡng tự động hóa 25%. Tiếp tục khai thác dư địa còn lại sẽ khiến NSLÐ ngành này có thể tăng thêm 5% trong những năm tới.

NSLÐ cũng được cải thiện thông qua phong trào thi đua tại các DN. Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC1) là DN Ðài Loan (Trung Quốc) quy mô vốn 100 triệu USD, đầu tư tại Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), hiện có hơn 4.000 lao động, chuyên xuất khẩu thiết bị y tế cho Tập đoàn France bed (Pháp) và linh kiện ô-tô, xe máy cho các hãng Toyota, Honda, Piaggio, Ford, Ducati… Ông Phùng Tuấn Hùng, Chủ quản Ban Kiểm soát, Bí thư Chi bộ VPIC1 cho biết, trung bình mỗi tháng, công ty có hơn 1.000 sáng kiến, đề tài sáng tạo, nâng cao NSLÐ từ các bộ phận sản xuất hưởng ứng phong trào thi đua nâng cao NSLÐ, chất lượng sản phẩm. Công nhân Nguyễn Văn Thể làm việc ở bộ phận hàn là người vừa được trao thưởng đề tài Cải thiện tự động khoan linh kiện, giảm thời gian và nhân lực, tăng năng suất trong dây chuyền sản xuất linh kiện cho xe máy phân khối lớn Ducati. Trước đây, linh kiện được khoan trên máy chuyên dùng bằng tay, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động với nguy cơ mũi khoan cuốn vào tóc, vào tay công nhân đứng chuyền và mỗi ca cao nhất chỉ hoàn thành 176 sản phẩm. Từ khi áp dụng đề tài sử dụng máy khoan tự động, đã triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ tai nạn, năng suất tăng lên 528 sản phẩm/ca. Không dừng ở đó, DN còn giảm được một vị trí nhân viên, tiết kiệm khoản lương 7,5 triệu đồng/tháng. Từ chỗ vận hành dây chuyền sản xuất sơ sài, chủ yếu làm thủ công những ngày đầu thành lập, đến nay VPIC1 đã trang bị rô-bốt làm việc trong nhiều công đoạn sản xuất, tương đương tỷ lệ tự động hóa 100% tại dây chuyền hàn, 80% tại dây chuyền dập, đúc và 70% đối với dây chuyền sơn. NSLÐ và chất lượng sản phẩm đều nâng cao rõ rệt với độ chính xác đạt tới 99,99%.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), NSLÐ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nếu như trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%, NSLÐ đạt 4,35% thì trong ba năm 2016 - 2018, lao động chỉ tăng 0,88%/năm nhưng NSLÐ đã tăng bình quân 5,77%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,7%/năm. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong GDP cũng được cải thiện, tăng từ mức 4,3% (giai đoạn 2001 - 2010) lên 37,7% (giai đoạn 2011 - 2018). Nhìn chung, NSLÐ của Việt Nam thời gian qua tiếp tục được cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLÐ cao trong khu vực ASEAN.

Khoảng cách còn xa…

Không thể phủ nhận thực tế là NSLÐ của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực, đặc biệt là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Cũng theo TCTK, năm 2018, NSLÐ của Việt Nam chỉ bằng 7,3% mức NSLÐ của Xin-ga-po, bằng 19% của Ma-lai-xi-a, bằng 37% của Thái-lan, bằng 44,8% của In-đô-nê-xi-a và bằng 55,9% NSLÐ của Phi-li-pin. Trong khu vực Ðông - Nam Á, NSLÐ của Việt Nam chỉ cao hơn Cam-pu-chia (gấp 1,6 lần). NSLÐ cũng rất khác biệt ở từng ngành nghề và từng khu vực DN. Ðáng lưu ý, DN tư nhân và khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất về lao động nhưng NSLÐ thấp nhất, nên ảnh hưởng nhiều đến NSLÐ chung của toàn bộ khu vực DN, là nguyên nhân khiến bức tranh toàn cảnh về NSLÐ chưa khả quan.

Muốn cải thiện NSLÐ phải có quá trình đầu tư bài bản cho KHCN. Nguyên lý này không khó để nhận biết nhưng lại rất khó triển khai trong thực tế. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Thái Như Hiệp chia sẻ với chúng tôi về hành trình dài để có "quả ngọt" trở thành DN xuất khẩu lô cà-phê hữu cơ (organic) đầu tiên gần 300 tấn sang Ðức và Bỉ theo Hiệp định EVFTA hồi tháng 9 vừa qua. Giá 1 kg cà-phê organic xuất khẩu sang EU có thể lên đến 8 USD trong khi giá 1 kg cà-phê vô cơ chỉ khoảng 1,4 USD. Nhận thấy cách sản xuất truyền thống của nông dân không còn phù hợp tiêu chí xuất khẩu cà-phê vào các thị trường cao cấp, cách đây 5 năm, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã đầu tư xây dựng trang trại trên diện tích 45 ha tại xã Chư H’Drông, TP Pleiku (Gia Lai) theo mô hình hữu cơ và dây chuyền rang xay, chế biến cà-phê theo tiêu chuẩn EU, công nghệ Probat nhập khẩu từ Ðức. Ðồng thời, đầu tư công nghệ cho các tổ hợp tác xã, nông dân để giải quyết bài toán về công nghệ nông nghiệp. Yêu cầu đặt ra là phải lấy lại sự cân bằng cho đất, cây cà-phê, nguồn nước và cân bằng về môi trường để có được sản phẩm cà-phê sạch đúng nghĩa, phù hợp các thị trường đòi hỏi chất lượng cao trên thế giới. Riêng mỗi dây chuyền đã có suất đầu tư lên tới 100 tỷ đồng, đủ thấy rằng chi phí cho quá trình đổi mới công nghệ sản xuất đã là rất khó khăn ngay cả đối với DN có quy mô lớn như Vĩnh Hiệp, chưa kể đến việc thuyết phục người nông dân thay đổi thói quen trồng cà-phê truyền thống bao đời nay. Chính vì thế, điều dễ hiểu là hầu hết DN vừa và nhỏ thường không mặn mà đầu tư cho công nghệ mới hay nông nghiệp số trong bối cảnh nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa phát huy tác dụng.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nguyên nhân khiến NSLÐ của Việt Nam thấp là phát triển KHCN, đổi mới - sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) chưa được đa số tổ chức và DN chú trọng đầu tư; vẫn chủ yếu do khu vực nhà nước đảm nhiệm. Ngân sách nhà nước dành cho phát triển KHCN chiếm 2% GDP/năm nhưng thực chi còn thấp hơn, chỉ khoảng 0,44% GDP/năm, trong khi mức bình quân của thế giới là 2,23% GDP/năm. Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (TCTK) phân tích: Ðóng góp của NSLÐ vào GDP những năm gần đây đều tăng nhưng hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng vì chưa hình thành một phong trào mạnh mẽ, thiết thực trong DN và người dân về cải thiện NSLÐ. Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ trong nhiều DN còn lạc hậu, nên mặc dù đã có ý thức đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động nhưng chưa thể cải thiện năng suất. Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn dắt tăng trưởng NSLÐ nhưng chủ yếu tập trung ở những sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp đến trung bình; trong khi ngành công nghệ cao tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại hoạt động ở khâu lắp ráp, nhập khẩu linh kiện, có giá trị trong nước tương đối thấp, chưa tác động lan tỏa đối với khu vực trong nước nên không thể tạo đột phá về tăng trưởng NSLÐ.

Trước thực trạng này, năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên phát động phong trào cải thiện NSLÐ quốc gia với mong muốn cộng đồng DN, doanh nhân, nhà đầu tư kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLÐ. Ðồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao NSLÐ và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2019, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2019, NSLĐ của nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018. Theo đánh giá so sánh, NSLĐ tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm tăng cao. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi; bán buôn, bán lẻ,… nhìn chung NSLĐ thấp; còn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế.

(Nguồn:Tổng cục Thống kê)

(Còn nữa)

HÀ NGÂN HẢI và THỌ ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/suc-ep-doi-moi-mo-hinh-tang-truong--623012/