Sức ép gia tăng lên Tổng thống Biden

Ít nhất 2 thượng nghị sĩ và 20 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ công khai kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden dừng tranh cử

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt sức ép gia tăng từ các nghị sĩ Đảng Dân chủ về việc rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng sau khi màn trình diễn kém thuyết phục trong cuộc tranh luận mới đây với đối thủ Donald Trump dẫn đến nỗi lo về vấn đề tuổi tác và khả năng thắng cử.

Theo đài CNBC, bên cạnh kịch bản không giữ được Nhà Trắng, không ít thành viên Đảng Dân chủ còn lo sẽ mất thế đa số tại Thượng viện và mất đi cơ hội giành lại quyền kiểm soát Hạ viện nếu ông Biden vẫn còn là ứng viên.

Hôm 18-7, ông Jon Tester là thượng nghị sĩ thứ 2 của đảng này công khai kêu gọi ông Biden, 81 tuổi, dừng tranh cử. Người đầu tiên đưa ra lời kêu gọi tương tự là thượng nghị sĩ Peter Welch vào tuần rồi. Ngoài ra, ít nhất 20 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ kêu gọi ông Biden rút khỏi vị trí ứng viên tổng thống.

Tổng thống Biden cho đến giờ vẫn công khai bác bỏ lời kêu gọi nói trên khi lập luận rằng ông đã thắng cuộc bầu cử sơ bộ và là lựa chọn của cử tri Đảng Dân chủ.

Phát biểu với giới truyền thông hôm 18-7, ông Quentin Fulks, Phó Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Biden, khẳng định Tổng thống Mỹ vẫn đang và sẽ là ứng viên của đảng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Cùng ngày, thượng nghị sĩ Chris Coons, một đồng minh thân cận của ông Biden, nói với đài CNN rằng ông Biden sẽ "nghỉ ngơi và suy ngẫm" vào cuối tuần này khi hồi phục sau khi mắc COVID-19. Theo ông Coons, nhà lãnh đạo này đã yêu cầu thông tin về dữ liệu thăm dò và nghiêm túc xem xét ý kiến của những người ông tin tưởng và ngưỡng mộ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Căn cứ không quân Dover tại bang Delaware hôm 17-7.Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Căn cứ không quân Dover tại bang Delaware hôm 17-7.Ảnh: Reuters

Áp lực gia tăng lên ông Biden cũng khiến Phó Tổng thống Kamala Harris, 59 tuổi, được chú ý nhiều hơn. Theo đài CNBC, nhiều nhà phân tích và chuyên gia cho rằng bà Harris là lựa chọn khả dĩ nhất để thay ông Biden trong trường hợp nhà lãnh đạo này đổi ý.

Bà Meena Bose, Giám đốc Trung tâm Peter S. Kalikow về nghiên cứu tổng thống Mỹ tại ĐH Hofstra (Mỹ) lưu ý rằng bà Harris đã vượt qua các bài kiểm tra khi tham gia chiến dịch tranh cử của ông Biden vào năm 2020.

Hơn nữa, số tiền được chiến dịch của ông Biden gây quỹ được sẽ chuyển cho bà Harris nếu bà tiếp nhận vị trí ứng viên tổng thống.

Một số thành viên nổi bật khác của Đảng Dân chủ, chẳng hạn như ông Gavin Newsom (Thống đốc bang California) hoặc bà Gretchen Whitmer (Thống đốc bang Michigan), cũng được xem là thay thế tiềm tàng nếu ông Biden không còn tham gia cuộc đua. Dù vậy, hầu hết nhân vật liên quan đều tuyên bố sẽ không tranh cử tổng thống năm nay.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc bỏ qua phó tổng thống để ủng hộ một ứng viên khác có thể dẫn đến bầu không khí tranh cãi tại đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ, dự kiến diễn ra vào tháng tới.

Đây là điều đảng này không muốn diễn ra, nhất là sau khi đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa thể hiện sự đồng lòng ủng hộ ông Trump. Theo bà Bose, thời gian thực sự không còn nhiều và rất khó tiến hành một chiến dịch cho người nào khác ngoài bà Harris.

Theo tờ The Washington Post, nữ phó tổng thống Mỹ đã có chuyến đi vận động tại một số bang chiến trường trong tuần này. Tại các điểm dừng chân - mới nhất là tại TP Fayetteville, bang Bắc Carolina hôm 18-7 - bà Harris luôn nêu bật các thành tựu chính sách của ông Biden, cũng như tập trung vào vấn đề quyền sinh sản.

Trong bối cảnh nước Mỹ quan tâm đến sự chia rẽ trong Đảng Dân chủ và tranh cãi về vị trí ứng viên tổng thống của ông Biden, đây được xem là nỗ lực của bà Harris nhằm đưa vấn đề chính sách trở lại là tâm điểm của chiến dịch tranh cử.

Những cam kết của ứng viên Donald Trump

Ông Donald Trump hôm 18-7 chấp nhận đề cử trở thành ứng viên tổng thống tại đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa, diễn ra ở TP Milwaukee, bang Wisconsin. Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử nói trên, ông Trump chỉ nhắc đến tên Tổng thống Joe Biden vài lần.

Đây được xem là sự thay đổi đáng chú ý khi cựu Tổng thống Mỹ này thường công kích cá nhân trong nhiều bài phát biểu chính trị của mình. Thay vào đó, bài phát biểu tập trung vào vấn đề nhập cư, kinh tế, lạm phát và chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm.

Ông Trump tuyên bố nếu đắc cử sẽ ra lệnh trục xuất quy mô lớn những người nhập cư không có giấy tờ, cắt giảm thuế và tái khẳng định sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế.

Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa cho rằng khi ông còn lãnh đạo đất nước đã xây dựng biên giới "mạnh mẽ" nhất lịch sử nhưng chính quyền hiện tại đã chấm dứt mọi chính sách của ông. Bên cạnh đó, ông Trump chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden không làm gì để ngăn làn sóng người nhập cư đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Cựu tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh dưới thời chính quyền của ông, Mỹ có nền kinh tế tốt nhất lịch sử nhưng giờ lại đối mặt "cuộc khủng hoảng lạm phát". Đề cập chính sách đối ngoại, ông Trump cam kết không chỉ làm cho đất nước an toàn hơn mà còn "giúp mang lại sự ổn định cho thế giới".

Xuân Mai

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-ep-gia-tang-len-tong-thong-biden-196240719201815312.htm