Sức ép tăng giá

'Giá tăng từng ngày và mỗi ngày một giá…', bà Thu, một tiểu thương chợ Phú Mỹ (Q7, TPHCM) cho hay. Bà Thu tỏ ra ái ngại khi sạp hàng thịt của bà phải niêm yết giá bán cao chót vót, hơn 30% so với tuần trước đó.

Cũng vì giá cao nên hàng bán không chạy, kéo theo lợi nhuận giảm, ảnh hưởng thu nhập gia đình khiến bà lo lắng. Bà cũng cho biết, mặc dù giá xăng giảm trong thời gian gần đây nhưng chợ đầu mối, nhà cung cấp không giảm giá, thậm chí còn tăng nên những người bán lẻ như bà rất khó để không tăng giá theo.

Giá xăng đã quay đầu đi xuống và giảm liên tiếp trong hai phiên điều hành giá gần đây của Chính phủ, với mức giảm gần 7.000 đồng/lít. Điều này khiến người dân kỳ vọng giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ giảm theo, giúp giảm nhiệt thị trường vốn đang rất nóng. Tuy nhiên, thực tế giá cả hàng hóa trong nước vẫn đang neo ở mức cao, thậm chí vẫn tiếp tục tăng. Giá các mặt hàng nhập khẩu trên thị trường cũng trong tình trạng tương tự.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (V.Food), một doanh nghiệp sản xuất, cung ứng trứng quy mô lớn tại thị trường TPHCM và các tỉnh cũng dự báo giá trứng đang có xu hướng tiếp tục tăng vì giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng do ảnh hưởng của thị trường thế giới, trong khi nguồn cung trứng hạn chế đẩy giá thành lên theo. Ông Thiện cho rằng, xăng dầu hạ nhiệt mới chỉ đủ giúp chững đà tăng giá hàng hóa, nhưng giá sẽ khó giảm bởi có rất nhiều chi phí đầu vào. Riêng với trứng, chi phí vận chuyển (trong đó có xăng dầu), chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi các chi phí khác như thức ăn chăn nuôi, bao bì, nhân công... tăng 20-40% so với đầu năm nay. “Chúng tôi đang cố gắng giữ giá thấp hơn thị trường khoảng 15%, nhưng không biết có thể giữ được đến khi nào”, ông Thiện nói.

Theo các chuyên gia, sở dĩ giá hàng hóa không giảm theo giá xăng là vì chi phí đầu vào trước đó đều đã tăng cao và ẩn chứa rất nhiều “tiềm năng” tăng giá sản phẩm. Để ổn định thị trường, các doanh nghiệp đã cố gắng kìm nén, không tăng hoặc tăng giá nhỏ giọt nhiều mặt hàng, nhưng đến một lúc nào đó buộc phải “buông” khi đã quá ngưỡng chịu đựng. Khi giá xăng dầu tăng mạnh và tăng liên tiếp trong thời gian qua là cơ hội để các mặt hàng “bung” giá mới sau thời gian kìm nén. Giá hàng hóa hiện đang “lệch pha” giá xăng dầu nhưng cơ bản phản ánh đúng tình hình thị trường. Vì vậy, rất khó để trở về mặt bằng giá cũ trong lúc này, dù xăng dầu đã giảm.

Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ song cũng đang đứng trước áp lực gia tăng lạm phát không kém phần mạnh mẽ, nhất là khi phụ thuộc nguyên, vật liệu nhập khẩu (chiếm 37% chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế); giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Dù giá xăng dầu giảm song áp lực tăng giá hàng hóa vẫn luôn hiện hữu, đi cùng với đó là áp lực gia tăng lạm phát. Vì vậy, theo các chuyên gia, để giảm sức ép và sức nóng tăng giá, Nhà nước cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy tổng cung. Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào một thị trường.

đại dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/suc-ep-tang-gia-post1456473.tpo