Sức ép trong nước buộc Mỹ - Trung nhượng bộ thương chiến
Mỹ và Trung Quốc đang bước đầu xích lại gần nhau trong căng thẳng thương mại, với việc hai bên đưa ra những nhượng bộ về thuế quan.
Bắc Kinh trong tuần này cho biết sẽ miễn đánh thuế trả đũa đậu tương, thịt lợn và một số nông sản khác từ Mỹ. Đáp trả, Mỹ cũng hoãn đánh thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 1/10 sang 15/10 để tránh ngày kỷ niệm 70 năm quốc khánh của Bắc Kinh.
Tổng thống Trump ngày 12/9 tỏ ý sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. “Đó là điều mà chúng tôi sẽ cân nhắc, tôi đoán vậy”, ông nói với các phóng viên tại Nhà Trắng, nhưng cũng cho biết ông muốn “một thỏa thuận tổng thể” hơn.
Hai nước đang cố gắng giảm căng thẳng trước cuộc gặp cấp cao vào tháng sau. Họ sẽ phải giải quyết những vấn đề gai góc, như việc Bắc Kinh trợ cấp cho công ty quốc doanh, và việc Mỹ cấm vận công ty công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei.
“Trung Quốc sẽ thu hẹp danh sách hàng hóa bị đánh thuế trong các cuộc đàm phán tương lai”, một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc nói với Nikkei Asian Review.
Một cách nữa của họ có thể là mở rộng nhập khẩu nông sản Mỹ để giảm mất cân đối thương mại, đổi lấy việc Mỹ hoãn đánh thuế.
Ngày 12/9, có thông tin các công ty nhà nước Trung Quốc đã đặt hàng hơn 1 triệu tấn đậu nành Mỹ, theo Nikkei Asian Review.
Một quan chức cao cấp phía Trung Quốc gần đây phát biểu rằng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ “sẽ tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc”.
Như vậy, Bắc Kinh có thể đang có quan điểm tích cực hơn về việc thực thi luật sở hữu trí tuệ, một trong những ưu tiên lớn của Tổng thống Trump và Washington.
Hai bên đều đang chịu sức ép quốc nội trong cuộc thương chiến căng thẳng này. Ở Mỹ, giá ngũ cốc đã giảm vì thuế quan, và nông dân đang chịu thiệt hại. Ông Trump đang buộc phải tìm cách giảm gánh nặng lên khối cử tri quan trọng này, khi bầu cử 2020 còn cách hơn một năm.
Trong khi đó, cuộc họp giới lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Đới Hà vào tháng trước, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Bộ Chính trị đã gặp trực tiếp các cựu lãnh đạo để bàn thảo về chính sách, có lẽ chính là bước ngoặt bên phía Bắc Kinh, theo Nikkei Asian Review.