Sức ép từ bài toán lãi suất
Nhiều chuyên gia dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 5-2024
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới trong tuần này dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến lãi suất trong năm 2023.
Theo trang Bloomberg, giới chức tiền tệ tại nhiều nước đang đối mặt sức ép từ các thị trường tài chính về việc giải thích lý do họ chưa vội xoay trục sang nới lỏng tiền tệ.
Bà Joyce Chang, chuyên gia của Ngân hàng JPMorgan (Mỹ), cho rằng không ít ngân hàng trung ương đang đợi xem liệu xu hướng giảm lạm phát hiện nay có bền vững hay không, đồng thời dự báo sẽ không có chuyện cắt giảm lãi suất trước nửa cuối năm 2024.
Thu hút sự quan tâm nhiều là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong 2 ngày 12 và 13-12. Theo trang Bloomberg, FED được dự báo tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 20 năm sau khi báo cáo mới công bố cho thấy thị trường lao động Mỹ mạnh hơn kỳ vọng. Theo Reuters, nhiều chuyên gia dự báo FED có thể bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 5-2024. Đến cuối năm tới, con số này có thể còn 4%-4,25%.
Lãi suất cơ bản Mỹ hiện ở mức 5,25% -5,50% và con số này đã được duy trì từ tháng 7. Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của FED, trong tháng 10 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này trong tháng 9 tăng 3,7%.
Theo đài CNBC, việc FED bắt đầu cắt giảm lãi suất mạnh trong năm 2024 như kỳ vọng của thị trường có thể diễn ra trong bối cảnh kinh tế chậm lại đáng kể và thất nghiệp tăng, từ đó khiến lạm phát giảm.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ tiếp tục giữ lãi suất tiền gửi ở mức cao kỷ lục 4% tại cuộc họp chính sách ngày 14-12 tới. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng ECB sẽ chỉ cắt giảm lãi suất từ quý II/2024 sau khi lạm phát của khu vực sử dụng đồng euro giảm còn 2,4% trong tháng rồi. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận lạm phát sụt giảm và con số này tiến gần hơn mục tiêu 2% của ECB.
Phát biểu trước thềm hội nghị, bà Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng Điều hành ECB, nhận xét sự sụt giảm nói trên là "ấn tượng", đồng thời cho rằng ngân hàng có thể không cần bàn về chuyện tăng lãi suất thêm nữa.
Riêng Chủ tịch ECB Christine Lagarde tái khẳng định ngân hàng sẽ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu mới nhất, đồng thời duy trì lãi suất cao cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát. Bà Lagarde cũng cho rằng giờ chưa phải lúc tuyên bố chiến thắng.
Chủ tịch ECB có lý do để thận trọng sau những gì diễn ra với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Theo AP, lạm phát ở Đức trong tháng 11 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này trong tháng 10 là 3%.
Tuy nhiên, Đức hiện đối mặt cuộc khủng hoảng ngân sách và những dự báo kém lạc quan về tăng trưởng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kinh tế Đức năm nay bị trúng đòn bởi lạm phát cao và sản xuất sụt giảm.
Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến cũng giữ nguyên lãi suất 5,25% tại cuộc họp ngày 14-12, cùng với đó là lời cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc. Dù vậy, với nền kinh tế được dự báo đối mặt nhiều thách thức trong năm tới, các nhà đầu tư cho rằng lãi suất sẽ bắt đầu được cắt giảm từ tháng 6-2024.
Tại Mexico, lãi suất dự kiến được duy trì ở mức cao kỷ lục 11,25% tại cuộc họp của Ngân hàng Trung ương (Banxico) ngày 14-12. Thống đốc Banxico Victoria Rodriguez cho biết thêm có thể bắt đầu thảo luận về giảm lãi suất vào đầu năm 2024.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Brazil ngày 13-12 dự kiến tiếp tục hạ lãi suất xuống còn 11,75%. Đây là lần thứ 4 liên tiếp lãi suất giảm 0,5 điểm %. Với lạm phát đang nằm trong phạm vi mục tiêu, ngân hàng này có thể duy trì mức cắt giảm lãi suất như thế trong suốt quý I/2024 giữa lúc lạm phát giảm
Trái lại, Ngân hàng Trung ương Nga trong ngày 16-12 dự kiến công bố quyết định tiếp tục tăng lãi suất cơ bản lên 16% trong nỗ lực giảm lạm phát xuống mục tiêu 4%. Mức lãi suất này đã được nâng lên 15% hồi tháng 10.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-ep-tu-bai-toan-lai-suat-196231210202314811.htm