Sức hấp dẫn của ông Nguyễn Cơ Thạch

Sức hấp dẫn của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch toát lên từ chính những phẩm chất con người cách mạng nơi ông.

Nguyễn Cơ Thạch là một chính khách có sức hấp dẫn, chinh phục và cảm hóa lạ thường. Điều gì giải mã sức hấp dẫn ấy? Theo tôi có 2 điều: độc lập và sáng tạo.

Độc lập và kiên cường trong đấu tranh bắt nguồn từ điều thiêng liêng nhất của dân tộc chúng ta là độc lập dân tộc. Mưu trí sáng tạo bắt nguồn từ trí tuệ bẩm sinh và từ lao động, học tập và nghiên cứu suốt đời mà Nguyễn Cơ Thạch là tấm gương sáng.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.Gromyko năm 1985. (Ảnh tư liệu)

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.Gromyko năm 1985. (Ảnh tư liệu)

Tư thế luôn nhìn ngang, nhìn thẳng

Ảnh chụp Nguyễn Cơ Thạch thường biểu hiện 2 nét mặt: hoặc đanh thép, cứng rắn bảo vệ lập trường Việt Nam, hoặc cười như xoáy vào người đối thoại một cách đầy thấu hiểu.

Tôi thích nhất ảnh chụp ông bắt tay Ngoại trưởng Mỹ J.Baker năm 1990 thể hiện tư thế rất đàng hoàng, bình đẳng và hiểu nhau giữa 2 ngoại trưởng.

Hay như bức ảnh chụp hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.Gromyko, ở đó nét mặt ông không phải là cung kính lắng nghe, mà là trao đổi vừa nghiêm túc vừa thân mật, với nụ cười mỉm đầy thấu hiểu.

Đối với các đối tác nước lớn, Nguyễn Cơ Thạch luôn nhìn ngang, nhìn thẳng, với tư thế của Việt Nam.

Dù trên bàn đàm phán, họp báo hay trên diễn đàn Liên hợp quốc và hội nghị quốc tế, từ Nguyễn Cơ Thạch toát lên sức mạnh - đó là sức mạnh của cuộc đấu tranh cho độc lập, của chính nghĩa dân tộc, sức mạnh Việt Nam!.

Tâm và tầm

Sức mạnh ấy đến từ cái tâm và cái tầm của con người ấy.

Cái tâm của một con người yêu nước, một chiến sĩ cách mạng đã từng trải qua đấu tranh (chống đế quốc, thực dân, bá quyền) và yêu con người (thẳng thắn, chân tình với đồng chí, anh em, sẵn sàng bảo vệ cán bộ, tháo gỡ ẩn khuất lý lịch để minh oan cho cán bộ nếu thấy đó là đúng, không để ý cái nhỏ trong con người mà chỉ nhìn cái lớn, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng ngành...).

Cái tầm của bề dày kinh nghiệm đấu tranh trên bàn đàm phán, sách lược ngoại giao (đối phó, ứng biến linh hoạt tuyệt vời, tạo bước ngoặt trong đấu tranh…).

Nhưng đặc biệt là ông có tầm nhìn chiến lược. Bản thân say mê nghiên cứu và dạy anh em nghiên cứu, cộng với cảm quan nhạy bén, nên ông Thạch biết nhìn xa trông rộng, và có những dự báo chiến lược hết sức táo bạo từ lúc còn ít người nghĩ đến nhưng rất chính xác. Những dự báo và nhận định của ông Thạch đã giúp ích rất lớn cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ở thế chủ động chiến lược để hoạch định chính sách.

"Bản thân say mê nghiên cứu và dạy anh em nghiên cứu, cộng với cảm quan nhạy bén, nên ông Thạch biết nhìn xa trông rộng, và có những dự báo chiến lược hết sức táo bạo từ lúc còn ít người nghĩ đến nhưng rất chính xác".

Ông thường nhắc nhở anh em: nghề của chúng ta có đối tượng là cả thế giới, thế giới đó lại luôn biến động, nếu không tự trau dồi học tập, lười suy nghĩ và làm việc thì không thể làm tròn nhiệm vụ công tác (1).

Nguyễn Cơ Thạch có nhiều tư tưởng và giải pháp mang tính tiên phong, đột phá, có tầm thay đổi cục diện, nhưng cũng đã phải vượt qua không ít khó khăn. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo ngoài phẩm chất cách mạng còn phải có bản lĩnh, trí tuệ và lòng dũng cảm.

Cái nhìn của ông về những ưu tiên của đất nước và những hoài bão của ông về những mục tiêu phát triển đất nước là rất xa rộng. Trong chính trị (và cả trong cuộc sống), ông Thạch luôn biết nhìn cái lớn. Tầm nhìn, tầm suy nghĩ, sức làm việc và cả những hoài bão và tham vọng của ông đều lớn. Nhiều hơn là một bộ trưởng, ông là một nhà cách mạng!

Mười năm phá vây

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ngoại giao cùng với chính trị, quân sự đã được Đảng và nước chính thức công nhận là 3 mặt trận góp phần làm nên thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Bước sang thời kỳ mới sau chiến tranh, đất nước phải đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn chưa từng có, trong đó giai đoạn ông Nguyễn Cơ Thạch làm Bộ trưởng là 1 trong 2 giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời hiện đại (1945-46 và 1975-1990).

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đồng thời bên cạnh ta có cả phe xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ. Nay ta phải đối phó cùng một lúc với cả 2 nước lớn câu kết với nhau chống Việt Nam.

Không phải chúng ta muốn thế, mà vì vấn đề địa - chính trị, lợi ích chiến lược và lợi ích dân tộc. Môi trường quốc tế của Việt Nam chưa bao giờ bất lợi như bấy giờ. Sức ép đối ngoại đương nhiên đè lên vai Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Giữa vòng vây thù địch, ông Thạch đã phải tả xung hữu đột kết hợp đấu tranh với tìm kiếm giải pháp để từng bước phá thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam.

Cố Thứ trưởng thứ nhất Đinh Nho Liêm từng tâm sự đầy tình cảm: “Anh Thạch đã trải qua bao gian khổ, suy tư và hành động trong 10 năm ấy” (2).

Tìm điểm đồng để xích lại gần nhau

Khi vấn đề Campuchia sau gần 10 năm bắt đầu đi vào thế giải pháp, Nguyễn Cơ Thạch đã lập tức thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nhất là với Mỹ (mà 2 bên đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng) mà ông cho sẽ là nhân tố then chốt tác động tất cả các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, kể cả quan hệ với Trung Quốc.

Ông Nguyễn Cơ Thạch (thứ hai từ trái) và ông Trịnh Đình Hùng (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp trong Bộ Ngoại giao tham dự một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Malaysia. (Ảnh: TGCC)

Ông Nguyễn Cơ Thạch (thứ hai từ trái) và ông Trịnh Đình Hùng (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp trong Bộ Ngoại giao tham dự một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Malaysia. (Ảnh: TGCC)

Trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ tồn tại một số vấn đề, trong đó có vấn đề hàn gắn vết thương chiến tranh. Sau 3 vòng đàm phán suốt năm 1977 để bình thường hóa quan hệ, hai bên không thống nhất được vấn đề này.

Sang năm 1978, ông Nguyễn Cơ Thạch trở thành trưởng đoàn đàm phán, thấy rằng yêu cầu đó không khả thi, nên đã kiến nghị với Bộ Chính trị không nêu thành điều kiện tiên quyết cho bình thường hóa quan hệ với Mỹ nữa.

Tuy nhiên, lúc đó Mỹ đã chuyển sang ưu tiên bình thường hóa nữa nên không quan tâm đến sự chuyển hướng đó của Việt Nam.

Biết Mỹ rất quan tâm vấn đề tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh, vả lại cũng là vấn đề nhân đạo, ông Thạch đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng tạo điều kiện hết mức có thể cho Mỹ trong vấn đề này.

"Biết Mỹ rất quan tâm vấn đề tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh, vả lại cũng là vấn đề nhân đạo, ông Thạch đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng tạo điều kiện hết mức có thể cho Mỹ trong vấn đề này".

Đồng thời, biết trong nước vẫn còn chưa phải hoàn toàn thống nhất lắm về vấn đề quan hệ với Mỹ, ông Thạch đã đề nghị Mỹ phải có trách nhiệm nhân đạo sau chiến tranh, giúp đỡ những người Việt Nam bị tàn tật trong chiến tranh…

Như vậy là ông Thạch đã xử lý vấn đề có lý có tình, rất khéo léo mà có đi có lại, đạt được lợi ích cho cả 2 nước.

Sau này, trong quá trình tháo gỡ bế tắc để giải quyết vấn đề Campuchia, ông Thạch cùng với Ngoại trưởng Mỹ J.Baker đã tìm thấy một điểm đồng giữa 2 nước để nhích lại gần nhau: đó là sự ghê tởm đối với chế độ diệt chủng Polpot ở Campuchia.

Hai vị ngoại trưởng, đại diện cho lòng nhân của 2 dân tộc, vào năm 1990 đó đã vạch ra lộ trình bình thường hóa quan hệ.

Có thể nói ông Thạch là người thực hiện hiệu quả nhất đường lối chính sách đối ngoại của Đảng trong giai đoạn cách mạng đó. Nhưng, khi tình hình thay đổi thì yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng cũng thay đổi. Chính ông Thạch đã là người đề xuất bỏ nội dung Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp ra khỏi Lời nói đầu Hiến pháp.

Chính ông Thạch và Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Việt Nam rút quân khỏi Campuchia từ năm 1982 nhưng chưa được Bộ Chính trị thông qua vì còn phải tính đến lợi ích của cách mạng Campuchia. Ông Thạch tiếp tục bảo vệ lập trường của Việt Nam suốt gần cả thập niên 1980, phải đưa ra sáng kiến rút từng phần, sau đó đến năm 1989 mới tuyên bố hoàn thành việc rút quân.

Triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội VI (năm 1986), ông Thạch chủ trì soạn thảo và được Bộ Chính trị thông qua nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (tháng 5/1988) lần đầu tiên nêu tư tưởng “lợi ích cao nhất của dân tộc là giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế”, và một loạt quan điểm như “thêm bạn bớt thù,” “độc lập tự chủ”, “đa dạng hóa quan hệ quốc tế”, trở thành phương châm hành động trong hoạt động đối ngoại sau này. Nghị quyết được đánh giá là “một cuộc đổi mới mạnh mẽ tư duy” và “chuyển hướng toàn bộ chiến lược đối ngoại của ta” (3).

Những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Đại hội đã làm được bao nhiêu việc lớn. Năm 1989: hoàn thành rút quân khỏi Campuchia. Năm 1990: thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc; cùng trong tháng 9/1990 đã diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa 2 Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch và J.Baker ở New York và Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam-Trung Quốc ở Thành Đô.

Theo nhiều phân tích, kể cả dựa vào ý kiến của Lý Gia Trung - cựu Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam, chính sự bắt đầu xích lại gần nhau giữa Việt Nam và Mỹ đã là 1 yếu tố thúc đẩy lãnh đạo Trung Quốc nhận tiến hành họp thượng đỉnh với Việt Nam trong năm 1990 (4).

Đấy cũng là những năm ông Nguyễn Cơ Thạch đóng góp say sưa, không mệt mỏi vào việc hình thành chính sách đổi mới của Đảng và nhà nước (cả về đối nội và đối ngoại). Mong ước lớn nhất của nhà ngoại giao là đất nước được hòa bình và được mang tinh hoa, sức mạnh của nhân loại về kết hợp với sức mạnh dân tộc cho đất nước phát triển đi lên. Ông còn đang ở đỉnh cao của trí tuệ và sức làm việc.

Sinh thời, ông Thạch là chuyên gia của các khả năng và bước ngoặt chiến lược. Tiếc là ông đã không được tiếp tục thực hiện những khả năng cùng những hoài bão to lớn của mình!

Tuy vậy, chiến lược đối ngoại do ông xây dựng và đặt những viên gạch đầu tiên chỉ trong một nhiệm kỳ Đại hội sau đó đã bắt đầu gặt hái thành quả: vấn đề Campuchia sau 10 năm đã được giải quyết, ta đã phá được thế bao vây, cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, gia nhập ASEAN - những việc mà khi còn đương chức ông đã nỗ lực để có thể diễn ra sớm hơn.

Nhân - Trí - Dũng

Trong đời hoạt động của mình, dù trong lĩnh vực nào - ngoại giao hay xây dựng ngành, kinh tế hay chính trị, đối nội hay đối ngoại, ông Nguyễn Cơ Thạch luôn có nhiều tư tưởng và giải pháp mang tính tiên phong, đột phá, có tầm thay đổi cục diện, nhưng cũng đã phải vượt qua không ít khó khăn. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo ngoài phẩm chất cách mạng còn phải có bản lĩnh, trí tuệ và lòng dũng cảm.

Chính “ý thức trách nhiệm cao đối với lợi ích dân tộc đã cho anh lòng dũng cảm nói ra điều cần nói vì lợi ích chung” (cố Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ đã viết về ông) (5).

Đất nước ta trong suốt lịch sử luôn phải đối phó với sự xâm lược từ các cường quốc mạnh hơn mình nhiều lần, nên phải có những người bảo vệ nền độc lập có đủ bản lĩnh và trí tuệ để đọ sức và đương đầu với họ. Nguyễn Cơ Thạch là một trong những người như thế.

* Tiến sĩ sử học, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao, Thư ký của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từ năm 1992-1994.

“Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”, NXB Chính trị quốc gia, 2003, tr.91.
Sdd tr.80
Tạp chí Quan hệ Quốc tế, số 1, tháng 1/1990, tr.7, 9 và tạp chí Nghiên cứu lý luận tháng 5 2015.
Changing Worlds: Vietnam’s Transition from Cold War to Globalization”. David W. P. Elliott. Oxford university, p 112-116a
Sdd, tr.92

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-hap-dan-cua-ong-nguyen-co-thach-144473.html