Sức hấp dẫn của truyện kỳ ảo kinh dị Việt Nam

Ngày 29/10, tại Hà Nội, NXB Kim Đồng tổ chức buổi trò chuyện 'Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua Truyện đường rừng và những truyện khác' nhân dịp ra mắt bộ sách 'Truyện kinh dị Việt Nam'. Sự kiện có sự tham gia của TS Nguyễn Thị Năm Hoàng, nhà báo Yên Ba và nhà văn Di Li.

TS Nguyễn Thị Năm Hoàng (ngồi giữa), nhà báo Yên Ba và nhà văn Di Li trong buổi trò chuyện “Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua Truyện đường rừng và những truyện khác”.

TS Nguyễn Thị Năm Hoàng (ngồi giữa), nhà báo Yên Ba và nhà văn Di Li trong buổi trò chuyện “Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua Truyện đường rừng và những truyện khác”.

Văn học Việt Nam đã có nhiều tác phẩm mang yếu tố kỳ ảo, ly kỳ như các tác phẩm của Thế Lữ, TchyA, Lan Khai… Theo các nhà nghiên cứu, thời kỳ nở rộ những tác phẩm này đó là những năm 30 của thế kỷ trước. Một số tác phẩm đặc sắc như “Vàng và máu”, “Truyện đường rừng”, “Thần hổ”... đã ra đời trong thời gian này. Nhà báo Yên Ba trong tư cách một nhà sưu tập báo chí có tiếng ở Hà Nội, cho biết, ở thời kỳ những năm 1930-1945, nhiều nhà văn đã dành nhiều tâm huyết để viết những truyện dài kỳ mang màu sắc liêu trai, kỳ ảo... Có tác giả cùng lúc viết hơn 10 truyện dài kỳ trên các loại báo, tạp chí.

Nhà văn Di Li cũng nhận định những tác phẩm như “Truyện đường rừng” là một đặc sản của Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Theo Di Li, con người hiện đại, đặc biệt là người thành phố, không còn được tiếp xúc nhiều với những cảnh quan hoang dã, khi đọc được những tác phẩm quý ở thời ấy, sẽ thấy trân trọng hơn những giá trị văn hóa của một thời đại.

TS Nguyễn Thị Năm Hoàng nhận xét mỗi một nhà văn lại mang đến một trải nghiệm đọc riêng: Lan Khai sử dụng thủ pháp truyện lồng trong truyện, TchyA cung cấp nhiều tư liệu, nhiều triết lý, Thế Lữ đem đến vẻ đẹp văn chương với sự miêu tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng, phơi bày trước mắt độc giả một khung cảnh nên thơ của thiên nhiên, rừng núi rồi mới dẫn dắt độc giả vào chuyến phiêu lưu gay cấn.

“Văn học đường rừng hay văn học kỳ ảo vừa có tính dân tộc, vừa có tính nhân loại. Nó chạm vào phần sâu kín nhất trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của chúng ta. Chúng ta tin vào những điều làm cho con người “người” hơn và nếu chúng ta lảng tránh nó, tức là chúng ta đã tước đi cơ hội cho văn học khám phá con người một cách toàn diện và sâu sắc”, TS Năm Hoàng nói.

Theo TS Năm Hoàng, trong bộ sách “Truyện kinh dị Việt Nam” vừa được NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc lần này, mỗi tác phẩm đều mang đến cho độc giả một không khí riêng, và mỗi nhà văn lại mang tới một chất riêng, một nghệ thuật kể chuyện riêng. Tuy vậy, có điểm chung là: các nhà văn đã gợi ra bức tranh về phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất, một thời đại. Bên cạnh đó, những tác phẩm này đều khiến cho người đọc thêm trân trọng thế giới thiên nhiên kỳ bí, nhất là trong thời điểm môi trường và hệ sinh thái của con người đang bị đe dọa như hiện nay. Văn học kỳ ảo thời kỳ 1930-1945 còn truyền tải giá trị tư tưởng, cho rằng con người chỉ là một phần trong vũ trụ, là một phần của hệ sinh thái và nên học cách sống hài hòa, tôn trọng thiên nhiên.

Ngày nay, để dòng văn học kỳ ảo, kinh dị tiếp tục phát triển ở Việt Nam, theo nhà văn Di Li, các nhà văn cần biết kết hợp yếu tố thời đại, đan cài những giá trị văn hóa vào chứ không thể viết giật gân, giải trí đơn thuần. Di Li khẳng định những câu chuyện kỳ bí vẫn có sức hút lớn đối với độc giả. Cứ nhìn vào việc các đơn vị xuất bản vẫn tái bản những cuốn sách có yếu tố liêu trai, kỳ ảo ra đời từ thập niên 30-40 của thế kỷ trước, có thể khẳng định giá trị văn học cũng như sức hút của thể loại này. Và nếu soi chiếu vào văn học Việt Nam đương đại, thì điều đó cũng cho thấy một khoảng trống khó lấp đầy…

THANH XUÂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-hap-dan-cua-truyen-ky-ao-kinh-di-viet-nam-5700695.html