Sức hấp dẫn từ Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam

Liên hoan phim (LHP) tài liệu châu Âu-Việt Nam 2019 đánh dấu mốc kỷ niệm đáng nhớ cho con đường đầy thi vị: 10 năm giới thiệu tới khán giả trong nước và quốc tế những bộ phim tài liệu hay nhất của châu Âu cũng như những bộ phim do Việt Nam sản xuất. 10 năm khán giả, người làm phim Việt Nam khám phá các vùng lãnh thổ, kiến thức, bất ngờ và cả những phút giây thư giãn; ở đó còn là sự giao lưu, hợp tác cùng nhau giới thiệu các bộ phim, nền văn hóa và quan điểm của các quốc gia-vốn là những vấn đề được tất cả mọi người quan tâm.

Đa dạng nhịp đập cuộc sống

LHP tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 10, năm 2019 trình chiếu hơn 20 bộ phim tài liệu đặc sắc của Việt Nam và 10 quốc gia (Áo, Bỉ, Pháp, Đan Mạch, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Séc, Anh). Những tác phẩm trải rộng theo nhiều đề tài: Tiểu sử người nổi tiếng, môi trường, âm nhạc, nghệ thuật đương đại, những căn bệnh trong xã hội hiện nay… Nhiều tác phẩm trong số những phim được giới thiệu lần này đã nhận các giải thưởng, đề cử quan trọng tại các LHP, như: “Nữ thẩm phán” giành Giải César 2019 (giải thưởng của điện ảnh Pháp) và Giải Magritte du Cinéma 2019 cho phim tài liệu xuất sắc (giải thưởng của điện ảnh Bỉ); “Hãy nhớ: Bạn đang sống” giành giải Cánh diều Vàng tại Giải Cánh diều 2018 (giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam)…

10 buổi chiếu phim (một phim Việt Nam và một phim châu Âu), rạp chiếu phim của Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và khoa học Việt Nam-DSF (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) luôn đông kín khán giả, trong đó có nhiều gương mặt quen thuộc từ các mùa LHP trước, thường đến trước giờ chiếu (19 giờ) cả tiếng đồng hồ để đợi cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với những người làm phim, hoặc cùng nhau tranh luận về bộ phim đã xem từ hôm trước. Angie, giáo viên dạy ngoại ngữ tại Trung tâm Apolo (Liễu Giai, Hà Nội) hào hứng kể, cách đây 3 năm, khi mới sang Việt Nam cô đã khá bất ngờ khi biết Việt Nam có LHP dành cho phim tài liệu-thể loại phim mà cô đã rất yêu thích trong thời gian sống và học tập tại Pháp, nhất là ở LHP hội tụ rất nhiều những nhà làm phim nổi tiếng của châu Âu. “Mỗi năm đến thời gian này tôi lại hồi hộp chờ đợi được đến LHP để thưởng thức những bộ phim yêu thích của mình. Rất thú vị bởi BTC sắp xếp các đề tài phim phù hợp, cùng chủ đề giữa Việt Nam và châu Âu để khán giả có những so sánh. Tôi thích thể loại phim này bởi ở đó là những câu chuyện hấp dẫn, hình ảnh chân thực. Thật tuyệt vời khi tôi đang sống giữa lòng Thủ đô Hà Nội mà lại được trải nghiệm những nhịp đập cuộc sống của châu Âu, của đất nước Việt Nam”, Angie chia sẻ.

 Cảnh trong phim “Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài” của Việt Nam trình chiếu tại liên hoan phim. Ảnh: Đặng Linh.

Cảnh trong phim “Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài” của Việt Nam trình chiếu tại liên hoan phim. Ảnh: Đặng Linh.

Mỗi tác phẩm trình chiếu như một cánh cửa được mở ra, giúp người xem khám phá cuộc sống của những cộng đồng khác, xã hội của một đất nước khác hết sức chân thực, nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Nếu “David Hockney: Một phong cảnh mở” là một công trình kỳ công của ê kíp làm phim đến từ Anh quốc về lao động, sáng tạo nghệ thuật của người họa sĩ, thì “Flamenco, Flamenco” của Tây Ban Nha là một kỳ công khác về hậu trường sáng tạo nghệ thuật. So sánh với các nước bạn, Việt Nam có “Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài” với những nét độc đáo của truyền thống sáng tạo. “Angela Merkel-Hơn cả bất ngờ” là điểm nhấn mới không thể bỏ qua ở LHP lần này. Phim kể về hành trình của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ nhà vật lý trở thành người phụ nữ quyền lực nhất thế giới liên tiếp 13 năm qua. Theo nhận định của ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goeth tại Việt Nam, thì với cách kể chuyện thực tế, đáng tin cậy và đầy đủ thông tin, bộ phim đạt đến cấp độ mà ở Đức người ta gọi đó là một nền báo chí tốt.

Cánh cửa mở cho các nhà làm phim Việt Nam

Từ lần đầu tiên tổ chức LHP chỉ có 4 quốc gia tham dự, đến nay con số đã tăng tới 10 quốc gia; khán giả ban đầu là người làm trong nghề, nay mở rộng và tăng số lượng là sinh viên, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Như lời chia sẻ của đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó giám đốc DSF, tính nhân văn và sức mạnh động viên con người của những bộ phim tài liệu tại LHP châu Âu-Việt Nam chính là thứ “men say” khiến người xem cứ muốn quay lại. Khán giả không chỉ thấy thế giới này đa dạng mà còn thấy được nghị lực, tầm nhìn của con người nhiều quốc gia. Cùng với tính chân thực, đa chiều, thông qua các bộ phim được trình chiếu, khán giả và cả người làm nghề trong nước có dịp tiếp cận với nhiều xu hướng mới trong làm phim tài liệu, là động lực để người làm điện ảnh Việt Nam nỗ lực bứt phá, vượt thoát ra khỏi những khuôn sáo cũ.

Nếu ở những kỳ LHP trước, Việt Nam chỉ có những phim đóng khung thời gian giới hạn, phần lớn các phim đều sản xuất theo kiểu tuyên truyền, có quá nhiều lời bình, thì nay, phim của Việt Nam tham gia LHP đã có những tín hiệu đáng mừng bởi một số bộ phim tiếp cận với ngôn ngữ, phong cách làm phim của thế giới-như lời nhận xét của Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương. Theo NSND Lê Hồng Chương, một phần thành công là ở từng mùa LHP, BTC đã kết hợp tổ chức các lớp đào tạo với sự tham gia của nhiều đạo diễn nổi tiếng thế giới. Nhà làm phim Việt Nam có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, trao đổi về xu hướng làm phim… Nhưng để có những bộ phim gây tiếng vang, đi “thi đấu” được với phim của thế giới thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, từ kinh nghiệm, kịch tính câu chuyện thế nào? Nhân vật ra sao? Tất nhiên khi tiệm cận với cách làm phim của thế giới, chúng ta phải giữ và có cái riêng, nhưng các nhà làm phim phải học hỏi, vì cách làm phim của thế giới luôn biến đổi và biến đổi rất nhanh.

Đạo diễn trẻ Đặng Linh cho rằng, cô đã học được hai điều: Một là cách các nhà làm phim quốc tế kể chuyện phim chân thực, giống như đời vậy. Hai là cách họ khai thác để nhân vật bộc lộ tốt cảm xúc bản thân. Đó là những điều mà phim tài liệu của Việt Nam hiện nay làm chưa tốt. Tất nhiên, phim của châu Âu được đầu tư nhiều hơn, họ có những điều kiện tốt hơn để làm phim, cho nên có những điều nhà làm phim Việt Nam học được nhưng chưa chắc đã ứng dụng được. Làm phim tài liệu không nhất thiết phải có điều kiện tốt là làm được phim hay và ngược lại. Theo nữ đạo diễn, từ LHP cô chiêm nghiệm, rằng khi đã bắt tay vào làm phim tài liệu phải dành tâm huyết, đam mê và tình yêu với bộ phim, đi đến cùng câu chuyện, sự việc.

Cũng theo lời đạo diễn Trịnh Quang Tùng, từ những thành công của LHP tài liệu châu Âu-Việt Nam, DSF đang đẩy nhanh tiến độ phối hợp với các đơn vị công nghệ số để sản xuất và công chiếu phim tài liệu trên mạng; bên cạnh đó tập trung đầu tư sản xuất các bộ phim cập nhật đề tài được xã hội quan tâm để công chiếu ngoài rạp.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/suc-hap-dan-tu-lien-hoan-phim-tai-lieu-chau-au-viet-nam-576193