Sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư của thành phố Cảng

Trong vài năm gần đây, Hải Phòng nổi lên là địa phương có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, liên tục đứng trong tốp đầu các địa phương về thu hút đầu tư. Với sự gia tăng nhanh và lớn của dòng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Hải Phòng đã tạo lực đẩy mạnh mẽ cho kinh tế-xã hội thành phố liên tục phát triển bứt phá.

Sản xuất trong doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng.

Sản xuất trong doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ, thực hiện nhiệm vụ đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019, thành phố đã xác định mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế với ba trụ cột chủ yếu là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại. Trong đó công nghiệp công nghệ cao là trụ cột đầu tiên, quan trọng số 1 của thành phố.

Sức hấp dẫn liên tục được cải thiện

Để thực hiện mục tiêu này, Hải Phòng ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, thúc đẩy đầu tư nội địa, cũng như các thành phần kinh tế trong nước mở rộng đầu tư.

"Bằng các chỉ đạo cụ thể, quyết liệt trong giai đoạn vừa qua, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, FDI chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới…", Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định.

Bằng các chỉ đạo cụ thể, quyết liệt trong giai đoạn vừa qua, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, FDI chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới…

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu

Tập đoàn LG bắt đầu "đặt chân" vào thành phố từ năm 2014 với LG Electronics cùng số vốn 1,5 tỷ USD. Liên tục sau đó, hàng loạt các dự án đầu tư của Tập đoàn LG lần lượt chọn Hải Phòng là "bến đỗ", như: dự án LG Display cũng với tổng mức đầu tư lần đầu 1,5 tỷ USD và dự án LG Innotek với tổng mức đầu tư 500 triệu USD cùng trong năm 2016. Các năm sau đó, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn LG liên tục tăng vốn đầu tư, mở rộng nhà máy, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư hơn chín tỷ USD...

Ông Suk Myung Su, Tổng Giám đốc Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng chia sẻ, qua các dự án đầu tư trong hơn chín năm qua, Tập đoàn LG và thành phố đã hình thành mối quan hệ sâu sắc, tốt đẹp, sẻ chia, cùng trải qua các thăng trầm và cùng nhau phát triển. Thành phố và các cấp, các ngành đã nỗ lực hỗ trợ cho nhà đầu tư và Hải Phòng đã trở thành "Thành phố xứng đáng để đầu tư" đối với các doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc) Jong Hwan Koh cho biết, Hải Phòng là địa phương có cơ sở hạ tầng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, cùng với đó là cơ chế đầu tư hấp dẫn và sự quan tâm hỗ trợ từ địa phương… Đây là những nhân tố để Tập đoàn SK-tập đoàn đa quốc gia thuộc tốp đầu của Hàn Quốc chuyên về năng lượng, chất bán dẫn và công nghệ sinh học-quyết định đầu tư vào Hải Phòng.

Chỉ trong vòng ba tháng sau chuyến đi xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố Hải Phòng và ký kết các biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, liên tục các dự án đầu tư từ các quốc gia này được hiện thực hóa ngay tại thành phố Cảng.

Cuối tháng 9 vừa qua, Nhà đầu tư Ecovance.Co.Ltd (Tập đoàn SK) đã đón nhận chứng nhận đầu tư 500 triệu USD để thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao tại Hải Phòng. Đồng thời, sự kiện cũng đánh dấu việc Tập đoàn kinh tế lớn thứ 2 của Hàn Quốc "đặt chân" vào thành phố Cảng.

Cũng trong thời điểm này, Tập đoàn Kyocera - một trong những nhà sản xuất máy thiết bị văn phòng lớn của Nhật Bản - tiếp tục nâng vốn đầu tư thêm 238 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư vào nhà máy tại Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng lên 418 triệu USD là minh chứng cho thấy sự ổn định và tăng trưởng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư.

Với chủ trương dồn hết tâm sức, nguồn lực để kiến tạo và phát triển tại Hải Phòng, Tập đoàn Sao Đỏ - nhà kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp lớn đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với quy mô 1.300 ha hoàn toàn lấn biển.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Nguyễn Thành Phương chia sẻ, với sự hỗ trợ tích cực cũng như những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp, từ lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, đặc biệt là Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Tập đoàn đã hoàn thành cơ sở hạ tầng rộng gần 900 ha, thu hút được hơn 60 nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, với tổng số vốn đầu tư nhiều tỷ USD và nhiều dự án khác đang tiếp cận đầu tư, mở mang sản xuất, kinh doanh tại đây…

Với sự hỗ trợ tích cực cũng như những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp, từ lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, đặc biệt là Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Tập đoàn đã hoàn thành cơ sở hạ tầng rộng gần 900 ha, thu hút được hơn 60 nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, với tổng số vốn đầu tư nhiều tỷ USD và nhiều dự án khác đang tiếp cận đầu tư, mở mang sản xuất, kinh doanh tại đây…

Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Nguyễn Thành Phương

Lực đẩy mạnh mẽ để phát triển bứt phá

Những kết quả nêu trên đã thể hiện quyết tâm cao trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp Hải Phòng trở thành một điểm đến hấp dẫn và thành công của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong đó, thành phố đã sớm định hướng chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế, gắn phát triển sản xuất công nghiệp với phát triển cảng biển, các khu công nghiệp, hạ tầng logistics và thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc với các dự án chất lượng cao, hiệu quả.

Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Pegatron, USI, Bridgestone, Regina Miracle, Kyocera… đã lựa chọn Hải Phòng là điểm đến cho các dự án lớn. Các dự án lớn này hoạt động thuận lợi, hiệu quả lại làm nhiệm vụ dẫn dắt để mở mang phát triển, hoặc tạo sức hút các dự án vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng tiếp tục đến với Hải Phòng để hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn…

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định, lãnh đạo thành phố luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo đảm một môi trường đầu tư an toàn, an ninh, đôi bên cùng có lợi, với phương châm: "Sự thành công của doanh nghiệp, chính là sự thành công của thành phố Hải Phòng".

Với sức hấp dẫn ngày càng lớn, nhiều "đại bàng" lớn của thế giới đến "làm tổ" với các nguồn lực đầu tư tiếp tục gia tăng đã và đang trở thành động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố tăng trưởng bứt phá, góp sức đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố và đất nước.

Sau hơn chín năm có mặt tại thành phố Cảng, các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã tạo ra kim ngạch xuất khẩu hơn 50,6 tỷ USD, chiếm tới 43% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, mỗi năm đóng góp cho ngân sách 70 triệu USD, tạo việc làm cho 31 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/tháng…

Đồng thời, các dự án lớn này cũng góp phần đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ USD vào Hải Phòng. Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 với tổng số vốn đầu tư 5,23 tỷ USD. Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Phòng đạt 2,2 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 3,08 tỷ USD…

Theo Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đạt 683,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82% tỷ trọng giá trị công nghiệp toàn thành phố và góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 14,5% và luôn đứng trong top đầu của cả nước về tốc độ tăng trưởng và đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đạt 683,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82% tỷ trọng giá trị công nghiệp toàn thành phố và góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 14,5% và luôn đứng trong top đầu của cả nước về tốc độ tăng trưởng và đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên

Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng trong chín tháng của năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng vẫn ước tăng 12,47% so cùng kỳ và có thêm 2.500 doanh nghiệp được cấp mới với số vốn đăng ký hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 3,36% về số doanh nghiệp và tăng 6,77% về số vốn đăng ký.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu trong ba năm từ 2020 đến 2022 đã đạt khoảng 1,42 triệu tỷ đồng, bằng 62,4% tổng giá trị xuất khẩu trong cả 30 năm trước đó. Riêng trong năm 2022, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt 581,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 95,2% tổng giá trị xuất khẩu toàn thành phố, đứng thứ 5 cả nước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.

Trước tình hình xuất, nhập khẩu thế giới suy giảm mạnh, nhưng trong chín tháng năm 2023, Hải Phòng vẫn duy trì tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,65 tỷ USD (tương đương gần 500 nghìn tỷ đồng), tăng 0,58% so cùng kỳ…

Sản xuất, kinh doanh phát triển, nguồn đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng gia tăng mạnh mẽ. Chỉ tính trong ba năm từ 2020 đến 2022, số đóng góp cho ngân sách trong lĩnh vực này đã đạt gần 45 nghìn tỷ đồng, bằng 54% tổng thu ngân sách của cả giai đoạn 30 năm (từ 1993 đến nay) cộng lại.

Cùng với đó, việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh cũng tạo việc làm cho gần 200 nghìn lao động, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa của thành phố Cảng.

Để Hải Phòng đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là động lực phát triển của vùng, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thành phố cần phải có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Trong đó, Hải Phòng cần tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh và hình thành các khu công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, định hướng phát triển khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng mà thành phố đang dự định với hạt nhân là khu thương mại tự do để khai thác thế mạnh của kinh tế biển cũng là hướng đi mới, mạnh dạn, có tầm nhìn, phù hợp với xu thế phát triển.

Tính đến tháng 9/2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có sự hiện diện của hơn 400 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký hơn 25,7 tỷ USD và hơn 200 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký gần 13,3 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong chín tháng của năm 2023, Hải Phòng đã tạo lực hút hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI, vượt gần 30% và về đích trước ba tháng so kế hoạch cả năm 2023.

(Nguồn Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/suc-hap-dan-tu-moi-truong-dau-tu-cua-thanh-pho-cang-post776455.html