Sức hút của Cách mạng Tháng Tám

'Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có sức hút mạnh mẽ đối với các giai tầng trong xã hội, tạo thành cao trào và sức mạnh to lớn dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam'-ông Ngô Thành, sinh năm 1927, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã khẳng định như vậy khi trò chuyện với chúng tôi.

Là người được giác ngộ cách mạng từ lúc 14 tuổi và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), ông Ngô Thành lý giải: “Sức hút đó nằm ở sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khôn khéo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, đồng thời chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc. Nhờ đó, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được nhân lên gấp bội, tiến hành tổng khởi nghĩa thành công trong thời gian ngắn”.

 Ông Ngô Thành, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.

Ông Ngô Thành, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.

Theo ông Ngô Thành, nhận định đó được minh chứng rõ nét thông qua phong trào khởi nghĩa giành chính quyền của quần chúng nhân dân ở tỉnh Gia Lai. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Gia Lai tổ chức đảng chưa được thành lập, nhưng đã có đảng viên hoạt động, tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, giác ngộ, tập hợp quần chúng nhân dân. Từ tháng 4 đến tháng 6-1945, các tổ chức đoàn thanh niên ở thị xã Pleiku, huyện An Khê, thị trấn Cheo Reo được thành lập đã thu hút đông đảo thanh niên trí thức, công chức, học sinh, công nhân, nông dân tham gia hoạt động.

Ngày 20-8-1945, Đoàn Thanh niên An Khê và quần chúng nhân dân nổi dậy chiếm đồn Bảo an và huyện lỵ, buộc binh lính địch giao nộp vũ khí, huyện trưởng bàn giao huyện đường. Ngày 22-8-1945, ở thị xã Pleiku bắt đầu nổ ra các cuộc biểu tình, mít tinh,... cho đến rạng sáng 23-8-1945, nhiều đoàn biểu tình từ các nơi kéo về thị xã Pleiku, phối hợp cùng lực lượng tại chỗ với trang bị gậy gộc, giáo mác, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến vào trung tâm thị xã. Đó là một cuộc biểu dương lực lượng cách mạng chưa từng có ở Pleiku, với trên một vạn quần chúng tham gia. Và chỉ trong một ngày, lực lượng cách mạng đã làm chủ, kiểm soát toàn bộ cơ quan quân sự, hành chính, đồn điền, công sở khu vực thị xã Pleiku. Sức hút của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhanh chóng lan tỏa đến những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí thấp và hơn một tuần, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên toàn tỉnh Gia Lai. Hệ thống chính quyền tay sai thực dân, phong kiến bị xóa bỏ hoàn toàn, chính quyền cách mạng bước đầu được thành lập.

“Trong điều kiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa có tổ chức đảng và Việt Minh lãnh đạo, nhưng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn diễn ra sôi nổi, kịp thời, mạnh mẽ và giành thắng lợi là điều hết sức đặc biệt. Nó cho thấy đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng đã thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân và sự linh hoạt, sáng tạo của tỉnh Gia Lai”- ông Ngô Thành khẳng định.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/suc-hut-cua-cach-mang-thang-tam-632061