Sức hút của dòng phim dựa trên vụ án có thật

'Nữ luật sư' là bộ phim truyền hình hiếm hoi khai thác về án oan. Tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết 'Lật án tử hình' của nhà văn Lại Văn Long, lấy cảm hứng từ hai vụ án oan từng gây rúng động dư luận. Chất liệu có thật luôn là cục nam châm lôi cuốn khán giả đến với dòng phim tâm lý hình sự.

Lên sóng SCTV14 ngày 5/5, “Nữ luật sư” được coi như phần 4 của series phim “Hồ sơ lửa” (dự kiến kéo dài hơn 1.000 tập) đã tạm ngưng phát sóng sau phần 3 “Tử thi lên tiếng” hồi năm 2017. Phim xoay quanh hành trình tìm lại công lý của luật sư Kim Kiều và chồng - nhà báo Thái Trung cho anh nông dân nghèo Huỳnh Thổ.

Huỳnh Thổ mang hai án tử hình oan. Một án buộc tội Huỳnh Thổ giết bà cụ Thị cùng xóm để cướp hai chỉ vàng. Án cũ chưa giải oan được, anh lại bị tòa tuyên thêm tội giết bà Thơm đã chết hai năm trước. Với tội giết bà Thơm, cả gia đình vợ Huỳnh Thổ gồm tám người cũng bị bắt nhốt vào tù. Cha già 90 tuổi của Huỳnh Thổ đau đớn khóc than đến mù mắt. Hai đứa con nhỏ của anh không có người chăm nom, nuôi nấng đành phải bỏ học, dắt díu nhau đi ăn xin kiếm tiền nuôi ông nội và sống lay lắt qua ngày.

Một cảnh trong phim “Nữ luật sư”.

Một cảnh trong phim “Nữ luật sư”.

Bằng trái tim nóng đứng về lẽ phải, Kim Kiều luôn dùng lý trí và các khe hở, sai trái trong quá trình tố tụng của vụ án Huỳnh Thổ để giải oan cho anh và những người thân liên quan. Phía chiến tuyến của Thái Trung cũng truy bắt được những kẻ giết người thực sự và phá vỡ được liên minh ma quỷ giữa gã điều tra viên biến chất Ba Kỳ và tên trùm xã hội đen Hai Nâu.

Phim do NSND Trọng Trinh đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của hai miền Nam Bắc như: NSƯT Kim Tuyến, NSƯT Ngọc Quỳnh, Doãn Quốc Đam, Trung Dũng, NSND Lan Hương… Dễ dàng nhận thấy hai vụ án oan mà nhân vật Huỳnh Thổ phải gánh chịu được xây dựng từ hai vụ án oan có thật của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén.

“Nữ luật sư” góp thêm vào không khí nhộn nhịp của dòng phim tâm lý hình sự trên màn ảnh nhỏ lẫn trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến trong thời gian gần đây. Được bàn luận sôi nổi nhất có loạt phim ấn tượng như "Kẻ sát nhân cô độc" phần 2, “Lệnh truy nã”, “Đội trọng án”, “Mất tích đêm 30”, “Biệt dược đen”… Trong số đó, số phim có kịch bản xây dựng dựa trên vụ án có thật chiếm số lượng áp đảo.

“Mất tích đêm 30” lên sóng nền tảng Galaxy Play vào dịp Tết Giáp Thìn. Tác phẩm trinh thám, tâm lý hình sự của đạo diễn Hàm Trần lấy đề tài từ vụ bắt cóc, sát hại nữ sinh giao gà ở Điện Biên từng gây chấn động dư luận năm 2019. Mỗi tập phim là một góc nhìn của người trong và ngoài cuộc, đạo diễn muốn người xem trải nghiệm toàn bộ sự việc kinh hoàng một cách chân thực và đa diện.

Cũng khai thác một vụ án tang thương, “Container 39” do Trần Ka My đạo diễn đi sâu vào bi kịch của 39 người Việt tử nạn trong thùng xe container tại Anh. Trước đó, “Đội điều tra số 7” phần 1 của Điện ảnh Công an nhân dân tái hiện vụ triệt phá đường dây ma túy của ông trùm Văn Kính Dương năm 2021 và vụ giải cứu em bé người Nhật năm 1999…

“Đứa con” của đạo diễn Mai Hồng Phong nhận nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn không chỉ bởi nội dung hấp dẫn, bám sát thời sự mà còn nhờ những pha vây ráp, rượt đuổi tội phạm chân thực, nghẹt thở. Có được hiệu ứng như vậy là vì các cảnh hành động cháy nổ, vây bắt trong phim đều diễn ra thật 100%, đem lại hiệu quả mãn nhãn cho người xem.

Những vụ án gây xôn xao dư luận luôn là chất liệu dồi dào và đầy hấp lực với người làm phim. Trước hết, phim thu hút một lượng khán giả nhất định khi họ tò mò muốn biết vụ án ấy được khai thác trên phim như thế nào. Thực tế, số phim lấy cảm hứng từ những vụ án có thật như “Chạy án”, “Sinh tử”, “Đấu trí”, “Mật danh D9”… đều có sức hút lớn với công chúng. Khán giả muốn xem cái thật ấy “thật” trên màn ảnh đến đâu. Nhà văn Lại Văn Long tâm sự: "Bộ phim “Nữ luật sư” bước ra từ một câu chuyện người thật việc thật từng xôn xao dư luận một thời, nên mọi tình tiết đều diễn ra tự nhiên, hoàn toàn không gượng ép, tạo cảm xúc thật cho cả người viết, lẫn người xem”.

Điều quan trọng, bộ phim không phải là nơi mô phỏng lại vụ án đơn thuần kèm với lời giáo huấn nặng nề mà thông qua nghệ thuật thứ bảy, ekip sản xuất thể hiện và truyền tải được điều gì đằng sau vụ án đó? Đạo diễn Hàm Trần cho biết khi bắt tay bấm máy “Mất tích đêm 30”, ông không chủ ý xoáy sâu vào cảnh bạo lực hay tội ác nhằm tránh khơi lại nỗi đau của người trong cuộc.

“Chúng tôi lấy sự kiện trên làm đề tài để đi tìm lời đáp cho câu hỏi "Tại sao chuyện đau lòng này có thể xảy ra?". Dù đây là câu chuyện buồn nhưng lại nhắc nhở chúng ta về tình yêu của gia đình, tình mẫu tử thiêng liêng. Khi có bất cứ khó khăn nào, mọi người hãy chia sẻ với gia đình của mình để cùng nhau vượt qua, thay vì che giấu nhau đến lúc không thể nào sửa chữa được nữa. Mọi ăn năn, hối hận cũng đều muộn màng"- ông chia sẻ.

Phim “Mất tích đêm 30” khai thác vụ bắt cóc nữ sinh giao gà ở Điện Biên.

Phim “Mất tích đêm 30” khai thác vụ bắt cóc nữ sinh giao gà ở Điện Biên.

Không chỉ dừng lại ở việc điều tra phá án đầy kịch tính, dòng phim hình sự ngày nay tập trung khai thác tâm lý nhân vật ở cả phe chính diện lẫn phản diện, lý giải động cơ gây án của kẻ thủ ác, mổ xẻ bản chất vụ án, đồng thời đưa ra bài học chiêm nghiệm cho người xem. Vào vai bà mẹ với nội tâm giằng xé, che giấu quá khứ đen tối trong “Mất tích đêm 30”, diễn viên Kiều Trinh cho biết chị không thôi ám ảnh. Người ta vừa thương vừa trách bà mẹ, người vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm gián tiếp gây nên cái chết tức tưởi của con gái mình.

Hay như vụ bắt cóc con tin trong “Đội điều tra số 7”, cậu gia sư trẻ do diễn viên Trần Nghĩa thủ vai vốn là một chàng trai hiền lành, tốt bụng. Anh yêu thương cô em gái vô bờ. Nhưng bị bọn tín dụng đen dồn ép, khủng bố bằng cách tấn công em gái, anh đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Nói như NSND Trọng Trinh, phải làm sao để tất cả nhân vật trong phim lột tả được hết cảm xúc, truyền tải đến khán giả những gì nghệ thuật nhất nhưng phải đời để khán giả tin vào câu chuyện.

Dù là thể loại hút khách nhưng thách thức với dòng phim này không nhỏ. Lấy cảm hứng từ “câu chuyện có thật” nhưng không phải cái gì ở thực tế cũng bê tất tần tật lên màn ảnh bởi dễ làm tổn thương người trong cuộc hay vô tình làm lộ nghiệp vụ ngành Công an… Ngoài ra, kịch bản phải cập nhật nhanh nhạy các vấn đề thời sự để đảm bảo không lạc quẻ.

Tại buổi họp báo ra mắt phim “Nữ luật sư” ở TP Hồ Chí Minh, biên kịch Châu Thổ cho hay: "Tiểu thuyết “Lật án tử hình” khốc liệt lắm. Tôi quyết định sử dụng cốt truyện nhưng phải làm lại mọi thứ cho nhẹ đi. Tôi cũng dự tính và cam kết hai ngày có thể hoàn thành một tập phim. Tuy nhiên, tiến độ liên tục kéo giãn vì so với câu chuyện trong tiểu thuyết gốc, khía cạnh pháp lý, pháp luật bây giờ đã có rất nhiều thay đổi. Quá trình viết, tôi phải nhờ các kiểm sát viên cao cấp tư vấn để đảm bảo chính xác”.

Đạo diễn, NSND Trọng Trinh cũng thừa nhận: "Dù tôi đã làm nhiều phim cùng đề tài nhưng “Nữ luật sư” được triển khai từ những câu chuyện có thật và mang tính thời sự nên để thực hiện được bộ phim ra đúng chất của nó vô cùng khó, nếu muốn giữ trọn vẹn nội dung câu chuyện muốn truyền tải".

Điểm yếu cốt tử ở dòng phim này vẫn là việc bám đúng nghiệp vụ Công an nhưng không được làm “lộ bài”. Trừ phim của ngành, không ít đạo diễn không am hiểu nghiệp vụ nên những cảnh vây bắt tội phạm, lấy cung… của Công an ở nhiều phim “trật lất”. Cảnh sát dẫn quân đi bắt nhóm tội phạm khét tiếng, có vũ khí nóng nhưng chỉ lèo tèo hai, ba người mặc thường phục. Điều đáng mừng là điểm hạn chế này dần được các nhà làm phim khắc phục nhờ vào dàn cố vấn là người trong ngành, từ đó ngày càng nhiều thước phim hấp dẫn, cuốn hút ra đời, phục vụ yêu cầu khắt khe của khán giả.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/suc-hut-cua-dong-phim-dua-tren-vu-an-co-that-i731472/