Những tựa sách ấn tượng vừa ra mắt

Từ các tiểu thuyết có trí tưởng tượng phong phú, phản ánh một góc nhìn mới về Thế chiến thứ hai và cuộc sống của cộng đồng người Mexico ở Mỹ cho đến các tác phẩm nghiên cứu về tranh luận xã hội, cách vải vóc – trang phục làm thay đổi lịch sử nhân loại… Sau đây là 5 tựa sách ấn tượng trong tháng 5 vừa qua.

Đời ai nấy chết – Hans Fallada

Tác phẩm xoay quanh cặp vợ chồng Quangel - những người sau khi con trai chết trận thì bỗng nhận ra sự vô nghĩa của chiến tranh và thói đạo đức giả của người đứng đầu Đế chế thứ 3 - từ đó đã viết những tấm bưu thiếp kêu gọi mọi người thức tỉnh rải khắp Berlin. Lúc này Gestapo vào cuộc, truy lùng ráo riết ai là người viết. Qua hành trình ấy, có người hiểu được thế giới mà mình đang sống, nhưng cũng có người cứ mãi đắm chìm vào bàn cờ quyền lực, không thể thoát ra.

Đời ai nấy chết được đánh giá là một trong những tác phẩm đầu tiên viết về công cuộc chống Đức Quốc xã của nhân dân Đức. Ảnh: Minh Anh

Đời ai nấy chết được đánh giá là một trong những tác phẩm đầu tiên viết về công cuộc chống Đức Quốc xã của nhân dân Đức. Nó đã tái hiện không khí ngột ngạt của Berlin vào thời điểm mà những sự chỉ điểm cũng như lo sợ đang dần bao trùm. Bằng hệ thống nhân vật to lớn, giàu cá tính và được kiểm soát tài tình, Hans Fallada đã viết về những ngày buồn của công lý, của những người công chính và cả sự điên loạn của giai đoạn ấy. Tuy vậy ông cũng không quên ánh sáng nhân văn, từ đó gửi gắm niềm hy vọng dẫu là ít ỏi.

Sách do Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn ấn hành, Hoàng Đăng Lãnh chuyển ngữ, dày 700 trang, giá bìa 380.000 đồng.

Ăn mặc – Sofi Thanhauser

Trong khi hiện vật làm từ kim loại có thể tồn tại đến hàng nghìn năm, thì vải vóc và các chất liệu hữu cơ không được như thế, do đó việc lần tìm về lịch sử của ăn mặc, trang phục, vải vóc là điều bất khả. Hiểu được điều đó, tác giả Sofi Thanhauser đã rất nhạy bén để chuyển chủ đề sang cách trang phục đã làm biến đổi dòng chảy lịch sử cũng như ngược lại.

Qua các chất liệu đại diện cho từng chặng đường lịch sử là vải lanh, vải bông, vải lụa, sợi tổng hợp và vải len, Thanhauser đã cho ta thấy hóa ra những thứ ta khoác lên mình có sức tác động nhiều hơn ta tưởng.

Qua Ăn mặc, Thanhauser đã cho ta thấy hóa ra những thứ ta khoác lên mình có sức tác động nhiều hơn ta tưởng. Ảnh: Minh Anh

Bằng các chuyến đi thực địa tiếp xúc với các doanh nhân, doanh nghiệp địa phương, người bản địa… cũng như tài liệu của các triết gia và nhà khoa học trên khắp thế giới… cô đã dẫn dắt người đọc đi dọc dòng chảy lịch sử, từ chế độ nô lệ gắn với vải bông đến thời kỳ giao thương của vải lụa, thời công nghiệp hóa, sản xuất hàng loạt của sợi tổng hợp và rồi trở về hoài cổ với vải len.

Qua đó, những bí mật ẩn giấu về cách mà phụ nữ bị phân biệt đối xử cũng như đứng lên giành lại tiếng nói, cách các cường quốc tiến hành chi phối các quốc gia nhỏ bằng việc xây dựng các khu chế xuất hay ảnh hưởng môi trường từ việc sản xuất sợi tổng hợp… đã có cơ hội hiện lên khác biệt.

Sách do Phanbook và NXB Dân trí ấn hành, Nguyễn Hữu Minh Đăng chuyển ngữ, dày 428 trang, giá bìa 335.000 đồng.

Piranesi - Susanna Clarke

Đoạt giải Women’s Prize cho tác phẩm hư cấu vào năm 2021, Piranesi là tác phẩm thứ hai ra mắt sau gần hai thập kỷ kể từ tác phẩm đầu tay của nữ văn sĩ Susanna Clarke. Nó đưa người đọc vào thế giới giả tưởng của một vụ trụ song song, nơi có những sảnh đường, hành lang, cầu thang… nối nhau đến vô cùng.

Piranesi – nhân vật chính – là một trong hai người duy nhất sinh sống ở đây. Anh chép lại bản đồ sao, đánh dấu những cơn thủy triều… để phục vụ cho người còn lại – một người khao khát tìm thấy trí khôn vĩ đại cổ xưa. Liệu anh đang sống trong thế giới mộng mơ hay bị giam cầm như một nô lệ?

Với Pirasesi, Susanna Clarke đã tôn vinh cái thiện, cái đẹp và cái hồn nhiên trước lòng tham quyền lực và sự ích kỷ. Ảnh: Minh Anh

Với Piranesi, Susanna Clarke đã tạo nên một không gian đậm đặc phép màu tương tự như các tác phẩm của Diana Wynne Jones, J.L. Borges, C.S.Lewis… hay các nghệ sĩ Giovanni Battista Piranesi, M.C. Escher… Qua đó bà đã tôn vinh cái thiện, cái đẹp và cái hồn nhiên trước lòng tham quyền lực và sự ích kỷ. Tác phẩm cũng kết nối với câu chuyện của cá nhân bà, khuyến khích sức mạnh và lòng dũng cảm để vượt lên trên thử thách và nghịch cảnh.

Sách do 1980 Novel và NXB Thanh Niên ấn hành, Eva La Lune chuyển ngữ, dày 332 trang, giá bìa 169.000 đồng.

Ngôi nhà trên phố Mango – Sandra Cisneros

Được xem là tác phẩm kinh điển của văn chương Chicano (người Mỹ gốc Mexico), Ngôi nhà trên phố Mango là tác phẩm mang nhiều tính chất tự truyện của Sandra Cisneros. Cuốn sách xoay quanh cô bé Esperanza 12 tuổi, người sinh sống ở California trong khu vực nhập cư của những người Puerto Rico, Tây Ban Nha… Ngay từ rất nhỏ, cô đã chứng kiến những sự phân biệt đối xử chỉ vì màu da, giai cấp cũng như giới tính. Song song cùng đó, câu chuyện của tuổi trưởng thành cũng được khắc họa với nhiều cạm bẫy cũng như khao khát mang tính bản năng.

Ngôi nhà trên phố Mango phơi bày những thiếu sót của xã hội còn nặng định kiến nhưng cũng khẳng định sức mạnh nội tại. Ảnh: Minh Anh

Suốt nhiều thập kỷ, tác phẩm nói trên đã không ngừng được ngợi ca, đánh giá, phân tích cũng như đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường học. Bằng ngôn ngữ nên thơ, cách kể chuyện chân thật và những suy ngẫm sâu sắc, nó vừa phơi bày những thiếu sót của một xã hội còn nặng định kiến nhưng cũng góp phần khẳng định sức mạnh nội tại của lòng quyết tâm và sự cố gắng vươn lên nghịch cảnh.

Sách do Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành, Nguyễn Bích Lan & Hoàng Thục Anh chuyển ngữ, dày 160 trang, giá bìa 98.000 đồng.

Đừng như con ếch lên dây cót – Nguyễn-Kim Mai Thi

Là tiến sĩ hóa học người Đức gốc Việt, trong những năm qua, Nguyễn-Kim Mai Thi đã được ca ngợi như người mang khoa học đến gần hơn với đại chúng qua kênh Youtube MAITHINK X và các chương trình trên truyền hình Đức. Đừng như con ếch lên dây cót là cuốn sách nói về mẫu số chung nhỏ nhất của tranh luận trong thế giới của mạng xã hội và trên Internet.

Theo tác giả, tranh luận trên không gian mạng hiện nay rất thiếu lý lẽ, chỉ là tranh cãi vụn vặt, có hướng chia rẽ do thiếu các nền tảng khoa học, dẫn đến những người sử dụng thường nhảy bổ vào nhau như những con ếch bị kẹt dây cót.

Một khi nhận biết được các thiếu sót của nghiên cứu khoa học thì các tranh cãi mới mang tính chất phản biện, đóng góp, xây dựng. Ảnh: Minh Anh

Một khi nhận biết được các thiếu sót của nghiên cứu khoa học thì các tranh cãi mới mang tính chất phản biện, đóng góp, xây dựng. Ảnh: Minh Anh

Vì vậy, qua 9 chương sách là 9 vấn đề tương đối nổi trội gồm tính hợp pháp của chất kích thích, bình đẳng giới, đạo đức của việc thí nghiệm trên động vật hay mối quan hệ giữa bạo lực và trò chơi điện tử, phân biệt chủng tộc… cô đã làm rõ những thiếu sót của các nghiên cứu khoa học, từ đó hướng độc giả đến việc tranh luận dựa trên phương pháp và dữ liệu khoa học. Một khi nhận biết được các thiếu sót của nghiên cứu khoa học, thì các tranh cãi mới mang tính chất phản biện, đóng góp, xây dựng… giúp hình thành những cuộc tranh luận có chất lượng, góp phần làm rõ vấn đề xã hội mắc phải.

Sách do Phanbook và NXB Thế giới ấn hành, nhóm các nhà khoa học gốc Việt chuyển ngữ, dày 380 trang, giá bìa 349.000 đồng.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-tua-sach-an-tuong-vua-ra-mat-43914.html