Sức hút di sản kiến trúc trong lòng đô thị
Hà Nội có những công trình kiến trúc tạo ra một khối di sản đồ sộ, làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự đánh giá đúng và đủ giá trị kinh tế của di sản đô thị thì mới có thể đề ra chiến lược đầu tư bài bản và hiệu quả cho công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở hiện tại và tương lai.
Là một đô thị cổ giàu truyền thống văn hóa, Hà Nội có hệ thống di sản đô thị rộng khắp, trong đó nổi bật là các công trình kiến trúc như biệt thự cổ, nhà cổ, khu phố Pháp… Bên cạnh khai thác các di sản văn hóa, nhiều năm qua, những công trình kiến trúc có giá trị cũng được bảo tồn và khai thác, trong đó có những công trình trở thành điểm đến nổi bật.
Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, những ý tưởng sáng tạo tại các di sản kiến trúc của Hà Nội đã gợi mở những tiềm năng, cơ hội để góp phần phát huy giá trị di sản và mang lại giá trị kinh tế cho thành phố. Điển hình như tổ hợp triển lãm cảm thức Đông Dương với việc ứng dụng công nghệ ánh sáng, video art, 3D mapping... đã khiến tòa nhà kiến trúc Đông Dương (19 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm) trở thành một địa điểm sáng tạo nghệ thuật, giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ và đầy thú vị.
Hay như Cung Thiếu nhi Hà Nội, địa chỉ này được xem là "trái tim" của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên tại Thủ đô; mang đến những hoài niệm và gợi mở tương lai.
Không chỉ tòa nhà Đại học Tổng hợp, Cung Thiếu nhi Hà Nội mà các công trình di sản kiến trúc tiêu biểu được lựa chọn trong không gian tuyến “Giao lộ sáng tạo” của Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bắc Bộ Phủ… cũng có những cách làm rất sáng tạo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Sức hút của các công trình kiến trúc của Hà Nội đã cho thấy thành phố cần có những cách thức để tạo sức hấp dẫn, phát huy giá trị di sản. Nếu thích ứng tốt với xã hội đương đại, di sản sẽ có vai trò thu hút du lịch, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng, tận dụng sự sáng tạo của mọi tầng lớp trong xã hội.
KTS Nguyễn Quốc Tuân (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết, các giai đoạn kiến trúc hình thành và phát triển tạo thành dòng chảy liền mạch, trong đó mỗi thời kỳ có những giá trị riêng, độc đáo, đóng góp vào bức tranh chung của Hà Nội, tạo nên sự đa dạng cho vẻ đẹp thành phố. Trong đó, mảng di sản công nghiệp và di sản kiến trúc thời bao cấp lâu nay đang ít được để ý so với kiến trúc Đông Dương. Vì vậy, các di tích này cần sớm được quan tâm, có giải pháp bảo tồn và khai thác đúng giá trị.
Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, vấn đề bảo tồn các di sản kiến trúc được đặt ra đến nay đã 30 năm nhưng gần đây mới có cách nhìn nhận và thấy được giá trị. Khi khai thác, tùy từng công trình sẽ đưa vào những nội dung phù hợp để không ảnh hưởng đến giá trị di tích, tạo ra những thông điệp, yếu tố sáng tạo của các nghệ sĩ để công chúng hiểu, trân trọng, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
“Các không gian này có rất nhiều giá trị về kiến trúc, nghệ thuật mà cha ông đã để lại nhưng chưa được nhiều người tiếp cận. Chúng tôi đã cùng với các nhóm văn nghệ sĩ tìm ra nội dung sáng tạo cho từng công trình mà không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Những công trình tiêu biểu như Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, Trung tâm Nghệ thuật 22 Hàng Buồm... sẽ trở thành điểm đến kết nối du khách trong thời gian tới” - ông Long cho biết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/suc-hut-di-san-kien-truc-trong-long-do-thi-10295161.html