Sức hút du lịch trải nghiệm những mô hình nông nghiệp sạch
Không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh đang có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài tỉnh, mở ra tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm. Qua đó, đã tạo động lực thúc đẩy nhiều nông dân năng động chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang kết hợp với dịch vụ du lịch, mang lại giá trị kinh tế cao.
Từ Thủ đô Hà Nội đến một nông trại trồng dưa lưới sạch ở thôn Cẩm La, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ chạy xe, nên cả gia đình chị Trần Thị Thúy Hằng đã có một chuyến du lịch trải nghiệm đáng nhớ sau những ngày ở nhà tránh dịch nhàm chán.
Chị Hằng chia sẻ: “Quê tôi ở xã Liên Châu, huyện Yên Lạc nhưng hai vợ chồng sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Nhịp sống hối hả ở thành phố và gánh nặng mưu sinh đôi lúc khiến chúng tôi cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi, con cái thì bị bó hẹp trong những không gian nhỏ, cộng với thời gian nghỉ dịch lâu nên khá buồn chán.
Tôi được bạn bè giới thiệu đến nông trại dưa sạch ở Hồng Châu có cho khách tham quan trải nghiệm nên đã tổ chức về quê thăm ông bà và đưa cả gia đình du lịch trải nghiệm 1 ngày.
Các con tôi được tận hưởng không khí trong lành của đồng quê và khám phá quy trình để trồng ra được trái dưa, được tận tay thu hoạch và thưởng thức nên các cháu rất hào hứng và thích thú, tôi thấy các con học được nhiều điều qua việc trải nghiệm thực tế như vậy”.
Nông trại sạch của anh Hồ Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Vườn Xanh ở thôn Cẩm La, xã Hồng Châu cũng là địa chỉ thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tới thăm quan, trải nghiệm.
Với diện tích 2.000m2 nhà màng thiết kế tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, có hệ thống làm mát, điều chỉnh nhiệt độ, giảm thiểu tác động của môi trường, nông trại của anh Thành chủ yếu cung cấp dưa lưới Ichiba Nhật Bản, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột, dưa leo baby…
Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc cung cấp ra thị trường hàng chục tấn quả đảm bảo chất lượng, được khách hàng đánh giá cao thì nông trại của anh đã đón tiếp hàng trăm lượt người về tham quan, trải nghiệm.
Anh Thành chia sẻ: "Thời gian vừa qua, tôi thấy khách hàng nào đến nông trại cũng đều rất thích thú, tò mò và muốn tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm cuộc sống của nhà nông, nhất là các em nhỏ. Vì vậy, ngoài các loại dưa chủ đạo thì mới đây tôi đã trồng thử nghiệm 300 gốc dâu tây để đa dạng các sản phẩm tại nông trại và dự kiến sắp tới sẽ mở rộng quy mô lên 5.000m2".
Tuy mới trồng và cho thu hoạch 1 vụ đầu tiên nhưng nông trại nho hạ đen của bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Núc Hạ, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và cũng đang là địa chỉ “hot” đối với nhiều du khách.
Trước đây, trang trại 1,5ha của gia đình bà Hương chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống nên chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tháng 2/2021, sau khi tham quan các mô hình trồng nho hạ đen, bà Hương cùng gia đình quyết định mua gần 900 gốc nho hạ đen về trồng.
Tuân thủ nghiêm quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, nho tại nông trại của bà Hương có độ giòn và ngọt cao, nhờ vậy, được tiểu thương tới thu mua tận nơi. Bà Hương chia sẻ, nhiều khi không có hàng để bán vì nho chín đến đâu là hết đến đó.
Không chỉ tiểu thương, vườn nho của gia đình bà được các khách hàng lẻ truyền tai nhau đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh và tận tay hái nho, mua sản phẩm tại vườn.
Nhận thấy việc phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sẽ là hướng đi lâu dài và bền vững khi nhu cầu về du lịch trải nghiệm của khách hàng khá lớn, bà Hương và gia đình dự định sẽ mở rộng thêm diện tích vườn nho, đồng thời cải tạo khu vườn để hướng tới trở thành một điểm du lịch sinh thái trải nghiệm câu cá, hái nho, thưởng thức ẩm thực cho du khách.
Hiện nay, các mô hình nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn mở ra tiềm năng lớn cho ngành du lịch khi xu hướng muốn gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông trong những năm gần đây ngày càng lớn.
Vì vậy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch đang thực sự là một hướng đi phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Nhờ đó, thay vì chỉ đơn thuần đầu tư sản xuất, vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm thì nay người nông dân đã năng động chuyển đổi cách thức bằng việc kết hợp cho khách hàng tới tận nơi tham quan, trải nghiệm, mua sản phẩm.
Đó cũng là cách marketing hiệu quả cho nông sản của mình và góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Đồng thời, tạo động lực khuyến khích các nông hộ trên địa bàn tỉnh học tập về cách làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với thị trường để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.