Sức hút khó cưỡng của phim Việt về giới siêu giàu: Drama sướng mắt, thỏa mãn tâm lí hiếu kì về đời sống thượng lưu?
Những năm gần đây, điện ảnh Việt rất hay xuất hiện những bộ phim kể về giới 'siêu giàu', siêu thượng lưu khoe tiền bạc, của cải. Có lý do nào cho trào lưu này?
Thế gian này có những người giàu, hoặc siêu giàu, là điều mà ai cũng biết. Họ có bộ tóc kiểu cách, hàm răng đều tăm tắp và trắng bóc, tủ quần áo có khi còn to hơn cái nhà tiêu chuẩn. Họ lái xe xịn, sống căn hộ hạng sang hoặc hơn nữa thì dinh cơ, biệt phủ, không mấy khi phải làm lụng hoặc có đi làm thì cũng ngang với đi chơi. Họ sống một cuộc đời lý tưởng.
Câu chuyện về tầng lớp thượng lưu của xã hội giờ đây vượt qua cả dăm ba mẩu chuyện, mẩu tin thỉnh thoảng trôi nổi trên mạng. Những năm gần đây, chủ đề về thế giới high-society (tầng lớp giàu có quyền lực) đang dần trở thành một thứ “gia vị” được sử dụng nhiều trong điện ảnh nước nhà.
Điểm chung của phần lớn những bộ phim như vậy đều là chúng rất thành công về mặt doanh thu. Chưa bao giờ những câu chuyện về người giàu lại được yêu thích và “phim hóa” nhiều đến thế, đặc biệt là khi họ drama nảy lửa, ghét nhau đến cháy váy cháy quần. Vì sao chúng ta lại thích nhìn người giàu gây gổ với nhau trên phim như vậy?
Hình thái xã hội tiêu dùng với nhu cầu hưởng thụ cao ngút
Lý giải cho sự quan tâm của khán giả Việt đối với những câu chuyện “drama thượng lưu”, có thể nhắc đến hình thái “xã hội tiêu dùng”. Nghe có vẻ khá là lý thuyết và khô khan, nhưng đây là một xã hội đề cao yếu tố tiêu dùng cũng như các hoạt động tiêu thụ, mua sắm, vui chơi giải trí. Cùng với trào lưu toàn cầu hóa, chủ nghĩa tiêu thụ, tận hưởng hết nấc cũng ngày càng trở nên phổ biến.
Forbes Việt Nam đưa tin, 3/4 số người thế hệ Millenials giờ đây chuộng chi trả cho các trải nghiệm hơn là sở hữu vật chất (ví dụ đi taxi thay vì mua ô tô, hoặc dùng tiền tiết kiệm để du lịch, đi ăn thay vì mua nhà như các thế hệ cũ). Được củng bố bởi quảng cáo và marketing, xã hội tiêu dùng góp phần thúc đẩy nguồn cơn tâm lý sống hưởng thụ, hưởng lạc nghe qua thì rất "chill", rất sành điệu. Tuy nhiên, mặt trái đáng quan ngại của nó là con người dễ chạy theo cuộc đua của sự giàu sang. Nhiều giá trị của đời sống cũng bị thay thế bằng các tiêu chuẩn về phú quý, thịnh vượng vật chất. Chính vì vậy, chủ nghĩa tiêu thụ cùng với sự nóng lên toàn cầu chính là 2 điều được Liên Hợp Quốc đặt ngang hàng về mức độ hiểm họa.
Sự tò mò của công chúng về lối sống của giới lắm tiền, nhiều quyền cũng là lý do không nhỏ khiến họ sẵn sàng bỏ tiền để xem các bộ phim điện ảnh xa hoa, thuật lại phong cách ăn chơi sướng cả mắt. Điển hình là Gái Già Lắm Chiêu 3 đã ôm trọn 165 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu.
Nỗi hiếu kì về giới thượng lưu và sự thú vị khi tìm vạch lá tìm... "lỗi của người giàu"?
Nếu không phải vốn đã thuộc giới “siêu giàu” giống như ở trên phim, thì hẳn ai cũng tò mò về tầng lớp thượng lưu bí ẩn của xã hội. Chúng ta muốn biết họ đóng vai trò gì, làm nghề gì để giàu được như vậy. Về điều này, phim ảnh Việt ít khi nào đưa ra một lời giải thích cụ thể mà thường hay dựa vào lý do “dòng tộc khủng” hay nhân vật làm giám đốc, chủ tịch tập đoàn.
Hơn hết thảy, nhiều người cũng chú ý tới cái “lỗi”, cái vấn đề của giới siêu giàu và so sánh điều đó với chính bản thân mình - theo ý kiến của trang Refinery29. Hội bạn thân trong Tiệc Trăng Máu dù đều thành đạt, giàu có thì lại cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì vấn đề “chán cơm thèm phở”, nợ nần nói dối. Mẹ Chồng, Gái Già Lắm Chiêu 3 hay sắp tới đây là Gái Già Lắm Chiêu 5 đều xoay quanh drama trong gia đình, người này ghét người kia.
Trong những bộ phim kể trên, các nhân vật cho dù có tắm trong tiền thì lại được xây dựng vô cùng gay gắt, kẻ thì xấu tính, người thì tham lam đến cùng cực. Điều này tạo ra được tâm lý đối nghịch cho người xem, và giúp chúng ta cảm thấy hài lòng hơn về cuộc sống hiện tại. Hóa ra chị A lắm tiền là vậy mà vẫn khó đẻ con trai cho mẹ chồng khó tính, hay anh B vợ đẹp con khôn nứt đố đổ vách cũng “yếu sinh lý” như thường. Nhìn ra thế giới, cũng có thể thấy ngay những bộ phim siêu giàu gây sốt như Penthouse của Hàn Quốc hay Crazy Rich Asians đều được yêu thích vì nội dung quá sức lắt léo, drama, chứ chỉ nhiều tiền thôi thì không đủ.
Tính giải trí, gây thỏa mãn của sự giàu sang là không thể chối bỏ
Phải thực sự công nhận, nhìn hai nhân vật cưỡi ngựa mà chửi nhau tàn độc thì chắc chắn vui vẻ, thư giãn hơn nhìn hai đứa nhóc bán vé số đánh lộn giành miếng ăn ở ven đường, ngõ hẻm. Những bộ phim về giới nhiều tiền cũng là cơ hội để nhà sản xuất thỏa sức sáng tạo về bối cảnh, trang phục, cũng như là chiêu bài PR không-bao-giờ-hết-hot để thu hút khán giả.
Còn nhớ, Tiệc Trăng Máu từng khoe rùm beng về bối cảnh quay là căn penthouse được chăm chút đến từng món đồ high-end trong nhà, hay Gái Già Lắm Chiêu luôn luôn khoe những bức hình, trailer hào nhoáng nhất có thể. Một vài cái tên khác như Chị Trợ Lý Của Anh, Chị Chị Em Em cũng mang lại cảm giác sang trọng, ngập mùi tiền song hành cùng nội dung chính. Cho dù phim sến súa không chịu được hay có drama rúng động cả nhà thì bối cảnh giàu sụ, sướng mắt đều góp phần cân bằng lại, giúp trải nghiệm phim giải trí trở nên thoải mái hơn. Yếu tố giàu có không đóng vai trò mang tính sống còn của cốt truyện, mà đúng hơn là món trang sức để tác phẩm hấp dẫn, long lanh, thu hút ánh mắt, đồng thời mang lại cảm giác tích cực, không nặng nề cho bộ phim.
Những chủ đề tình dục, giật bồ, kinh dị hay “đốt tiền” luôn đứng đầu danh sách được đông đảo mọi người quan tâm. Chỉ cần một vài bức hình về bộ quần áo hình cái nơ siêu to khổng lồ của Kaity Nguyễn trong Gái Già Lắm Chiêu hoặc Minh Hằng quằn quại trên giường với trai tây của Bẫy Ngọt Ngào, tính truyền miệng đã cao hơn hẳn và các nguồn tin từ chính thống đến lá cải, hóng hớt đều có thể thâu tóm nhằm câu giật sự chú ý của khán giả đại chúng. Xét cho cùng, chính yếu tố này của phim đã là nước PR hiệu quả.
Tạm kết
Tất nhiên, không hề có gì xấu xa hay tiêu cực khi khán giả muốn đắm mình vào thế giới lung linh, lộng lẫy của những kẻ lắm tiền lắm quyền - nhất là khi nó cực kỳ giải trí. Tuy nhiên đừng để những bộ phim ấy góp phần tô hồng cho một thế giới “không làm mà đòi có ăn”, hay “mọi sự đều có thể giải quyết bằng tiền”, hoặc tệ hơn nữa là học theo phim rồi chạy đua theo những trào lưu tiêu dùng, tệ nạn có hại cho chính bản thân. Cũng đừng để thế giới của trường tư, xe xịn, du lịch hạng nhất, sơn hào hải vị làm bạn cảm thấy thụt lùi và thua kém. Ghé thăm vào ảo mộng cũng là một cách bồi bổ cho tâm hồn, nhưng hãy cẩn thận đừng để đi lạc trong những cơn mơ viển vông!
Nguồn ảnh: Tổng hợp