Sức hút kỳ lạ của phim Ấn Độ tại thị trường Trung Quốc

Trong những năm gần đây, có nhiều bộ phim Ấn Độ đã 'phá đảo' các phòng vé Trung Quốc. Vậy những yếu tố nào khiến các bộ phim Bollywood chinh phục được khán giả quốc gia láng giềng tỷ dân?

Bollywood chinh phục trái tim khán giả Trung Quốc

Một cảnh trong phim Maharaja. Ảnh: moviecrow.com

Một cảnh trong phim Maharaja. Ảnh: moviecrow.com

Một bộ phim tiếng Tamil của Ấn Độ đã trở thành nhà vô địch hiếm hoi tại phòng vé Trung Quốc, thu về hàng triệu USD kể từ khi phát hành vào ngày 29/11. Đó là phim hành động Maharaja do Nithilan Saminathan đạo diễn và nam tài tử Vijay Sethupathi là diễn viên chính.

Maharaja đã thu về hơn 7,4 triệu USD trong vòng chưa đầy hai tuần tại Trung Quốc, thị trường phòng vé lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Con số này thậm chí còn cao hơn 1/3 doanh thu phòng vé toàn cầu của bộ phim và sánh ngang với doanh thu khoảng 8,5 triệu USD của bộ phim ăn khách này tại Ấn Độ.

Maharaja đang trên đà trở thành một trong 10 bộ phim Ấn Độ có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc. Maharaja, xoay quanh cuộc tìm kiếm cô con gái mất tích của một thợ cắt tóc. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của Ấn Độ được trình chiếu tại các rạp chiếu phim Trung Quốc sau khi hai nước đạt được thỏa thuận vào tháng 10 để giải quyết tình trạng căng thẳng quân sự kéo dài 4 năm ở biên giới.

Ngày 15/6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ tại thung lũng Galwan ở Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột này. Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều nhiều lần cáo buộc nhau xâm phạm lãnh thổ. Bắc Kinh và New Delhi đã tìm cách giảm căng thẳng tại biên giới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm chính thức đầu tiên sau 5 năm vào tháng 10 vừa qua, tại thành phố Kazan của Nga, một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đang trên đà cải thiện.

Trung Quốc đã cấm phim Ấn Độ tại thị trường nước này sau cuộc đụng độ năm 2020. Ở thời điểm đó, cả Bắc Kinh và New Delhi đều áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại ăn miếng trả miếng. Tuy nhiên, dần dần, các bộ phim Bollywood được quay trở lại rạp chiếu phim Trung Quốc. Tác phẩm hài Chhichhore đã trở thành bộ phim Ấn Độ đầu tiên được phát hành tại Trung Quốc kể từ sau tranh chấp. Chhichhore được trình chiếu tại các cụm rạp Trung Quốc vào tháng 1/2022.

Hai bộ phim Ấn Độ khác – Drishyam (phim kinh dị tội phạm) và Kanaa (phim thể thao) – đã được phát hành tại các rạp chiếu phim Trung Quốc, nhưng thành công không đáng kể. Giờ đây, kết quả đầy khích lệ của Maharaja đã tái thu hút sự chú ý của Ấn Độ vào thị trường Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc thậm chí còn đăng lên mạng xã hội X khen ngợi thành công của Maharaja và đánh giá rằng khán giả đại lục có thể sớm thưởng thức thêm nhiều bộ phim Ấn Độ trong thời gian tới.

Trung Quốc ước tính có 86.000 phòng chiếu phim, là thị trường béo bở với các nhà làm phim trên toàn thế giới, bao gồm cả Ấn Độ, nơi ước tính có khoảng 10.000 phòng chiếu phim.

Ông Zhang Yi, lãnh đạo công ty tư vấn iiMedia tại tỉnh Quảng Đông, nhận định với The Straits Times (Singapore) rằng Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất phim nước ngoài, bởi số lượng rạp chiếu phim lớn và tầng lớp trung lưu khổng lồ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã khẳng định vị trí là thị trường nước ngoài lớn nhất của Bollywood. Khán giả Trung Quốc đã ủng hộ nhiệt tình cho những bộ phim ăn khách Ấn Độ như Bajrangi Bhaijaan (2015; 46,6 triệu USD), Secret Superstar (2017; 124,4 triệu USD) và Andhadhun (2018; 47,9 triệu USD).

Yếu tố khiến khán giả Trung Quốc cảm mến điện ảnh Ấn Độ

Phim Dangal từng gây sốt tại thị trường Trung Quốc năm 2016. Ảnh: scroll.in

Phim Dangal từng gây sốt tại thị trường Trung Quốc năm 2016. Ảnh: scroll.in

Ông Komal Nahta, một nhà phân tích thương mại điện ảnh tại Mumbai, cho biết các nhà làm phim Ấn Độ hướng về phía thị trường Trung Quốc bởi quy mô khổng lồ. Ông nhận xét: "Tại Trung Quốc, một bộ phim có thể thu về số tiền còn cao hơn tổng doanh thu ở tất cả các thị trường nước ngoài cộng lại".

Nhưng Trung Quốc lại có sự cạnh tranh rất khốc liệt, bởi kiểm duyệt nghiêm ngặt và các chính sách bảo hộ hạn chế việc phát hành phim nước ngoài mỗi năm. Tổng cộng có 84 bộ phim nước ngoài, bao gồm 28 phim Hollywood, được phát hành tại Trung Quốc trong năm 2023.

Theo ông Zhang Yi, các hãng phim nước ngoài cũng sẽ phải nỗ lực hơn, so với những năm trước, để thu hút khán giả Trung Quốc vì phim nội địa, đặc biệt là các thể loại như khoa học viễn tưởng, hoạt hình… đang nhanh chóng bắt kịp các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, các nhà làm phim Ấn Độ đang đặt cược vào cốt truyện cảm xúc và sự tương đồng về văn hóa để tạo được đồng cảm với khán giả Trung Quốc và mang lại cho họ những “trái ngọt”.

Ví dụ, bộ phim ăn khách năm 2016 của Bollywood có tên Dangal dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đấu tranh của hai nữ đô vật và người cha kiêm huấn luyện viên, đã đạt doanh thu ở Trung Quốc (193 triệu USD) gấp đôi so với thị trường Ấn Độ. Dangal được xếp hạng nằm trong danh sách 20 bộ phim nước ngoài có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc, cùng với những “bom tấn” Hollywood như Avengers: Endgame và The Fate Of The Furious.

Điện ảnh Ấn Độ đã là một phần không thể thiếu ở Trung Quốc trong hơn 70 năm. Bộ phim tội phạm Awaara của Bollywood năm 1951 vẫn được thế hệ người Trung Quốc lớn tuổi nhắc đến. Ông Zhang cho biết người Trung Quốc từ lâu đã coi Ấn Độ là một "nơi bí ẩn", vì đất nước này xuất hiện nhiều trong Tây Du Ký.

Học giả Yanyan Hong tại Đại học Adelaide (Australia) cho biết phim Ấn Độ chinh phục khán giả Trung Quốc nhờ lối kể chuyện đậm chất nhân văn và giàu cảm xúc. “Những bộ phim như Dangal và Bajrangi Bhaijaan đều xoay quanh tình cảm gia đình, số phận cá nhân và vấn đề xã hội - những đề tài được khán giả Trung Quốc đặc biệt đồng cảm bởi họ cũng coi trọng giá trị gia đình và câu chuyện đời thường ý nghĩa văn hóa sâu sắc”.

Bà Yanyan Hong cũng đánh giá rằng các bộ phim Ấn Độ phải dựa nhiều vào cốt truyện để có thể tạo dấu ấn so với các đối thủ khác tại thị trường Trung Quốc bởi ngân sách dành cho quảng bá không thể mạnh bằng các bộ phim bom tấn Hollywood.

Đáng chú ý, bà Yanyan Hong cũng nhận định rằng thành công của các bộ phim Ấn Độ tại Trung Quốc còn phụ thuộc vào một số yếu tố, đó là cốt truyện mang đậm bản sắc văn hóa, quảng bá hiệu quả. Bà Hong kết luận: “Một điều rõ ràng là nếu cốt truyện tốt, khán giả Trung Quốc sẽ lại cởi mở với điện ảnh Ấn Độ. Trước đây họ từng như vậy và hoàn toàn có thể lặp lại điều đó”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Straits Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/suc-hut-ky-la-cua-phim-an-do-tai-thi-truong-trung-quoc-20241216095628936.htm