Sức khỏe các bệnh nhân Covid-19 nặng đang tiến triển tốt
Sức khỏe của ba bệnh nhân nặng là các bệnh nhân số 19, 91 và 161 đang tiến triển tốt, riêng bệnh nhân số 91 là phi công người Anh hiện không sốt, không chảy máu mũi và đã có nhịp tự thở.
Bệnh nhân số 91 có dấu hiệu lâm sàng tốt dần lên. Ảnh TL.
Bệnh nhân số 91 là phi công người Anh sức khỏe đang tốt dần
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19, từ 18 giờ ngày 16/4 cả nước không ghi nhận ca bệnh Covid-19 mới. Tại Việt Nam hiện có 268 bệnh nhân, trong đó 160 người từ nước ngoài, chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng, chiếm 40,3%.
Ngày hôm qua 16/4, có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện số 2 Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Dự kiến hôm nay, 17/4, sẽ có 15 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ( Đông Anh, Hà Nội). Cho tới thời điểm hiện tại đã có có 177/268 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Liên quan đến sức khỏe các ca bệnh nặng, báo cáo của Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19) cho hay, bệnh nhân 19 (là bác của bệnh nhân 17, đã được công bố khỏi bệnh) có đáp ứng tốt, gọi hỏi giao tiếp được, nhận biết không gian, thời gian, bản thân tốt, không liệt khu trú, không có phù trên lâm sàng, bệnh nhân không sốt trong ngày 16/4.
Bệnh nhân 161 (bị tai biến mạch não, bệnh nhân nội trú liên quan ổ dịch tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang) thở máy qua nội khí quản, thông khí 2 bên rõ, tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực còn yếu, huyết áp 110/60mmHg, gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, liệt nửa người trái, bệnh nhân còn sốt cơn dao động trong ngày. Tình trạng viêm có xu hướng giảm nhẹ, men gan xu hướng giảm.
Bệnh nhân 91 (phi công người Anh, liên quan ổ dịch tại quán bar Buddha, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) không sốt, thở máy, có nhịp tự thở, không chảy máu mũi miệng, kiểm soát rối loạn đông máu tạm ổn, X-quang phổi không tổn thương xấu thêm.
Về nguy cơ dịch Covid-19 tại các địa phương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19 đánh giá, 12 địa phương có nguy cơ cao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa và Tây Ninh.
Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng đến ngày 22/4 hoặc 30/4 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.
16 địa phương thuộc nhóm có nguy cơ: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp và Hà Giang.
Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 22.4 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22.4 tùy diễn biến dịch bệnh.
Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng.
Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc chấm dứt hoạt động
Cũng trong ngày hôm nay 17/4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định về việc chấm dứt hoạt động của cơ sở cách ly tập trung dành cho dịch bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 916/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động của cơ sở cách ly tập trung dành cho dịch bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc.
Ủy ban nhân dân yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị khác có liên quan đến Bệnh viện dã chiến cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận, bảo quản theo quy định hiện hành.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ quản lý, theo dõi cách ly y tế đối với những cán bộ thuộc đơn vị đã tham gia làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly tập trung của Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó ngày 13/2, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khi có 11 ca dương tính trên địa bàn, cùng với quyết định việc khoanh vùng, cách ly xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định lập Bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Bệnh viện được thiết lập tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc (cũ), nằm ở đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên.
Theo quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc, bệnh viện có 300 giường bệnh, có nhiệm vụ cấp cứu, thu dung, điều trị triệt để người bệnh Covid-19 theo phân phối điều trị tại địa phương, nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; đồng thời triển khai cách ly, điều trị, quản lý ca bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, người nhà người bệnh và cộng đồng...
Bệnh viện bao gồm: Khu điều trị người bệnh đã được chuẩn đoán xác định nhiễm Covid-19 gồm các khoa: Hồi sức cấp cứu, Điều trị 1, Điều trị 2. Ngoài ra, bệnh viện có năm khoa chuyên môn, gồm: Khoa Khám bệnh, phân loại người bệnh; Khoa Theo dõi người bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19; Khoa Theo dõi người bệnh trước khi ra viện; Khoa Dược - Kiểm soát nhiễm khuẩn; Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh...