Sức khỏe nền kinh tế số 1 châu Âu 'ốm yếu', 98% người dân yêu cầu cải cách chính sách 'phanh nợ'
Một cuộc khảo sát mới đây của ngân hàng Deutsche Bank cho thấy, có tới 98% người được hỏi tin rằng chính sách 'phanh nợ' của Đức cần được cải cách. Chính sách này, được ban hành năm 2009, là một phần của cải cách hiến pháp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
"Phanh nợ" là chính sách áp đặt giới hạn nghiêm ngặt về vay nợ của chính phủ, nhằm duy trì sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng chính sách này đang cản trở khả năng ứng phó của Đức trước các thách thức kinh tế hiện tại, đặc biệt là khi các khoản đầu tư công cần thiết bị hạn chế.
Minh chứng rõ ràng nhất là việc Chính phủ Đức buộc phải chấm dứt sớm các khoản trợ cấp xe điện vào cuối năm 2023, sau khi Tòa án Hiến pháp ngăn chặn việc tái phân bổ 60 tỷ Euro từ các quỹ dư thừa thời đại dịch.
Hậu quả là doanh số xe điện sụt giảm trong năm 2024, các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp báo cáo lợi nhuận giảm, dẫn đến tình trạng sa thải nhân công tại các “ông lớn” như Volkswagen và Bosch. Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) thậm chí còn nhận định "phanh nợ đang làm tổn hại đến nền kinh tế".
Chính sách "phanh nợ" giới hạn thâm hụt ngân sách cấu trúc của Đức ở mức 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong điều kiện bình thường.
Trước đây, ý tưởng này từng đóng vai trò quan trọng giúp Đức trở thành trụ cột kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc khủng hoảng nợ khi một số quốc gia thành viên gặp khó khăn với các khoản nợ và sự ổn định của đồng Euro bị nghi ngờ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nhiều chính trị gia thuộc các phe phái khác nhau đều đặt câu hỏi về tính bền vững của chính sách này. Họ cho rằng nó hạn chế chi tiêu công cần thiết để giải quyết các khó khăn kinh tế.
Trong khi các cuộc thảo luận về cải cách được kỳ vọng sẽ diễn ra vào năm 2025, các chuyên gia cảnh báo rằng thay đổi chính sách có thể không đủ để phục hồi kinh tế. Sự chậm trễ trong đầu tư, chi phí năng lượng cao và bộ máy quan liêu vẫn là những rào cản lớn.