Sức khỏe người di cư Việt Nam: Để 'không ai bị bỏ lại phía sau'
Thực tế đại dịch COVID-19 cho thấy, việc di cư và tiếp xúc của người di cư đã gia tăng tình trạng lây lan dịch bệnh trong một quốc gia cũng như giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Các số liệu cũng dựng nên một bức tranh phức tạp hơn về di cư. Theo đó, một chương trình hành động cho sức khỏe người di cư là hết sức cần thiết.
Ngày 7/7/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Tổ chức y tế thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo “Khởi động Chương trình nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam”.
Báo cáo Di cư toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Di cư Quốc tế cho thấy thế giới có 272 triệu người di cư quốc tế trong số 7,7 tỷ người, nghĩa là cứ 30 người có 1 người di cư. Riêng tại Việt Nam, Hồ sơ Di cư Việt Nam năm 2016 của Cục Lãnh sự- Bộ Ngoại giao cho biết, cả nước có gần 6 triệu lượt người Việt Nam xuất cảnh, chủ yếu là đi làm việc và học tập, chiếm khoảng 9% dân số. Trong nước, dòng người di cư cũng luôn biến động. Trong 5 năm qua, có 6,4 triệu người di cư, chiếm 7,3% và chủ đạo là di cư giữa thành thị- thành thị.
Nhiều biến động và phức tạp hơn
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học – Viện nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em: Trong những năm gần đây, di cư ở Việt Nam có xu hướng gia tăng tới bùng nổ di cư. Xu hướng này còn tiếp tục tăng lên bởi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động chiếm tới 68% dân số, thu nhập, việc làm chênh lệch giữa thành thị - nông thôn cũng như giữa các thành phố lớn... Nghiên cứu cho thấy một bức tranh về người di cư Việt Nam cũng như các chính sách cho người di cư trước đây, hiện nay và khuyến nghị trong tương lai.
Báo cáo của IMO cũng cho biết, trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam có rất nhiều người di cư là người nước ngoài ( chuyên gia, người lao động, khách du lịch) cũng như người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trở về nước trong giai đoạn đại dịch. Trong tương lai, còn nhiều người Việt Nam sẽ ra nước ngoài để làm việc tại những thị trường lao động tiềm năng, quen thuộc như Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).... Vì thế một chương trình hành động nhằm bảo vệ sức khỏe cho những đối tượng này là hết sức cần thiết.
Người di cư được xác định là những đối tượng dễ bị tổn thương phải đối mặt với những bất lợi và rào cản trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam hay quốc gia mà họ di cư tới hay quá cảnh. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lan rộng trên thế giới, nhiều người di cư bị mất việc làm, giảm thu nhập, nguy cơ về sức khỏe, thậm chí bị kỳ thị, ... trong khi các chính sách cho họ, nhất là chính sách về y tế còn nhiều khoảng trống và rào cản.
Cần tiếp cận liên ngành đối với sức khỏe người di cư
Các nghiên cứu và ý kiến thảo luận tại hội thảo xác định một số rào cản đã tác động đến sức khỏe của người di cư và việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đó là việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ tại tuyến cơ sở, hệ thống giám sát sức khỏe người di cư chưa đầy đủ, còn nhiều hạn chế trong quan hệ đối tác và mạng lưới kết nối các bên liên quan, chưa thực sự lưu tâm về giới và thân thiện với người di cư từ phía người cung cấp dịch vụ y tế, nhân viên hành chính và cộng đồng... Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh tính quan trọng của việc tiếp cận liên ngành nhằm hỗ trợ kỹ thuật việc xây dựng và thực hiện các chính sách, mô hình, dự án sức khỏe phù hợp với người di cư.
Bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng đặt ra vấn đề chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người di cư ngoài nước, người di cư trong nước là người Việt Nam trở về từ nước ngoài, người nước ngoài đến và ở lại Việt Nam ngắn hạn hoặc dài hạn...
Thực tiễn người di cư nội địa, hiện nay cũng thay đổi nhiều so với trước đây, gia tăng hơn, phức tạp hơn, có nhiều thách thức hơn đòi hỏi những nghiên cứu, phân tích sâu hơn nữa.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe kết quả nghiên cứu thực trạng sức khỏe người di cư Việt Nam của Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe người di cư của quốc gia khác trong khu vực, nghiên cứu và khuyến nghị của IPFCS, IOM, WHO,...các ý kiến tham luận của các chuyên gia nhằm đưa ra được các khuyến nghị về chính sách sức khỏe người di cư.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt nam đến năm 2030 đã yêu cầu quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư. Bộ Y tế Việt Nam đã cam kết thực hiện Nghị quyết 70.15 về tăng cường sức khỏe của người tị nạn và người di cư được Hội đồng Y tế thế giới (WHA) thông qua tháng 5 năm 2017. Để đạt được mục tiêu của “Chương trình phát triển bền vững tầm nhìn 2030” dựa trên nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau”, điều bắt buộc là nhu cầu sức khỏe của người di cư phải được đáp ứng đầy đủ.