Sức lan tỏa của một hội thi

Thời gian qua, Hội thi 'Dân vận khéo' cấp cơ sở và cấp huyện năm 2024 được Ban Dân vận Tỉnh ủy và các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức thành công. Đây là đợt sinh hoạt chính trị nhằm tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận và phong trào thi đua 'Dân vận khéo'.

Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, trao Cờ lưu niệm cho các đội tham dự Hội thi “Dân vận khéo” huyện Định Hóa, tháng 8-2024.

Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, trao Cờ lưu niệm cho các đội tham dự Hội thi “Dân vận khéo” huyện Định Hóa, tháng 8-2024.

Cuối tháng 4-2024, Phú Lương là đơn vị cấp huyện đầu tiên tổ chức Hội thi "Dân vận khéo" với sự tham gia của 15 đội, đại diện cho các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các đội thi đã hoàn thành những phần thi: Chào hỏi và trả lời các câu hỏi nghiệp vụ; giới thiệu điển hình “Dân vận khéo” hoặc xử lý tình huống dưới hình thức tiểu phẩm, thể hiện sự am hiểu sâu sắc về công tác dân vận.

Đặc biệt, phần thi sân khấu hóa thông qua tiểu phẩm của các đội thi đã tái hiện nội dung hoặc tình huống “Dân vận khéo”, với những câu chuyện thực tế được giải quyết, xử lý thành công nhờ kỹ năng, phương pháp vận động khéo léo tại cơ sở, địa phương, tạo sức lan tỏa tích cực như: Dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng, huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” huyện Phú Lương, khẳng định: Hội thi thực sự là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong công tác dân vận của Đảng bộ huyện, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò của công tác dân vận. Đây cũng là dịp giới thiệu, nhân rộng các điển hình mới, mô hình hiệu quả, cách làm “Dân vận khéo”, góp phần khích lệ, động viên nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Sau Phú Lương, các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” cấp cơ sở và cấp huyện. Tính đến cuối tháng 8-2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức thành công Hội thi tại 9/9 đơn vị cấp huyện và cấp cơ sở theo đúng yêu cầu, tiến độ kế hoạch đề ra. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh đã tổ chức 85 hội thi “Dân vận khéo” cấp cơ sở, với 823 đội tham dự. Trong đó, TP. Thái Nguyên, huyện Đại Từ và Phú Bình tổ chức hội thi ở tất cả các xã, phường, thị trấn và tổ chức hội thi điểm cấp cơ sở. Còn huyện Định Hóa và Phú Lương tổ chức hội thi cấp cơ sở ở một số xã, thị trấn. 9 huyện, thành ủy đã tổ chức thành công hội thi cấp huyện với 165 đội dự thi.

Tham dự các Hội thi “Dân vận khéo” cấp cơ sở và cấp huyện ở một số địa phương như Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên…, chúng tôi nhận thấy sự chuẩn bị chu đáo, sáng tạo của các đơn vị đã góp phần nâng cao chất lượng Hội thi. Đặc biệt là không chỉ có sự tham gia của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận, ở cấp cơ sở hay cấp huyện đều “hội tụ” đông đủ của đại diện cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đội ngũ đảng viên 213, hội viên các đoàn thể và nhân dân tham gia.

Phần thi giới thiệu điển hình dân vận khéo của Đảng bộ phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) tham dự Hội thi “Dân vận khéo” TP. Thái Nguyên, tháng 8-2024.

Phần thi giới thiệu điển hình dân vận khéo của Đảng bộ phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) tham dự Hội thi “Dân vận khéo” TP. Thái Nguyên, tháng 8-2024.

Ở Hội thi “Dân vận khéo” cấp cơ sở, toàn tỉnh có trên 4.100 lượt thí sinh tham gia chính thức và hơn 7.600 lượt người tham tham gia hỗ trợ, phụ họa cho các đội; ở hội thi cấp huyện, 825 thí sinh thi chính thức thì có tới trên 2.350 lượt người tham gia hỗ trợ, phụ họa các phần thi. Điều đó cho thấy các hội thi đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ tỉnh, khích lệ động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đồng chí Vũ Minh Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy: Qua theo dõi cho thấy, tại mỗi hội thi, bằng các hình thức sân khấu hóa và minh họa qua các video clip, các đội đã làm nổi bật đặc điểm công tác dân vận ở đơn vị mình và thể hiện được những nội dung “Dân vận khéo” đã thực hiện. Nhất là phần thi giới thiệu điển hình “Dân vận khéo” được sân khấu hóa với những tiểu phẩm có sự đầu tư, dàn dựng công phu, hấp dẫn, mang tính nghệ thuật và bản sắc văn hóa của từng địa phương. Qua đó tạo sức lan tỏa về những cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, đồng thời là một kênh tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở.

Dự kiến, Hội thi “Dân vận khéo” tỉnh Thái Nguyên năm 2024 được tổ chức vào đầu tháng 10 tới, với sự tham gia của 9 đội thi đến từ 9 huyện, thành phố. Hiện, các đội thi đã và đang tích cực luyện tập để chuẩn bị cho sự kiện lớn này. Tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, Hội thi sẽ thành công tốt đẹp, là hoạt động chính trị lớn của ngành Dân vận tỉnh Thái Nguyên chào mừng Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2024), 25 năm Ngày Dân vận của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2024) và 75 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Sự thật (15/10/1949 - 15/10/2024).

Linh Lan - Minh Đạt

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202409/suc-lan-toa-cua-mot-hoi-thi-12c2856/