Sức lan tỏa của một phong trào
Trong những năm qua, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (TDĐKXDĐSVH) ở tỉnh Quảng Trị được triển khai hiệu quả, lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, nhiều nét đẹp trong lao động, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện tốt hơn, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi…
Phong trào TDĐKXDĐSVH nhận được quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ vậy, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, sinh động, nâng cao ý thức của người dân về xây dựng đời sống văn hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể. Phó Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Hải Lăng Võ Văn Vượng cho biết: “Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện ở địa phương với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ và Nhân dân. Toàn huyện hiện có 93,5% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Thông qua phong trào đã khơi dậy các giá trị truyền thống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước nâng cao đời sống cho Nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh thông tin, xác định rõ tầm quan trọng của phong trào TDĐKXDĐSVH, huyện đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao năng lực của Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào các cấp; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của BCĐ phong trào theo hướng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường đầu tư nguồn lực cho sự phát triển toàn diện của phong trào... Từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đến nay, toàn huyện có hơn 90% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; hơn 98% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa; nhiều lễ hội truyền thống, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống xã hội, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân. Tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức tự quản cộng đồng được phát huy. Việc huy động nguồn lực theo hình thức xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Thị Thu Hương cho biết, BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh tích cực chỉ đạo việc lồng ghép và phối hợp thực hiện phong trào ở địa phương, đơn vị và các lĩnh vực thuộc ngành quản lý. Vì vậy, phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, kết hợp với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các hoạt động nâng cao ý thức người dân về thực hiện xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; mở rộng phạm vi, đối tượng thực hiện, quy tụ và huy động toàn dân tham gia đã tạo thành phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều mặt.
Một trong những kết quả nổi bật của phong trào TDĐKXDĐSVH trong thời gian qua là thực hiện xây dựng gia đình văn hóa. Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, phúc tra, bình xét gia đình văn hóa từ cơ sở nên việc bình xét danh hiệu này được thực hiện dân chủ, công khai, đảm bảo chất lượng. Năm 2020, toàn tỉnh có 159.192/170.886 gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 93,1%. Phong trào xây dựng làng, bản, khu phố văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa phát triển sâu rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 793/797 làng, bản, khu phố được công nhận văn hóa; 806/880 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn đơn vị văn hóa.
Các phong trào văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại được tổ chức thực hiện hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Công tác xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng cơ chế, chính sách được quan tâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng và khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao có hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, duy trì tính bền vững, được Nhân dân tích cực hưởng ứng. Từ thực tiễn xuất hiện ngày càng nhiều gia đình, làng văn hóa tiêu biểu xuất sắc, nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt”, nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính. Đồng thời khơi dậy và phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể và Nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của mỗi người dân và cộng đồng được củng cố và thắt chặt. Đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=155831