Sức lan tỏa từ phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, khu dân cư học tập
Ông cha ta có câu 'Cho bạc, cho tiền không bằng cho nghiên, cho bút'. Tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha, những người con TP Thanh Hóa hôm nay đã và đang ra sức xây dựng gia đình, dòng họ, khu dân cư học tập (GĐ, DH, KDCHT), góp phần đưa sự nghiệp giáo dục thành phố phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Đại diện lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa tặng giấy khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, khu dân cư và đơn vị học tập giai đoạn 2015-2020.
Nhiều năm qua, với sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến phường, xã, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của Hội Khuyến học, phong trào xây dựng GĐ, DH, KDCHT trên địa bàn thành phố đã phát triển mạnh mẽ. Phong trào đã bắt đúng mạch nguồn của cuộc sống, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của mỗi GĐ, DH, KDC nên đã trở thành phong trào tự nguyện, tự giác của toàn dân. Nhiều GĐ, DH, KDC đã có những cách làm hay, kinh nghiệm quý trong việc khuyến khích, giáo dục, động viên con em ra sức học tập, rèn đức luyện tài, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và công tác.
Trong mỗi mái ấm GĐ, truyền thống hiếu học là yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến hành vi, lối sống và nhân cách của từng thành viên. Thật vui mừng biết bao khi biết rằng có nhiều GĐ cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn quyết tâm tạo mọi điều kiện cho các con ăn học thành đạt. Tiêu biểu như GĐ ông Dương Văn Tân, thôn 3, xã Thiệu Dương, từ nghề làm nông nghiệp, đời sống nghèo khó nhưng với quyết tâm cao, vợ chồng ông đã tìm tòi và làm nhiều nghề khác nhau để có tiền chăm lo việc học hành cho con cái. Các con ông đã không phụ lòng cha mẹ, luôn cố gắng học tập và đã thành danh. Người con trai đầu Dương Văn Tú, sinh năm 1985 hiện đang là tiến sĩ khoa học chuyên ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Ku Leuven (Bỉ) với nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tờ báo khoa học quốc tế. Con gái thứ 2 Dương Thị Linh cũng theo bước anh chăm ngoan, học giỏi, thi đậu vào Học viện Ngân hàng và hiện đang là Phó trưởng Phòng kinh doanh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh quận Tây Hồ (TP Hà Nội). Là người có tâm với phong trào khuyến học, nhiều năm qua, GĐ ông Tân đã tích cực ủng hộ quỹ khuyến học DH, quỹ khuyến học của thôn và quỹ khuyến học của xã. Còn rất nhiều GĐ nữa ở TP Thanh Hóa có truyền thống hiếu học, con cái học giỏi và đỗ đạt như GĐ chị Đặng Thị Vinh (xã Đông Vinh) có con trai đầu chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh và con trai thứ 2 đang học năm thứ 2 Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội; GĐ ông Nguyễn Văn Chung (phường Đông Sơn) có 2 con là tiến sĩ hiện đang công tác tại Pháp và Đức... Đó chỉ là 3 trong số hàng chục nghìn GĐ đã được công nhận GĐHT. Nếu như năm 2015, TP Thanh Hóa có 35.768 GĐ được công nhận GĐHT (đạt 38%) thì đến năm 2019 tăng lên 75.712 GĐ (đạt 74,9%).
Phong trào xây dựng GĐHT đã trở thành hạt nhân để tạo nên những DHHT. Để rồi trong số 820 DH ở thành phố nổi lên những DH tiêu biểu như DH Nguyễn Hữu (phường Đông Thọ), DH Trần Như (xã Thiệu Vân), DH Nguyễn Xuân (phường Tào Xuyên)... Nguyễn Xuân là DH có truyền thống hiếu học lâu đời, có rất nhiều người đỗ đạt cao và giữ các chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa ở Trung ương và địa phương. Phát huy truyền thống hiếu học, các thế hệ trong DH luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục nên đã thành lập ban khuyến học, khuyến tài của DH từ năm 2003. Từ đó đến nay ban khuyến học luôn được duy trì và hoạt động ngày càng hiệu quả. Nhờ quan tâm đến sự học mà mỗi năm, DH có từ 6 đến 8 cháu đậu đại học, cao đẳng; 45 đến 50 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến; 5 đến 6 cháu đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh, thành phố, 92 - 95% hộ GĐ được công nhận GĐHT. Hết năm 2019, trong tổng số 820 DHHT ở TP Thanh Hóa, đã có 388 DH được công nhận là DHHT.
311 KDCHT trên địa bàn TP Thanh Hóa có điều kiện, đặc điểm và cách làm khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là truyền thống hiếu học và ham học, nỗ lực vượt khó để chăm lo, động viên, khuyến khích mọi thành viên trong GĐ, cộng đồng không ngừng học tập theo phương châm “Học nữa, học mãi, học suốt đời”. Tổ dân phố 7, phường Đông Sơn có 349 hộ, 1.336 nhân khẩu. Điểm nổi bật của tổ dân phố 7 là Nhân dân trong phố rất hiếu học nên các GĐ đã đồng lòng, giúp đỡ nhau xây dựng KDCHT tiêu biểu. Chi hội khuyến học phố đã chăm lo việc học cho lớp trẻ bằng nhiều hình thức như thường xuyên nắm bắt tình hình học tập của các cháu, phát động phong trào “giỏi ở trường, ngoan ở nhà”, tổ chức “Tết khuyến học”... Vì thế, toàn bộ con em trong phố đều đến trường đúng độ tuổi và không có em nào bỏ học. Trong phố còn có nhiều người thành đạt, trong đó có 9 tiến sĩ, 50 thạc sĩ, 698 người có trình độ đại học, nhiều GĐ có cả bố mẹ và các con đều có trình độ đại học trở lên. Đến nay, 100% hộ GĐ trong phố đều được công nhận là GĐHT. Từ học tập mà đời sống của các GĐ được nâng lên, đến nay tổ dân phố 7 không còn hộ nghèo, số hộ giàu tăng lên; đường làng, ngõ phố khang trang sạch đẹp, mọi người sống với nhau nghĩa tình, đoàn kết.
Việc xây dựng “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập cấp xã” cũng được thực hiện từ năm 2017 đến nay, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng thành phố học tập giai đoạn 2020-2025 theo chủ trương của tỉnh. Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong GĐ, DH và cộng đồng đến năm 2020” vừa qua là mốc son đánh dấu quá trình trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng hoạt động ở TP Thanh Hóa, từ phát động, đăng ký, bình xét, công nhận đến biểu dương, trao giấy công nhận cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Đại diện các GĐ, DH, khu dân cư đã về dự với tinh thần phấn khởi, tự hào vì được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Đó là động lực để phong trào này tiếp tục lan tỏa, vươn xa, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp.