Sức mạnh bí ẩn của Đế chế Mông Cổ - Huyền thoại của những đế chế trong lịch sử
Mông Cổ được đánh giá là đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử loài người bởi những điều phi thường mà họ làm chưa từng xuất hiện trong lịch sử và cũng khó tái hiện một lần nữa trong tương lai. Tuy vậy, cũng còn vô số những bí mật ẩn chứa dưới thời đế chế này mà không phải ai cũng biết.
Sức mạnh quân sự
Mông Cổ là một trong những đế chế hùng mạnh nhất lịch sử. Đế chế Mông Cổ được Thành Cát Tư Hãn - nhà lãnh đạo tài năng, xuất sắc đã dẫn dắt những chiến binh thảo nguyên từng bước trở thành đế chế hùng mạnh.
Mặc dù nhiều cường quốc gặp vấn đề trong việc thực hiện các cuộc xâm lược vào mùa đông nhưng ngựa chiến của đội quân Mông Cổ có thể di chuyển qua các dòng sông băng mà không cần cầu đường.
Quân đội Mông Cổ có thể tác chiến hiệu quả ở những vùng đất lạnh giá như Siberia cũng như vùng đất nóng bức Arabia. Ngựa chiến đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chinh chiến của Mông Cổ.
Người Mông Cổ nổi tiếng với những chiến thuật chiến đấu hiệu quả. Binh lính được rèn luyện qua nhiều trận chiến từ quy mô nhỏ đến lớn.
Thành tích chiến đấu của đội quân Mông Cổ trong thời kỳ đỉnh cao dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn thậm chí còn được đánh giá cao hơn chiến tích của các chỉ huy nổi tiếng như Alexander Đại Đế hay Hannibal Barca thời Cộng hòa La Mã.
Lối đánh của người Mông Cổ có hai điểm nổi bật, đó là bất ngờ đánh nhanh thắng nhanh và giả thua rồi đột ngột tấn công. Cả hai chiến thuật này đều làm cho hàng ngũ địch mất tinh thần, rối loạn.
Vũ khí
Người Mông Cổ có máu du mục ở trong tim. Họ mạnh mẽ khi chiến đấu trên lưng ngựa. Ngựa cũng được coi là một chiến binh, một loại vũ khí không thể thiếu được.
Giống ngựa Mông Cổ bắt nguồn từ những đồng cỏ phương Bắc với vóc dáng có phần nhỏ hơn, chân ngắn hơn, bờm và đuôi rậm hơn, song chúng ít đòi hỏi chăm sóc, sức chịu đựng tốt, có thể sống quanh năm bằng cỏ mọc trên thảo nguyên, đặc biệt thích nghi tốt với khí hậu cận nhiệt đới.
Trong suốt thế kỷ XIII, vó ngựa của quân xâm lược Mông Cổ đã tung hoành khắp nơi, ngựa Mông Cổ có thể nói là phương tiện duy nhất để di chuyển đại quân từ Á sang Âu. Vó ngựa Mông Cổ được coi là đi đến đâu thì cỏ không mọc được, đến đâu thì bình địa đến đó.
Người Mông Cổ cũng sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau. Kiếm của họ mang lưỡi kiếm cong – giúp dễ xử lý cả trên lưng ngựa và trên bộ. Chùy, búa, dao găm cũng là những vũ khí phổ biến. Vũ khí tấn công từ xa phố biến nhất chính là cung tên.
Trong sử sách khả năng dùng tên của người Mông Cổ cũng đã được công nhân. Họ có sử dụng nhiều loại tên nổi tiếng nhất là tên còi (một loại mũi tên rỗng tạo ra âm thanh như tiếng huýt).
Loại tên này chủ yếu được người thủ lĩnh sử dụng để ra hiệu trong trận mạc. Tuy mạnh về phương diện vũ khí nhưng người Mông Cổ không chú ý nhiều đến áo giáp, Mãi đến giai đoạn sau của kỷ nguyên Mông Cổ áo giáp mới được sử dụng nhiều.
Vì người Mông Cổ ưa gọn nhẹ nên vật liệu làm ra chúng thường bằng da ngựa đã ngâm trong nước tiểu, cũng đôi khi được bọc thép bên ngoài.
Tôn giáo, văn hóa
Người Mông Cổ đối xử bình đẳng với hầu hết tôn giáo, điển hình là sự bảo trợ cho nhiều tôn giáo cùng một lúc. Trong thời kỳ Thành Cát Tư Hãn nắm quyền, hầu như mọi tôn giáo đều có những người cải đạo, từ Phật giáo tới Cơ đốc giáo và từ Minh giáo tới Hồi giáo.
Để tránh xung đột, Thành Cát Tư Hãn thành lập một thể chế để đảm bảo tự do tôn giáo hoàn toàn, mặc dù bản thân ông là người theo đạo Shaman.
Dưới sự cai trị của ông, tất cả các lãnh đạo tôn giáo đều không phải trả thuế và phí dịch vụ công cộng.
Kinh tế
Những người Mông Cổ có lối sống du mục. Họ gần gũi với thiên nhiên và thường không ở cố định khu vực nào. Do có những khác biệt đặc trưng nên hệ thống thư tín để liên lạc giữa các bộ lạc hay giữa mọi người với nhau cũng có điểm độc đáo.
Hệ thống bưu chính
Hệ thống bưu chính của đế quốc Mông Cổ cũ được gọi là Yam – có nghĩa là "trạm kiểm soát". Một người đưa thư thường phải di chuyển 40 km giữa 2 trạm kế tiếp nhau.
Sau đó người này có thể nhận ngựa mới đã được nghỉ ngơi hoặc đưa thư đó cho người tiếp theo để đảm bảo tốc độ chuyển thư nhanh nhất có thể.
Tại một thời điểm, trên toàn diện tích Mông Cổ có khoảng 1.400 trạm như thế với hơn 50.000 con ngựa sử dụng để chuyển thư.
Vai trò của phụ nữ trong xã hội
Trong xã hội Mông Cổ, người phụ nữ được cho là có nhiệm vụ tổ chức kinh tế chủ chốt khi những người đàn ông tập luyện đao kiếm hay đánh trận.
Các pháp sư có vị trí tôn giáo lớn trong bộ lạc cũng thường là phụ nữ. So với vai trò của người phụ nữ Châu Âu trung đại thì cùng thời kì đó vai trò của phụ nữ Mông Cổ được đề cao hơn nhiều.
Không chỉ vậy, các bộ lạc của Mông Cổ cũng đã từng có nhiều thủ lĩnh nữ. Sau khi Thành Cát Tư Hãn mất, con dâu và con gái ông đã bắt tay với nhau để đấu tranh quyền lực cho phụ nữ, tạo cho mình phe phái thế lực mạnh trong một thời gian.
Một trong những người phụ nữ Mông Cổ nổi tiếng nhất là ManduKhai Khatun, vợ của một hậu duệ Thành Cát Tư Hãn. Bà là một chiến binh có năng lực. Bà đã cùng chồng mình chiến đấu tái thống nhất Mông Cổ sau loạn lạc khoảng thế kỉ 15.
Con đường tơ lụa
Sau sự sụp đổ của nhà Đường ở Trung Quốc, con đường tơ lụa không còn là khu vực trao đổi hàng hóa tấp nập như trước.
Tuy nhiên, với sự hùng mạnh của Đế quốc Nguyên Mông, một lần nữa nó được vực dậy và thịnh vượng trở lại. Người Mông Cổ có được nguồn thu nhập rất lớn từ con đường huyền thoại này, phần lớn lộ phí đều rơi thẳng vào túi tiền của họ.
Thành Cát Tư Hãn không chỉ sử dụng con đường này để giao thương đến châu Âu mà còn sử dụng nó để chinh phục thế giới.
Trong thời gian cai trị tuyến đường quan trọng này, Mông Cổ đã có những chính sách phù hợp để duy trì và kích thích phát triển thương mại giữa hai đại lục Á - Âu.
Theo Anh Phương/Ngày nay Copy link
Link bài gốc Lấy link
https://ngaynay.vn/the-gioi/suc-manh-bi-an-cua-de-che-mong-co-huyen-thoai-cua-nhung-de-che-trong-lich-su-20151128102520075.htm