Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), đó là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cuộc chiến tranh chính nghĩa mà sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam được phát huy cao độ; trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - 1954, điểm hội tụ, nét đặc sắc chính là sự động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, dựa vào sức mạnh toàn dân, phát động, tổ chức toàn dân tiến hành chiến tranh.

Đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định và lãnh đạo phù hợp với truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, tổ chức cả nước thành một mặt trận, tạo nên thế trận “thiên la địa võng”, cả nước đánh giặc, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài; giặc đi đến đâu cũng bị đánh, đánh giặc bằng mọi vũ khí có trong tay. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến(19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng, dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”[1].

Trong đường lối chiến tranh nhân dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phương châm “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” xây dựng tiềm lực mọi mặt; lực lượng tham gia kháng chiến gồm: Quân đội, dân quân du kích, công an, nhân dân trực tiếp chiến đấu bảo vệ xóm làng, đường phố; thanh niên xung phong, dân công, các đội trừ gian, diệt ác, các đội công tác, binh vận, các tổ chức, mọi người tùy theo lứa tuổi, sức lực mà đóng góp vào kháng chiến, đi học cũng là kháng chiến, sản xuất cũng là kháng chiến... Để động viên được lực lượng toàn dân đánh giặc, toàn dân kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp các lực lượng vào Mặt trận dân tộc thống nhất, hợp thành khối đoàn kết dân tộc vững chắc; một lực lượng chính trị hùng hậu của Đảng; tạo nên sức mạnh toàn diện góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “... trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “... trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ảnh tư liệu

Hai là, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc

Thấu triệt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh vũ trang và tổ chức quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, nên trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đảng luôn coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương, Dân quân du kích (nay là Dân quân tự vệ) vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Nhờ đó, chiến tranh nhân dân không ngừng phát triển trên địa bàn cả nước với phương thức tác chiến là: Kết hợp giữa chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh chính quy của các đơn vị bộ đội chủ lực. Đặc biệt, bước vào Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, lực lượng chủ lực được tổ chức đến cấp đại đoàn và đến Chiến dịch Điện Biên Phủ phát triển khá nhanh các binh chủng pháo binh, phòng không. Với sự lớn mạnh của bộ đội chủ lực, chúng ta có điều kiện tổ chức các chiến dịch quy mô ngày càng lớn, tạo ra những “quả đấm thép” mang tính quyết định thắng lợi trên chiến trường, trong đó đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau khi phân tích, đánh giá tình hình địch - ta một cách khách quan, khoa học, toàn diện, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm “Tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực thiện chiến của ta lên Mặt trận Điện Biên Phủ, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương”[2].

Nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Chính phủ đề ra cho toàn quân, toàn dân là: Tập trung lực lượng, quán triệt quyết tâm “tích cực phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, chịu đựng gian khổ, giành toàn thắng cho chiến dịch”. Trong trận quyết chiến chiến lược này, chúng ta đã tập trung lực lượng bộ đội chủ lực tham gia, gồm: 3 đại đoàn bộ binh (308, 312 và 316), Đại đoàn công pháo 351, 1 trung đoàn thuộc Đại đoàn 304 và một số đơn vị binh chủng; lực lượng phục vụ chiến dịch rất lớn, gồm: 6.280 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 251.000 dân công...

Thực tế diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, quân và dân ta đã phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu với một quyết tâm rất cao, sự bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khổ rất lớn và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường để giành chiến thắng. Ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ của bộ đội được thể hiện rõ trong việc hoàn thành một khối lượng lớn công việc ở giai đoạn chuẩn bị chiến dịch và tiếp đó là trong quá trình thực hành chiến dịch. Đặc biệt, khi ta thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” với một loạt vấn đề đặt ra về mặt tư tưởng phải giải quyết cũng như trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu khó khăn gian khổ, ác liệt, nhưng bộ đội ta đã thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng với sức mạnh phi thường và cuối cùng đã giành thắng lợi trọn vẹn vào ngày 7-5-1954.

Ba là,phát huy đượcsức mạnhcủa lực lượng và thế trậnchiến tranh nhân dân Việt Nam

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, bằng quyết tâm và lòng dũng cảm, bằng sự gắn bó khăng khít, keo sơn, hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, bộ đội công binh đã ngày đêm lao động khẩn trương nên chỉ trong hơn ba tháng (từ tháng 12-1953 đến đầu tháng 3-1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa và mở các Đường số 41, Đường số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, là những trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới, với tổng chiều dài khoảng 300km. Kết quả đó còn là sự gắn bó, đồng cam, cộng khổ, cùng nhau chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh trong những ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của bộ đội và nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong thế trận chiến tranh nhân dân còn là sự gắn kết và quy tụ sức mạnh của hậu phương với sức mạnh của tiền tuyến. Phát huy tiềm năng và thế mạnh của hậu phương tại chỗ, trên khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ Chiến dịch. Nhiều gia đình đã vét những hạt thóc giống cuối cùng, hoặc nhịn bữa, ăn sắn, ăn khoai để dành gạo phục vụ cho Chiến dịch. Nhiều phụ nữ nghe theo tiếng gọi của Đảng chẳng quản gian khổ, hiểm nguy, nô nức lên đường, mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương...

Đặc biệt, ở Lai Châu, nơi trực tiếp diễn ra chiến dịch, tuy chiến trận trận gây nhiều khó khăn, cộng với những khó khăn thường nhật của một tỉnh miền núi cao, xa xôi hẻo lánh, nhưng nhân dân nơi đây vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương tại chỗ của mình. Nhân dân đã cung cấp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 112 tấn rau xanh, 16.972 người đi dân công với 517.210 ngày công; 348 ngựa thồ; 38 thuyền mảng; 25.070 cây gỗ chống lầy. Có địa phương như huyện Tuần Giáo đã huy động tới 45% tổng số lúa thu hoạch để cung cấp cho Chiến dịch. Bằng tinh thần đoàn kết đó, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4... đã đóng góp cho Chiến dịch 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm chuyển được ra mặt trận là hơn 2 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô.

Trong toàn Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”[3]. Những con số này thật to lớn đối với một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành một cuộc kháng chiến, cứu nước quyết liệt. Nhưng, ý nghĩa của nó còn lớn hơn, bởi đó là công sức đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên hầu khắp đất nước, là tinh thần “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”.

Đánh giá về sức mạnh của lòng dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp nhiều công sức như trong Đông Xuân 1953 - 1954 để chi viện cho quân đội đánh giặc… Bọn đế quốc… không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”2. Chính Nava cũng phải thừa nhận: “Người ta chỉ còn thừa nhận nỗ lực phi thường đó (của nhân dân phục vụ chiến dịch) và khâm phục hiệu quả mà Bộ Chỉ huy và Chính phủ (Việt Nam) đã biết cách tạo được”3.

Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiến đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. Ảnh tư liệu/nhandan.vn

Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiến đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. Ảnh tư liệu/nhandan.vn

Cùng với những đóng góp tích cực của nhân dân cả nước về lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, lực lượng dân công các địa phương được huy động đủ đáp ứng yêu cầu cho Chiến dịch. Liên khu 3 tổ chức mỗi đoàn từ 300 đến 500 người. Tỉnh Hòa Bình huy động 5.000 dân công làm đường. Huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) mới giải phóng đã có 800 người tình nguyện đi dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ; huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình huy động đội xe thồ 150 chiếc làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực. Trong vùng địch hậu, tỉnh Kiến An (nay thuộc thành phố Hải Phòng) đóng góp 230.294 ngày công. Trong vùng tạm chiếm của các tỉnh Bắc Bộ, đồng bào đã chuyển ra vùng tự do hơn 20 vạn tấn thóc và 7,5 triệu ngày công đi dân công[4].

Tính chung trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài 16 đại đội ô tô vận tải của quân đội, các phương tiện thô sơ các địa phương là lực lượng hết sức quan trọng và hiệu quả vận chuyển vật chất cho Chiến dịch (có tới hơn 2 vạn xe đạp thồ). Ngoài việc tham gia vận tải gạo, đạn cho chiến trường, lực lượng dân công còn tích cực tham gia vận chuyển thương binh ra hậu cứ để cứu chữa, trực tiếp vào tận chiến hào để phục vụ chiến đấu[5].

Nhà báo Giuyn Roa, Đại tá Quân đội Pháp viết đánh bại tướng Nava là: “... những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200 - 300kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm ni lon trải ngay trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương”[6].

Bốn là, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của chiến trường cả nước với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Tại Nam Bộ, trên cơ sở đứng vững trên chiến trường và giữ quyền làm chủ tiến công trong năm 1953, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13-3-1954, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo dốc toàn lực đẩy mạnh nhịp độ tiến công để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Các tiểu đoàn chủ lực của các Phân Liên khu và tỉnh kết hợp với bộ đội địa phương tiến công vào vùng địch hậu của các tỉnh như: Gia Định Ninh, Thủ Biên, Long Châu Sa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu,...; tiến công vào hàng loạt các trục giao thông quan trọng của địch như quốc lộ số 1, số 13, số 14, các tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Lộc Ninh.

Tuy nhiên, quân và dân Nam Bộ không chỉ hướng về Điện Biên Phủ bằng những hành động chiến đấu phối hợp chiến trường mà còn gửi cả những tình cảm chân thành động viên các chiến sĩ đang chịu đựng gian khổ, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Một phong trào gửi thư, gửi điện cho các chiến sĩ Điện Biên Phủ được phát động ở tất cả các đoàn thể, tổ chức quần chúng cách mạng như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Phụ lão, Nông hội... Những lá thư được truyền tay các chiến sĩ từ chiến hào này đến chiến hào khác, là một món quà tinh thần vô cùng quý báu làm cho các chiến sĩ cảm thấy cả nước luôn hướng về các anh, cả nước đang truyền sức mạnh cho Điện Biên Phủ.

Tại tỉnh Bình - Trị - Thiên (nay gồm các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), hai ngày sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn (15-3-1954), Bộ Tư lệnh Liên khu 4 chỉ thị cho Bình - Trị - Thiên tích cực phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh mạnh trên đường giao thông, tích cực chống càn quét, chống bắt lính nhằm kéo giãn lực lượng địch, không cho chúng thực hiện ý đồ tập trung quân, xây dựng lực lượng cơ động mạnh. Các hình thức chiến thuật mới trong tập kích, phục kích được áp dụng hiệu quả.

Trong vùng tạm chiếm, nhân dân đấu tranh chống bắt lính, chống tập trung dân… thu nhiều thắng lợi. Phong trào địch, ngụy vận thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đặc biệt, cuối tháng 3 đầu tháng 4-1954, hưởng ứng “Tuần lễ đánh mạnh”, phối hợp với Đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ do Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 phát động, bộ đội địa phương, dân quân du kích các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên liên tiếp tập kích các vị trí An Xá, Võ Xá, An Hòa, Kim Long...

Tại miền Nam Trung Bộ[7], để tiếp tục thực hiện Đợt 2 của Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và đánh trả cuộc hành quân Át-lăng 2 của địch, Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương tập trung lực lượng phát triển vào Nam Tây Nguyên, đánh mạnh trên Đường 14, Đường 7, đặc biệt là trên Đường 19, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, kể cả ở những nơi vừa bị địch chiếm đóng, đưa một bộ phận chủ lực vào đồng bằng sẵn sàng đối phó với trường hợp địch đánh ra vùng tự do Quảng Ngãi…

Bị tiến công mạnh ở chiến trường chính Điện Biên Phủ và khắp nơi, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp không những không còn quân đưa đến chiến trường Nam Trung Bộ mà cuối tháng 4-1954 còn phải rút hai binh đoàn cơ động (11 và 21) và một số tiểu đoàn quân ngụy ở Nam Trung Bộ đi cứu nguy các nơi khác, rút bớt đồn bốt, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, co về phòng giữ thị xã, thị trấn và các trục giao thông quan trọng.

Tại Bắc Bộ, chấp hành chủ trương của Đảng phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên dồn dập mở nhiều đợt “tổng công kích” đánh phá Đường số 5 và các tuyến vận chuyển chiến lược của địch. Ở Hà Nội, trong khi chiến sự ở Điện Biên Phủ và đồng bằng Bắc Bộ diễn ra ác liệt, Thành ủy chủ trương đẩy mạnh công tác địch vận phá rã hàng ngũ địch. Công tác này đã thu hút mọi cơ quan, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Được đồng bào tuyên truyền giác ngộ, nhiều đơn vị lính ngụy vừa đi càn ở đồng bằng về đã viện nhiều lý do khác nhau để thoái thác nhiệm vụ. Tiểu đoàn dù số 5 đóng ở Trường Bưởi và Tiểu đoàn dù số 7 ở Việt Nam học xá tan rã hoàn toàn. Ở sân bay Bạch Mai, chỉ trong năm ngày có tới 1.200 binh lính đào ngũ[8].

Những hoạt động mạnh mẽ trên khắp các chiến trường phối hợp với Điện Biên Phủ làm cho thực dân Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc bổ sung lực lượng và ứng cứu cho các mặt trận, đặc biệt là giữa lúc quân Pháp ở Điện Biên Phủ đang trong cơn hấp hối khi bị quân ta từng bước siết chặt vòng vây, tiến công tiêu diệt. Đó là một trong những biểu hiện sinh động của thế trận và sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.534.

[2] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, Hà Nội, 1991, tr.14.

[3] Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.305.

2 Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND, Hà Nội.1974, tr.158 - 159.

3 H.Nava, Đông Dương hấp hối, Nxb Plông, Pari, 1958, bản dịch tiếng Việt của Viện Sử học.

[4] Viện Sử học, Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.99.

[5] Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, do thương bệnh binh tăng gấp đôi dự kiến, Ngành Quân y đã huy động toàn bộ lực lượng của 7 đội điều trị (Cục Quân y), 4 đội điều trị của các đại đoàn tham gia chiến dịch, trong đó 5 đội điều trị được xây dựng thành bệnh viện mặt trận, 3 đội triển khai ở tuyến hậu cần hỏa tuyến. Đặc biệt, nhiều giáo viên, sinh viên Trường Đại học Y - Dược cũng được điều động lên phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ (Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Sđd, tr.287).

[6] Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Sđd, tr.284.

[7] Theo lệnh của Nava, ngày 12/3/1954, tướng Đờ Bô-pho huy động 40 tiểu đoàn mở tiếp cuộc hành quân mang tên Át-lăng 2 đánh chiếm Quy Nhơn và Bình Định.

[8] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, tập V, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr.234.

Theo Qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/suc-manh-chien-tranh-nhan-dan-viet-nam-trong-chien-dich-dien-bien-phu-5004121.html